Trên thực tế, đây là một bước tiến tới việc công nhận tính chất chiến lược của mối quan hệ Việt-Mỹ. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chỉ có quan hệ chiến lược toàn diện với Nga và Trung Quốc. 

Quan hệ Mỹ-Việt sẽ được tăng cường theo 12 hướng, trong đó điều kiện tiên quyết xác định sự xích lại gần nhau giữa hai nước là phải tôn trọng hệ thống chính trị, sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Liệu điều kiện này có nghĩa rằng các lợi ích chiến lược của Việt Nam và Mỹ cũng phải tương đồng, trùng hợp và tôn trọng các lợi ích chiến lược của hai nước này đối với thế giới và khu vực? Trong một số vấn đề quan trọng, câu trả lời là có. Xét về địa chính trị, Hà Nội đang nỗ lực tìm đối trọng với thái độ lấn lướt của người láng giềng phương Bắc, cũng như muốn tuyên bố và khẳng định chủ quyền với các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Trên phương diện này, Hà Nội đón nhận sự hỗ trợ toàn diện của Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng muốn đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu vũ khí và công nghệ mới, cũng như đảm bảo quyền tự do lựa chọn và phát triển các mối quan hệ ngoại giao.

Trong lĩnh vực kinh tế, người Nga cũng như cả thế giới có thể chứng kiến không chỉ là sự trùng hợp về lợi ích, mà còn là sự "hiện thân" của Mỹ nhằm thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam phát triển. Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, chiếm khoảng 20% hàng xuất khẩu của Việt Nam từ 10 năm nay. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ từ năm 2006 tăng hơn gấp ba lần và đạt gần 36 tỷ USD (gấp 10 lần so với kim ngạch giữa Việt Nam và Nga). 

Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 7 vào nền kinh tế Việt Nam với số vốn dành cho 725 dự án, thuộc 21 lĩnh vực là 11 tỷ USD, trong đó 42,5% (tương đương 4,68 tỷ USD) đầu tư vào bất động sản và kinh doanh khách sạn; 20,4% (2,24 tỷ USD) đầu tư vào lắp ráp và sản xuất các sản phẩm công nghiệp. Sự quan tâm của nhà đầu tư Mỹ đối với nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển nhờ thỏa thuận đầu tư song phương được ký kết giữa hai nước, cũng như việc Việt Nam đang nỗ lực trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ làm chủ đạo. 

Giới chức Mỹ nhận thức rõ rằng họ đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với nỗ lực của Nga trong việc bảo vệ và phát huy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Washington có thể tận dụng lợi thế của mình trong bối cảnh những ảnh hưởng của Nga đang suy giảm ở Việt Nam.

Trong một nỗ lực dựng lên các chiến tuyến chống Nga, rõ ràng sự hợp tác với Việt Nam cũng là một trong những hướng ưu tiên của Washington. Có một minh chứng khá rõ cho thành công của Mỹ ở Việt Nam là các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á do Trung tâm Nghiên cứu Pew Research Center thực hiện cho thấy người Việt Nam coi Mỹ là trụ cột chính trên con đường tiến đến một tương lai tươi sáng hơn.

Trong các cuộc thăm dò nói trên, 95% công dân Việt Nam thừa nhận rằng họ sống tốt hơn nhờ một nền kinh tế thị trường tự do, bất chấp sự phân hóa giàu nghèo khá sâu sắc. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong số các nước ASEAN. Tiếp đó có tới 76% số người tại Việt Nam được hỏi bày tỏ ý kiến ủng hộ phát triển quan hệ với Mỹ, trước hết trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. 

Bên cạnh đó, trong một cuộc thăm dò được tiến hành ngày 23/6, có 71% người dân Việt Nam và Philippines ủng hộ việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á, trong khi 41% số người Indonesia và 27% người dân Malaysia ủng hộ chủ trương này. Người Việt Nam cũng thiên về ủng hộ một đường lối cứng rắn trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, trong khi các công dân Malaysia bày tỏ quan điểm ngược lại, còn Philippines và Indonesia chọn lựa quan điểm trung lập.

Vladimir Mazyrin, Tiến sĩ Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Bài viết được đăng trên Báo Độc lập, Nga.

Thúy Bình (gt)