Bên cạnh việc quan tâm đến các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống như dầu mỏ, khí thiên nhiên, các nước phát triển ngày càng đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu phát triển và cố gắng sớm thương mại hóa công nghệ khai thác các nguồn tài nguyên khác dưới đáy biển như kim loại hiếm, methan hydrat... Tuy hiện nay việc khai thác methan hydrat có một số vấn đề như chi phí khai thác cao, mức độ an toàn và việc cung cấp kim loại hiếm chủ yếu dựa vào khai thác trong lục địa nhưng trong tương lai, loài người buộc phải giải quyết vấn đề khan hiếm năng lượng bằng cách tăng cường khai thác dưới đáy biển. Do đó, trên thế giới xuất hiện nhiều điểm nóng tranh chấp quyền lợi về tài nguyên biển như quần đảo Trường Sa với Việt Nam,  Trung Quốc,  Đài Loan và Phillipin; Vịnh Bengal với Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar; Biển Caspia với Iran và Azerbaizan; quần đảo Phelo với Đan Mạch, Aixơlen, Ailen và Anh; hồ Albat với Uganda và Công gô; quần đảo Falkland với Anh và Áchentina.

Đặc biệt, mâu thuẫn giữa các quốc gia về thềm lục địa ngày càng gay gắt hơn sau khi Liên Hợp Quốc thừa nhận sự tồn tại của thềm lục địa kéo dài 200 hải lý. Từ đó đòi hỏi các quốc gia phải xây dựng được các quy định quốc tế rõ ràng hơn và sớm hình thành khuôn khổ quản lý tài nguyên dưới đáy biển sâu nơi mà không nước nào có quyền khai thác./.