gunship.jpg

Theo báo chí và tuyên bố của các quan chức cấp cao Trung Quốc, Bắc Kinh cần chuẩn bị đáp trả các yêu sách của Mỹ, khi Washington tuyên bố có quyền tự do đi lại ngay cả trong vùng 12 hải lý đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc đơn phương tự tuyên bố xung quanh quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” còn cho rằng Mỹ chủ đích gây hấn đối với Trung Quốc bằng cách đưa các tàu chiến áp sát vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Báo này cũng cương quyết bảo vệ quan điểm cho rằng nếu Mỹ vẫn thúc ép Trung Quốc phải giảm các hoạt động ở Biển Đông thì một cuộc đối đầu Trung-Mỹ trên biển là không tránh khỏi.

Về phương diện ngoại giao, các quan chức cấp cao Trung Quốc cũng cảnh báo việc Mỹ theo dõi các đảo và dải đá ở Biển Đông là mối đe dọa đối với hòa bình ở khu vực này. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn thể hiện thái độ “vô cùng bất bình” trước việc máy bay do thám Mỹ đi vào không phận các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không ít lần tuyên bố Trung Quốc phản đối các hành động gây hấn của Mỹ và yêu cầu Washington có trách nhiệm hơn trong các hành động của mình. Bà Hoa Xuân Oánh còn nhấn mạnh rằng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không đồng nghĩa với việc các tàu chiến và máy bay nước ngoài có thể coi thường luật pháp của các nước khác cũng như an toàn và an ninh hàng không, hàng hải.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên viên khoa học Alexandr Larin của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Viễn Đông Nga, nhấn mạnh rằng dưới góc độ pháp lý, tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề phức tạp và tế nhị. Vì vậy, không chỉ các nhà quan sát mà ngay cả một số quốc gia cũng tránh đưa ra câu trả lời cụ thể và cố gắng không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp nhằm không làm phật lòng bên kia. Các quốc gia Đông Nam Á cũng giữ lập trường hết sức thận trọng và rất không mong muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột này.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng hiện nay, mỗi bên đều cố gắng đưa ra lập luận của mình và theo đuổi các toan tính địa-chính trị khác nhau. Diễn tiến cuộc xung đột phụ thuộc vào quyết tâm của mỗi bên và khả năng tiến hành cuộc chiến tâm lý. Thậm chí không loại trừ khả năng sẽ có một giải pháp nửa vời nào đó. Đơn cử như vấn đề Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông - quần đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát và Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không, Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất, thậm chí còn đưa máy bay quân sự Mỹ bay vào như một hình thức thách thức nhưng sau đó đột nhiên dừng hẳn hoạt động mà không giải thích nguyên nhân. Động thái này được nhiều người ngầm hiểu là Mỹ nhượng bộ Trung Quốc, thậm chí Mỹ còn khuyến cáo các máy bay dân dụng nên tránh khu vực không phận bên trên quần đảo này. Vì vậy, không loại trừ khả năng sự mạnh mẽ của Mỹ ở Biển Đông cũng đi theo kịch bản trên.

Hiện tại, Mỹ là cường quốc ngoài khu vực lớn tiếng nhất trong việc kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hoạt động cải tạo nguyên trạng ở Trường Sa, đồng thời cáo buộc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo quy mô lớn hơn hẳn các quốc gia khác trong cuộc tranh chấp. Các chuyên gia về an ninh của Mỹ và các quốc gia châu Á bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông sau khi thực hiện xong việc xây dựng các đảo nhân tạo. Điều này giải thích vì sao Mỹ lại công khai tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra cả trên biển lẫn trên không ở vùng biển này

Theo Báo Độc lập (Nga)

Duy Anh (gt)