Theo giáo sư Nakajima, vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tiễu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ngày 7/9 đã trải qua giai đoạn đầu với việc bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Vụ việc xảy ra rõ ràng do hành động có chủ ý của thuyền trưởng Trung Quốc, nên Chính phủ Nhật Bản cần có thái độ quyết đoán hơn. Nếu có lo ngại về mặt ngoại giao rằng không nên biến vấn đề quần đảo Senkaku thành cuộc tranh cãi giữa Nhật Bản và Trung Quốc, thì chính sự lo ngại đó là một sai lầm. 


Việc Trung Quốc xâm phạm và uy hiếp quần đảo Senkaku và vùng biển xung quanh xảy ra thường xuyên và có lẽ sau này sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Nếu coi trọng lập trường của Chính phủ Nhật Bản rằng không tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku bởi đây vốn là lãnh thổ của Nhật Bản, thì đối với sự kiện lần này cũng như vụ các nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên đảo hồi tháng 3/2004, Chính phủ Nhật Bản không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng biện pháp nghiêm khắc theo luật pháp trong nước và quốc tế. 


Trung Quốc cứng rắn, Nhật Bản ngọt ngào 


Cho dù có khả năng giải quyết được vấn đề khai thác các mỏ khí ở biển Hoa Đông với Nhật Bản bằng ngoại giao, thì Trung Quốc, nước đang tăng cường sức mạnh quân sự dựa vào thành quả phát triển kinh tế, đồng thời gần đây coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và tăng cường sức mạnh hải quân đến tận Tây Thái Bình Dương, chắc chắn sẽ không có ý định nhượng bộ trong vấn đề Senkaku hoặc thể hiện sự cảm thông với phía Nhật Bản. 


Cũng có thể nói rằng việc Trung Quốc đối phó một cách cứng rắn với vấn đề này là do trên thực tế Nhật Bản đã đơn thuần đặt cược cả vào chính sách “ngoại giao hữu hảo Nhật-Trung”. Giáo sư Nakajima cũng đã từng nhiều lần nhắc đến vấn đề quần đảo Senkaku. Trong bài viết “Ý đồ của Trung Quốc trong vụ xâm phạm lãnh hải của tàu ngầm hạt nhân – Chiến lược hải dương theo dõi sát nguy cơ ở eo biển Đài Loan” ra ngày 27/11/2004, ông đã nói rằng sau khi biết rõ về sự tồn tại của nguồn tài nguyên đáy biển phong phú quanh quần đảo này qua cuộc điều tra hải dương của Ủy ban kinh tế châu Á và vùng Viễn Đông của LHQ (ECAFE) năm 1968, từ năm 1969 Trung Quốc bắt đầu khởi xướng đòi chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo này. 

 


Căn cứ pháp lý trong quan điểm lãnh thổ của chủ nghĩa bá quyền 


Trong vấn đề này, điều để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân Nhật Bản là tuyên bố của Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ông này thăm Nhật Bản mùa Thu năm 1979, sau khi Trung Quốc thoát khỏi sự hỗn loạn của cuộc Cách mạng văn hóa. Ông Đặng Tiểu Bình đã nói rằng: “Vấn đề quần đảo Senkaku hãy để lại cho các thế hệ con cháu chúng ta giải quyết”. Chính phủ Nhật Bản và cả các phương tiện thông tin đại chúng Nhật Bản khi đó đều hoan nghênh rằng ông Đặng Tiểu Bình là người hiểu sự việc. Tuy nhiên, nước Trung Quốc của ông Đặng Tiểu Bình sau khi tăng cường được sức mạnh, đã thông qua Luật lãnh hải tại Hội nghị Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 2/1992, tuyên bố quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) là lãnh thổ của Trung Quốc. 


Điều 2 của luật này nói rằng “Lãnh hải của CHND Trung Hoa là vùng biển nối lãnh thổ lục địa của nước CHND Trung Hoa với vùng biển tiếp giáp nội hải (vùng biển phía trong). Lãnh thổ lục địa của nước CHND Trung Hoa bao gồm đại lục của CHND Trung Hoa, các hòn đảo ven biển, Đài Loan và đảo Điếu Ngư cũng như các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo xung quanh thuộc nước CHND Trung Hoa”. Quan điểm lãnh thổ theo chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc đã được đơn phương hợp pháp hóa, coi Đài Loan cùng quần đảo Senkaku và quần đảo Bành Hồ cũng như quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) đang có tranh chấp chủ quyền với các nước như Việt Nam và Philíppin là lãnh thổ của Trung Quốc. 


Lẽ ra khi đó Chính phủ và Bộ Ngoại giao Nhật Bản cần chú ý ngay lập tức tới tầm quan trọng của tình hình và kháng nghị nghiêm khắc với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, lúc đó, mặc dù hải quân Trung Quốc đã có hành vi uy hiếp quần đảo Senkaku và vùng biển gần Okinawa, nhưng Nhật Bản đã không đưa ra hành động ngoại giao nào mà chỉ chú trọng vào “ngoại giao hữu hảo Nhật-Trung”, trong đó có chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân sau đó 2 tháng và chuyến thăm Trung Quốc mùa Thu năm đó của Nhật Hoàng. Phía Nhật Bản, trong đó có phái “thân Trung Quốc” gồm Thủ tướng Kiichi Miyazawa và Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hiroshi Hashimoto, đã tích cực tiến hành chuẩn bị chuyến thăm Trung Quốc của Nhật Hoàng mà hầu như không chú ý đến vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia của Nhật Bản là quần đảo Senkaku. 


Có lẽ do thời thế mà Đặng Tiểu Bình đã tạm gác vấn đề Senkaku, tập trung trấn áp sự phản đối của phái bảo thủ, đi thị sát các địa phương phía Nam như Thâm Quyến, Chu Hải, tiến hành “cuộc du thuyết phương Nam” quan trọng và dẫn dắt Trung Quốc theo con đường cải cách, mở cửa. 


Trung Quốc gần đây đã triển khai chiến lược ngoại giao bằng sức mạnh quân sự khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải cảnh giác. Giáo sư Nakajima đã nhận thấy điều này trong bài viết “Cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc”, nhưng vấn đề ở đây là quan điểm của Nhật Bản như thế nào. 

 


Giáo sư Nakajima cho rằng dư luận Nhật Bản không muốn “ngoại giao triều cống” được lặp lại lần thứ hai theo kiểu một phái đoàn lớn các nghị sĩ DPJ thăm Trung Quốc và “bái yết” Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào như hồi tháng 12 năm ngoái. 

 

 Nguồn : Sankei, TTXVN