Aircraft_1.jpg

Theo đó, kiểm soát một vùng biển có vai trò chiến lược, mỗi năm chứng kiến các con tàu chở những khối hàng hóa trị giá 5.300 tỉ USD đi qua, với một trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, là một điều có ý nghĩa quan trọng đối với Bắc Kinh. Cùng với tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích của vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei này, Bắc Kinh đã ráo riết cho xây dựng một loạt các đường băng, lập nên các ngọn hải đăng, bồi đắp các bãi san hô, mở rộng các hòn đảo... Những hành động đó đã dẫn đến sự căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực, trong một cuộc chơi đầy rủi ro và mạo hiểm với những màn do thám bằng máy bay, các lời tố cáo lẫn nhau và những tuyên bố trên báo chí.

Cuộc chơi đã ở mức "toàn cầu", ban đầu nổ ra ở Biển Hoa Đông liên quan đến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Bắc Kinh gây ra những quan ngại ở khu vực này và đến nay tiếp tục xảy ra ở Biển Đông, lôi kéo thêm sự chú ý của Ấn Độ và Australia. Năm 2014, Bắc Kinh đã gây căng thẳng với Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Năm nay, căng thẳng đã lan tới quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) nơi cả Philippines cũng đòi chủ quyền.

Những căng thẳng đã leo thang trong các tháng gần đây. Đầu tiên, Bắc Kinh gia tăng các hoạt động xây dựng trên các đảo nhỏ, nhiều đến mức Mỹ khẳng định rằng: trong vòng 5 tháng qua, phần diện tích được mở rộng đã tăng gấp 4 lần và buộc Washington phải quyết định tiến hành công khai các hoạt động tuần tra, quan sát trên biển. Trung Quốc đã có phản ứng khi ra lệnh cho Hải quân nước này chuyển từ "phòng ngự" sang "phòng ngự và tấn công" - một động thái nguy hiểm bởi nó có thể đẩy tình hình tới mức ngột ngạt. 

Thật "kì quặc" khi Trung Quốc coi các biện pháp đối phó mà các nước trong khu vực cũng như những gì Mỹ áp dụng là gây hấn với hành động gây hấn của Bắc Kinh. Thái độ của Trung Quốc hiển nhiên đã gây ra những lo ngại lớn cho các nước trong khu vực, dù bản thân các nước này cũng phụ thuộc rất mạnh mẽ vào nền kinh tế Trung Quốc. Tháng 4 vừa qua, lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra một tuyên bố chung, dù không nhắc đến Trung Quốc, nhưng khẳng định: ASEAN "đặc biệt lo ngại" rằng hành động đòi chủ quyền với các quần đảo ở Biển Đông "có thể đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực". 

Việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội để từ đó bảo vệ các lợi ích của họ đã tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Trong vòng 27 năm qua, trung bình mỗi năm Trung Quốc tăng 10% ngân sách quân sự. Kể từ năm 2003, mức tăng lên tới 175%. Như một hệ quả trực tiếp, Nhật Bản buộc phải xem xét việc sửa đổi Hiến pháp, nhằm gia tăng sức mạnh cho quốc phòng. Các nước ASEAN cũng bắt đầu tăng cường lực lượng quân đội, với phần lớn nguồn lực tập trung cho lực lượng hải quân. Việc các bên phô bày sức mạnh cũng là điều hiển nhiên. Trong tháng này, Manila và Tokyo đã tiến hành tập trận chung, trong khi hải quân Mỹ và Malaysia cũng bắt đầu phối hợp với nhau. Trong những tuần tới, Nhật Bản, Australia và Mỹ cũng bắt đầu "trò chơi chiến tranh". Và không nghi ngờ gì nữa, sau Trung Đông và Ukraine, điểm nóng xung đột tiềm tàng của thế giới sẽ là Biển Đông.

Theo Il Sole 24 Ore (Italy)

Thùy Anh (gt)