Ngày 29/9/2012 đánh dấu 40 năm cựu Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka và cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký tuyên bố chung tại Bắc Kinh. Bất chấp tầm quan trọng của ngày kỷ niệm đáng nhớ này, nhiều sự kiện kỷ niệm quan hệ Nhật-Trung đã bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn. Trong khi đó, phong trào tẩy chay hàng Nhật lan rộng ở Trung Quốc và quan hệ song phương lâm vào tình cảnh nghiêm trọng chưa từng thấy. Trong số các cuộc biểu tình chống Nhật xảy ra thời gian qua ở Trung Quốc, sự kiện làm rõ nét nhất cho mối quan hệ song phương ảm đạm chính là vụ người biểu tình Trung Quốc tấn công nhà máy của Tập đoàn Panasonic, vốn đóng vai trò tiên phong trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở Trung Quốc.Không có dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình của Trung Quốc phản đối quyết định của Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) sẽ sớm lắng dịu. Mối quan hệ sóng gió giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này đang đe dọa, gây hiệu ứng bất lợi đối với kinh tế khu vực và toàn cầu. Nhật Bản cần làm gì với Trung Quốc? Có lẽ, trước tiên Tôkiô cần phải phác thảo và thực hiện một chiến lược lâu dài cho tiến trình bình thường hóa quan hệ. 

Theo nhật báo “Yomiuri”, có một điều rõ ràng là sự trợ giúp của chính phủ và các công ty Nhật Bản đã góp phần củng cố nền tảng kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, đa số người dân Trung Quốc lại không biết điều này. Vào thập niên 1990, Trung Quốc tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong các trường học, nuôi dưỡng tinh thần chống Nhật và truyền bá các tư tưởng hòng hạ thấp vai trò của Nhật Bản trong lòng công chúng. Ý thức hệ này dường như ngày càng lớn mạnh ở Trung Quốc và “dội gáo nước lạnh” vào quan hệ song phương cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế.Căn nguyên của những bất ổn xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư xuất phát từ tuyên bố đơn phương và thiếu cơ sở của Trung Quốc về chủ quyền đối với chuỗi đảo này vào thập niên 1970, ngay sau khi Bắc Kinh phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ tại vùng Biển Hoa Đông quanh quần đảo này. Mới đây, Trung Quốc còn châm ngòi cho bất đồng bằng cách phái các tàu tuần tra tới vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Sau đó, Trung Quốc cho khai trương tàu sân bay đầu tiên. Chính sách phát triển quân đội của Bắc Kinh chắc chắn sẽ được ban lãnh đạo mới của Trung Quốc tiếp nối và thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, báo "Yomiuri" cho rằng nếu Nhật Bản đánh mất quyền kiểm soát thực tế đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Tôkiô sẽ khó lòng giành lại được quần đảo này. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản cần đặt ưu tiên cao nhất cho việc tăng cường khả năng của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) nhằm đối phó với bất cứ hành động xâm phạm nào đối với chủ quyền của Nhật Bản.

Theo nhật báo “Yomiuri”, cả Nhật Bản và Trung Quốc cần có những chuẩn bị thấu đáo nhằm tái tạo mối quan hệ tương hỗ này. Chính phủ Nhật Bản cần thông báo với Trung Quốc thông qua nhiều kênh khác nhau rằng Tôkiô sẵn sàng hợp tác, không chỉ trên lĩnh vực công nghiệp, du lịch và tăng cường sản xuất nông nghiệp, mà còn trên các lĩnh vực khác như sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, mối quan hệ thân cận với Mỹ cũng góp phần quan trọng, giúp cải thiện quan hệ Nhật-Trung. Bên cạnh đó, Tôkiô cũng cần áp dụng đường lối ngoại giao mang tầm chiến lược bằng việc củng cố quan hệ với các nước láng giềng ở châu Á như Ấn Độ, Nga và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để bổ trợ cho quan hệ Nhật-Trung.

Theo “Yomiuri” (ngày 29/9)

Viết Tuấn (gt)