Các loại vũ khí trang bị quân sự mới của Bắc Kinh đã thu hút sự quan tâm rất lớn của thế giới, nhất là cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ. Tuần trước, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Trần Bính Đức lần đầu tiên chính thức khẳng định Trung Quốc đang xây dựng tàu sân bay, nhưng chưa hoàn thành. Ông Andrei Chang thuộc tổ chức Quốc phòng châu Á Kanwa, hiện đang theo dõi tiến trình xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, cho rằng "hàng không mẫu hạm của Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự, đe dọa sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương".

Một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ở Trung Quốc cuối tháng 5/2011 cho thấy hầu hết người Trung Quốc ủng hộ chương trình chế tạo hàng không mẫu hạm của Chính phủ, trong đó 81,3% số người được hỏi tin rằng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc sẽ làm tăng sức mạnh của quân đội nước này và 50,9% khẳng định hàng không mẫu hạm sẽ được Trung Quốc sử dụng như một công cụ đối trọng với Mỹ. Nhưng ông Chang cho biết đây chỉ là một trong số các loại vũ khí ở trong kho của Trung Quốc. Ông cho rằng: "Không tính Nga và Mỹ, Trung Quốc là nước duy nhất cùng một lúc xây dựng hàng không mẫu hạm, tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược, máy bay chiến đấu tàng hình, tàu ngầm tấn công hạt nhân, vệ tinh dẫn đường".

Cùng với sức mạnh quân sự, chủ nghĩa dân tộc và sự tự tin của người Trung Quốc ngày càng gia tăng. Điều này có thể đánh dấu sự chấm dứt kỷ nguyên "giấu mình chờ thời" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây. Bắc Kinh ngày càng thể hiện rõ thái độ quyết đoán mới, công khai tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự và có quan điểm mạnh mẽ hơn trên các vùng biển phía đông và phía nam Trung Quốc. Để đối phó với những căng thẳng ngày càng tăng với Việt Nam và Philíppin tại Biển Đông, Bắc Kinh đã và đang tổ chức các cuộc diễn tập phòng thủ trên biển và ven bờ đồng thời đưa một trong những tàu tuần tiễu dân sự trên biển lớn nhất đến Biển Đông. Và mặc dù Bắc Kinh cam kết không sử dụng sức mạnh, nhưng tư tưởng của công chúng Trung Quốc nhìn chung đều cứng rắn. Kết quả của cuộc thăm dò dư luận cho thấy 82,9% người Trung Quốc cho rằng Trung Quốc phải sử dụng hành động quân sự mới giải quyết được các bất đồng Biển Đông.

Để xoa dịu mối đe dọa của Bắc Kinh, nhiều quan chức khẳng định mục tiêu của họ không phải là bành trướng. Thiếu tướng về hưu Xu Guangyu nói: "Chúng tôi chỉ muốn một điều duy nhất: Đừng ai làm hại các lợi ích của chúng tôi". Nhưng lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ không ai có thể chấp nhận, trong đó bao gồm nhiều tuyến đường vận chuyển biển hơn, nhiều nguồn cung cấp dầu lửa hơn và nhiều công dân Trung Quốc ở nước ngoài hơn.

Tạp chí "Thời báo Hoàn cầu" gần đây đăng một bài bình luận, trong đó có đoạn kêu gọi quân đội nên thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc và an ninh khu vực. Bài bình luận nhấn mạnh: "Nếu thế giới thực sự muốn Trung Quốc có trách nhiệm hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khắp thế giới, Trung Quốc phải được phép tham gia các hợp tác quân sự quốc tế và thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Điều đó không những sẽ làm cho thế giới an toàn hơn mà có thể còn bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển không bị tấn công bởi cướp biển và khủng bố".

Theo NPR

Hương Trà (gt)