Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện ý định sớm thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Barack Obama. Ý định này có lẽ được coi là bước đi đầu tiên để tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, một mục tiêu mà chính quyền mới sẽ dành nhiều tâm sức trong thời gian tới.

Bài viết cho rằng, Nhật Bản, nước có quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc xung quanh tranh chấp ở quần đảo Senkaku, rõ ràng cần phải tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy hoạt động của các tàu tuần tra ở vùng biển gần quần đảo Senkaku, liên tiếp xâm nhập chủ quyền lãnh hải và không phận Nhật Bản. Đối với điều này Nhật Bản cần phải bình tĩnh đối phó, không bị cuốn vào các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, Tôkiô cần phải dựa trên thực lực của mình. Nếu không, đối thủ sẽ coi sự bình tĩnh của Tôkiô là biểu hiện của sự yếu đuối và sẽ tăng cường các hoạt động khiêu khích.

Nếu Trung Quốc tăng cường hoạt động khiêu khích, khả năng xảy ra xung đột quân sự mang tính bột phát là rất cao. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, Nhật Bản cần phải tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ quần đảo Senkaku của lực lượng bảo an trên biển và lực lượng phòng vệ. "Sankei" nhận định nếu xung đột quân sự xảy ra, dù là rất nhỏ, cũng là một cú đòn giáng nặng nề đối với quan hệ Nhật-Trung. Do đó, song song với việc tăng cường sức mạnh cho Cục bảo an trên biển và Lực lượng phòng vệ, việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và nâng cao sức mạnh răn đe đóng vai trò quan trọng nhất để kiềm chế phát sinh xung đột. Theo tác giả, hiện Mỹ cũng hy vọng tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Là nước lo ngại về sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc và cảnh giác trước ý đồ "trở thành cường quốc biển" của nước này, Mỹ đã bắt đầu nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước đồng minh và các nước bè bạn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nếu quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ yếu đi, thì nỗ lực nói trên sẽ trở thành vô ích. Chính sách coi trọng châu Á của chính quyền Obama dựa trên phán đoán chiến lược rằng lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ gắn liền với sự phát triển của “vòng cung” từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á đến khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á. Nhật Bản và Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh vì mục tiêu chung là cảnh giác và đối phó với vấn đề tăng cường sức mạnh quân sự và ý đồ tiến ra đại dương của Trung Quốc. Có nhiều biện pháp cụ thể khác nhau và việc tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, sử dụng chính sách phòng vệ tập thể, hoạch định đại cương phòng vệ mới và giải quyết vấn đề di chuyển căn cứ Futenma đều đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các biện pháp cần được thảo luận khi hai bên đã xác định được mục đích rõ ràng.

Mỹ dự định phát triển khu vực mậu dịch tự do do họ nắm quyền chủ đạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và có thể cũng sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc tham gia khu vực thương mại này. Việc “lôi kéo” Trung Quốc tham gia có lẽ là mục tiêu lâu dài của Mỹ hơn là “phong tỏa” về mặt kinh tế. Việc này cũng không đi ngược lại lợi ích của Nhật Bản. Tác giả kết thúc bài viết với câu hỏi: Để “phong tỏa” Trung Quốc về mặt quân sự và “lôi kéo” Trung Quốc về mặt kinh tế, Nhật Bản và Mỹ cần hợp tác với nhau như thế nào? Việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong thời gian tới có lẽ sẽ tập trung thảo luận vấn đề này.

Lê Sơn (gt)