Theo thông tin từ cơ quan tuần duyên Nhật Bản, ngày 19/2, chiếc tàu của họ vừa bắt đầu 2 ngày khảo sát tại vùng biển cách Kumejima (thuộc tỉnh Okinawa, miền cực bắc Nhật Bản) 170 km về phía Bắc, thì bị Trung Quốc ra lệnh phải dừng lại. Phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Nhật Bản nói rõ là “tàu Trung Quốc đã dùng điện đài yêu cầu đình chỉ cuộc khảo sát để thu thập dữ liệu vẽ biểu đồ hàng hải”. Chiếc tàu Trung Quốc này đã theo sát tàu Nhật Bản từ lúc công việc khảo sát bắt đầu. Tàu khảo sát của Nhật Bản đang hoạt động ở vùng biển của Nhật Bản, cách đường ranh giới biển hai nước khoảng 110 km. Trước đó, tàu Trung Quốc đã 2 lần thâm nhập EEZ của Nhật Bản vào tháng 5 và tháng 9/2010, lần lượt tiến sâu tới 40 km và 90 km tính từ đường ranh giới chung, đồng thời yêu cầu tàu khảo sát Nhật Bản ngừng hoạt động khảo sát. Lần này, tàu Trung Quốc đã vào sâu nhất trong vùng biển của Nhật Bản và tiếp tục yêu cầu tàu khảo sát Nhật Bản ngừng hoạt động.Trung Quốc, nước không công nhận đường ranh giới biển hiện nay, mà chủ trương coi thềm lục địa kéo dài đến vết đứt gãy gần Okinawa là EEZ của họ, vẫn đang có hành động leo thang để đảm bảo đòi hỏi lợi ích trên biển. Phía Nhật Bản cần phải nhận thức rõ điều này.Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngay từ ngày 19/2 họ đã chuyển lời phản đối đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cũng tuyên bố yêu cầu của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Ông Fujimura được hãng Kyodo dẫn lời nói: “Chúng tôi đã nói với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao rằng vùng khảo sát nằm hoàn toàn trong khu vực đặc quyền kinh tế của chúng tôi và việc khảo sát không thể bị cản trở”.

Về vấn đề này, năm 2005, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) khi đó là ông Shoichi Nakagawa đã cho phép một công ty khai thác tài nguyên được quyền khoan thử. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã phản đối mạnh và đến năm 2008, Bộ trưởng METI khi đó là ông Toshihiro Nikai đã có quan điểm tiêu cực do lo ngại Trung Quốc, nên đã không tiến hành khoan thử được. Tháng 6/2008, hai bên đã thỏa thuận cùng khai thác chung tại 1 trong 4 mỏ khí gần đường ranh giới biển và Nhật Bản được đầu tư vốn vào một mỏ khí khác. Tuy nhiên, ngay tại mỏ khí cần tiếp tục đàm phán, Trung Quốc đã coi thường kháng nghị của Nhật Bản, đơn phương tiếp tục tự khai thác.EEZ là vùng biển rộng 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ bờ biển của một nước, được xác định dựa trên Công ước Luật biển LHQ. Việc xác định EEZ bằng đường ranh giới biển giữa 2 nước là qui ước quốc tế hiện nay. Do đó, việc đòi hỏi quyền lợi biển một cách đơn phương của Trung Quốc là có vấn đề. Hiện tượng tàu khảo sát biển của Trung Quốc đi lại trong EEZ của Nhật Bản đã tăng đột biến từ hơn 10 năm trước. Tháng 9 năm ngoái, hiện tượng này đã xảy ra trong 2 ngày liên tiếp. Vấn đề đường ranh giới biển Nhật-Trung là vấn đề quan trọng liên quan đến chủ quyền và lợi ích biển. Với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Nhật Bản không chỉ cần kháng nghị. Nếu không có các hành động hiệu quả thực sự để bảo vệ lợi ích biển, thì Nhật Bản sẽ không thể bảo vệ được lợi ích quốc gia.

Theo "Sankei" (21/2)

Viết Tuấn (gt)