Thủ tướng Naoto Kan và Tổng thống Inđônêxia Yudhoyono ngày 17/6 đã hội đàm tại Tôkiô và nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong vấn đề chống hải tặc ở eo biển Malắcca và đảm bảo an ninh ở Biển Đông. Vùng biển này là tuyến hàng hải nối Trung Đông với châu Á, có vai trò rất quan trọng đối với một nước phụ thuộc nhiều vào thương mại như Nhật Bản. Hai nước cũng thỏa thuận hợp tác phòng chống thiên tai, trong đó có sóng thần, đối phó với vấn đề Trái Đất nóng lên và tổ chức các cuộc họp định kỳ cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Kinh tế.

Nếu In-đô-nê-xi-a - một nước trụ cột trong ASEAN - và Nhật Bản có thể tăng cường đối thoại và hợp tác hướng tới giữ ổn định khu vực, thì điều đó sẽ có ý nghĩa to lớn. Việc lãnh đạo hai nước có ý định tăng cường quan hệ chiến lược là do có chung quan điểm cho rằng cần phải cùng đối phó với Trung Quốc - nước đang nhắm tới mục tiêu trở thành “một nước lớn trên đại dương”.

Xung quanh việc Trung Quốc tranh chấp chủ quyền và quyền lợi ở Biển Đông, không loại trừ khả năng xảy ra các vấn đề phức tạp với Việt Nam và Philíppin. Đối với các hành động của Trung Quốc, ASEAN đang nhắm tới mục tiêu nâng “Tuyên bố hành động” giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại thành “Qui tắc hành động” có sức mạnh ràng buộc pháp lý.

Điều đáng lo ngại là gần đây Hải quân Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động ở vùng biển gần Nhật Bản. Hồi đầu tháng 6/2011, 11 chiến hạm của Hải quân Trung Quốc đã đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản, tiến xuống tận vùng biển phía Đông Bắc Philíppin để tập trận. Qui mô và nội dung các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng lên.

Đối với Nhật Bản, nước đang có mâu thuẫn với Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và khai thác các mỏ khí ở biển Hoa Đông, Nhật Bản không thể bỏ qua việc Hải quân Trung Quốc tăng cường sức mạnh. Chính phủ Nhật Bản, cũng giống như Inđônêxia và các nước châu Á khác đang ngày càng cảnh giác trước Trung Quốc, và ý thức rằng cần phải xây dựng các cơ cấu khung đối thoại rộng và nhiều tầng lớp. Việc tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ chắc chắn cũng có tác dụng kiềm chế Trung Quốc.

Có lẽ các nước cần phải tích cực tận dụng các cơ hội như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7 tới và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào mùa Thu năm nay. Các nước cần phải hợp tác, vận dụng trí tuệ để thúc giục Trung Quốc kiềm chế.

 

Theo Yomiuri

Hương Trà (gt)