Một số nhà quan sát đã mong đợi Mỹ sẽ ra tuyên bố khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, NFN/BNG Trung Quốc nói Bắc Kinh kịch liệt phản đối các nước có ý định can thiệp và phản đối việc quốc tế hoá vấn đề Biển Đông vì việc làm đó chỉ làm phức tạp thêm tình hình.

 

Cách đây vài tháng, Trung Quốc đã có nhiều động thái củng cố khẳng định về chủ quyền trên Biển Đông. Tháng 4 vừa rồi, Trung Quốc có một trương trình nghị sự bí ẩn khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước Mekong tại Thái Lan, Trung Quốc làm hết sức mình để tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với các nước Mekong, đồng thời vận động các nước thành viên khác trong ASEAN chống lại việc đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội vào tháng 4, trong khi Hà Nội muốn nêu vấn đề này tại Hà Nội. Một nước tuyên bố chủ quyền khác là Malaysia cũng đã đề trình lên LHQ tài liệu về ranh giới thềm lục địa ở Biển Đông, một báo cáo về quan điểm của Malaysia trong tranh chấp với Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà ngoại giao, chính trị gia và quan chức Trung Quốc ra sức dùng những lời lẽ ngọt ngào để biện minh cho các hoạt động của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong trước sự chỉ trích của những nhà vận động vì môi trường, các nước và người dân sinh sống ven sông cho rằng bốn đập thuỷ điện do Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn Mekong đang làm giảm mực nước ở hạ lưu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của 60 triệu dân. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Song Tao trong cuộc gặp với NT Thái Lan Kasit khẳng định Trung Quốc có kế hoạch khai thác bền vững sông Mekong, các nứơc không nên đổ lỗi cho Trung Quốc trước nạn hạn hán hay lụt lội, và các nước Mekong có thể nói chuyện với nhau trước khi xây dựng đập thuỷ điện có thể gây tổn hại cho người dân. Tại sao Trung Quốc lại lên tiếng về đập thuỷ điện trên sông Mekong trong khi đã thực hiện chính sách ngoại giao im lặng kể từ khi đập thuỷ điện Mawan lần đầu tiên được Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong năm 1992. Bình luận về chương trình nghị sự bí ẩn của Trung Quốc về sông Mekong, một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói “Những gì các nhà ngoại giao Trung Quốc nói công khai là một chuyện còn những gì được tiết lộ chỉ trên cơ sở hai nước với nhau lại có thể là chuyện khác”. Kết quả của chính sách ngoại giao bí mật này có thể khiến các nước ASEAN bị chia rẽ khi chủ đề Biển Đông được đưa ra thảo luận tại các Hội nghị cấp cao. Vấn đề ở đây là nếu ASEAN không thể là một khối đoàn kết trước Trung Quốc thì tổ chức này sẽ tan rã và sụp đổ. Một ASEAN bị chia rẽ vào thời điểm tổ chức này đang cố gắng xây dựng cộng đồng kinh tế trong năm năm tới có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của ASEAN và làm nó yếu đi. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu ASEAN có thể vừa chấp nhận sự chia rẽ như vậy vừa tin tưởng rằng mình có thể tiếp tục tồn tại như một tổ chức khu vực năng động, hay ASEAN sẽ quyết định đoàn kết lại như một khối trong chính sách chung chống lại Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

 Hoàng Loan (gt)

Nguồn: KPL

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)