Nhật báo phố Wall cho rằng quy định mới này là bước đi mới nhất của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp.

Tháng 11/2013, Trung Quốc đã công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông, làm trầm trọng thêm cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa nước này với Nhật Bản. Tại Biển Đông, Trung Quốc đã đánh bật Philippines khỏi một bãi cạn đang trong tình trạng tranh chấp, và các tàu hải giám Trung Quốc đã liên tục tấn công tàu đánh cá Việt Nam, đồng thời quấy rối các tàu thương mại nước ngoài. Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia nhận định: "Quy định mới này nhằm đẩy mạnh cơ sở pháp lý cho những gì mà nhà chức trách Trung Quốc đã làm trong nhiều năm qua". 

Quy định mới không đề cập rõ phạm vi mà Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài xin phép, tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.  Tại cuộc họp báo ngày 9/1, khi được hỏi quy định mới sẽ được thực thi như thế nào, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng "mục đích là nhằm tăng cường hiệu quả, sự phát triển và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên ngư nghiệp để bảo vệ các ngư dân".

Biển Đông là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải thiết yếu, và có thể có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đáng kể. Mỹ, đồng minh lâu đời của Philippines, nói rằng nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước tuyên bố Mỹ phản đối các chiến thuật hiếu chiến và cưỡng bức nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền. Philippines và Việt Nam đã công khai đấu khẩu với Trung Quốc trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh hành động tích cực hơn nhằm thiết lập quyền kiểm soát tại các khu vực tranh chấp. 

Nhận xét về cái gọi là “quy định” mới của Bắc Kinh, tạp chí "American Interest" cho rằng Trung Quốc đang từng bước tăng cường sự kiểm soát tại các vùng nước tranh chấp trên Biển Đông. Các nhà chức trách Việt Nam và Philíppin vẫn đang ngẫm nghĩ về quy định mới của Bắc Kinh, vốn được coi là động thái hiếu chiến và không được chào đón mới nhất trong chiến dịch gia tăng tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh hải đang trong tình trạng tranh chấp. Trên toàn khu vực, phản ứng đối với chiến dịch này đã trở nên rõ ràng hơn, đó là gia tăng các trang thiết bị hải quân mạnh hơn, tốt hơn, lớn hơn và mới hơn.

Các quốc gia từ Ấn Độ ở phía Tây cho tới Philippines ở phía Đông đang tăng cường mua và đóng tàu chiến, tàu ngầm, máy bay trong cuộc chạy đua gia tăng sức mạnh và niềm tự hào dân tộc để bảo vệ vùng lãnh hải trước những kẻ xâm lược. Sự gia tăng các hạm đội tàu ngầm tại châu Á-Thái Bình Dương là đặc biệt đáng chú ý. Singapore vừa mua hai tàu ngầm tân tiết nhất của Đức. Việt Nam nhận tàu ngầm đầu tiên trong đơn hàng 6 chiếc từ Nga, và chiếc cuối cùng sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2016. Myanmar dự định sẽ thiết lập một lực lượng tàu ngầm vào năm 2015. Thái Lan cũng đã có kế hoạch mua tàu ngầm trong đề xuất phát triển quân đội 10 năm sắp được công bố. Indonesia và Malaysia đã có các hạm đội tàu ngầm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường. Tới nay, chỉ có Philippines là chưa mua tàu ngầm nào. 

Tạp chí "American Interest" kết luận rằng với việc Trung Quốc tiếp tục đe dọa các tàu cá nước ngoài tại Biển Đông mà Trung Quốc coi là sân nhà sẽ khiến cho cuộc chạy đua vũ trang hải quân đang lan tỏa khắp khu vực không có hồi kết, và nguy cơ đối đầu sẽ leo thang.

Trần Quang (gt)