Trước đó, vào hạ tuần tháng 6/2011, một số phương tiện truyền thông Hồng Công đưa tin tàu Varyag sẽ được chính thức thử nghiệm vào ngày 1/7 nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông đang căng thẳng, đồng thời đây cũng là thời kỳ nhạy cảm mà các động thái quân sự dễ dẫn đến việc “gây hấn” với quân đội Mỹ nên kế hoạch này tạm thời được hoãn lại để tránh gây kích động thêm các nước có liên quan.

Hiện nay, giai đoạn sửa chữa tàu sân bay Varyag đã gần như hoàn tất và bước vào công đoạn kiểm tra gắt gao lặp đi lặp lại để tránh gây ra sự cố khi hạ thuỷ. Nguồn tin cho biết tàu Varyag hiện đang ở trong trạng thái có thể hạ thuỷ bất cứ lúc nào, tuy nhiên lịch hạ thuỷ sẽ được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trực tiếp quyết định. Về thời điểm hạ thuỷ cụ thể, sớm nhất tàu Varyag sẽ được chạy thử vào ngày 1/8 nhân dịp kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hoặc sẽ diễn ra vào ngày 1/10 trong dịp kỷ niệm Quốc khánh nước này. Trong khi đó, tờ Quân Giải phóng thuộc Quân đội Trung Quốc mới đây cũng đã giới thiệu ông Bách Diệu Bình (48 tuổi), Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tàu chiến Đại Liên, trên mục nhân vật của báo này. Theo lời giới thiệu, ông Bách được coi là “sỹ quan chỉ huy đa năng" đầu tiên trong lịch sử Hải quân Trung Quốc vì đã có thời gian làm phi công chiến đấu trước khi chuyển sang làm chỉ huy tàu chiến hải quân và đã từng có kinh nghiệm tham gia trên 30 cuộc tập trận qui mô lớn. Theo nhận định của một viện nghiên cứu quân sự của Mỹ, ông Bách nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm thành chỉ huy tàu Varyag trong thời gian tới. 

Tàu Varyag là tàu sân bay được khởi công chế tạo tại Ucraina vào thời điểm Liên bang Xô viết còn tồn tại. Mặc dù đã hoàn thành 70% khối lượng công việc nhưng dự án này sau đó đã bị huỷ bỏ sau khi Liên bang Xô viết tan rã. Sau đó một thời gian, một doanh nhân Hồng Công có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc đã mua lại tàu Varyag và công bố dự án biến chiếc tàu này thành một sòng bạc trên biển. Tuy nhiên, đến năm 2005, không hiểu có toan tính gì mà dự án này đã bị huỷ bỏ và tàu Varyag chính thức được đưa vào sửa chữa và phục hồi nhằm phục vụ cho quân đội. Theo các nguồn tin, hiện tàu Varyag có khả năng tiến hành huấn luyện cất-hạ cánh cho các phi đội máy bay và có thể liên kết với các tàu hỗ trợ khác để tiến hành diễn tập trên biển. 

Hiện nay, nhờ việc nắm bắt công nghệ của tàu Varyag mà Trung Quốc đã có thể chính thức bước vào giai đoạn chuẩn bị cho dự án tự đóng tàu sân bay. Theo một số nguồn tin có liên quan, Trung Quốc dự định sẽ đóng trên hai tàu sân bay cỡ vừa từ 60.000 tấn tới 70.000 tấn. Cựu Thiếu tướng Hải quân Từ Quang Dụ từng công khai bày tỏ trên báo chí Hồng Kông rằng Trung Quốc có thể sở hữu từ 3-6 tàu sân bay trong tương lai. Và dựa trên số tàu sân bay sở hữu từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể bao nhiêu tàu sân bay cho Hạm đội Đông Hải (phụ trách vùng biển Hoa Đông) và Hạm đội Nam Hải (phụ trách vùng Biển Đông).

  Theo Sankei

 Mỹ Anh (gt)