Cuộc tập trận “chiếm đảo” quy mô lớn của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản lần này nhằm mục đích mượn cớ khống chế vùng đất trọng yếu để kiểm soát vùng biển nhất định, tức là triển khai tên lửa đất đối hạm Type 88 trên đảo Miyako - một vị trí xung yếu chiến lược trong quần đảo Tây Nam của Nhật Bản và là nơi kiểm soát việc qua lại Tây Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc - nhằm phong tỏa tàu chiến Trung Quốc tại chuỗi đảo thứ nhất (là một nhóm quần đảo lớn đầu tiên nằm ngoài lục địa Đông Á bao gồm quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan và phía Bắc Philippines), đồng thời biến Tây Thái Bình Dương trở thành “vùng biển chủ quyền” của Nhật Bản. 

Theo phân tích của giới truyền thông, cuộc tập trận lần này của Nhật Bản gồm hai mục tiêu tác chiến giả định: phong tỏa trên biển và đổ bộ chiếm đảo. Hiển nhiên, hải quân Trung Quốc là kẻ thù giả định của Nhật Bản. Cái gọi là tác chiến “chiếm đảo” chính là giả định quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “chiếm lĩnh”, Nhật Bản phái Lực lượng phòng vệ biển, mặt đất và trên không đến “cướp lại đảo”. Việc Nhật Bản triển khai tên lửa Type 88 có tầm bắn 150-200 km (đây là loại tên lửa đất đối hạm chủ lực của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, bán kính bắn có thể bao phủ toàn bộ khu vực eo biển Miyako) thể hiện ý đồ chiến thuật rất rõ ràng của nước này. Bên cạnh đó, tiến hành đổ bộ tác chiến là một nội dung giả định khác của đợt diễn tập. Trong tương lai, phong tỏa tác chiến đối với hải quân Trung Quốc sẽ là một trong những hình thức tác chiến trọng tâm nhất của hải quân Nhật Bản. 

Ngoài ra, một chi tiết khiến dư luận chú ý đó là đại đội “WAiR” - lực lượng tinh nhuệ hàng đầu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng tham gia đợt diễn tập lần này với nhiệm vụ chủ yếu là “chiếm đảo”. Đại đội “WAiR” thực chất là lực lượng Thủy quân lục chiến do Mỹ đào tạo, huấn luyện và có hai sở trường tác chiến đó là nhảy dù chiếm đảo và đổ bộ mặt đất từ trên biển. Có bình luận cho rằng việc phong tỏa hải quân Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất là tính toán chiến lược của các nhà chính trị và quân sự Mỹ, Nhật Bản, bởi việc hải quân Trung Quốc vươn ra biển xa đang là một thực tế hiện hữu. 

Trước đó, ba hạm đội lớn của hải quân Trung Quốc đã kết thúc đợt diễn tập “Cơ động-5” tại Tây Thái Bình Dương (từ ngày 18/10-1/11). Trong quá trình hải quân Trung Quốc tập trận, máy bay chiến đấu của Nhật Bản luôn bám theo giám sát hải quân Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng hải quân Trung Quốc đã đi vào “vùng xám” (mức báo động chưa từng thấy ngay cả khi xảy ra biến cố lẫn thời bình), khiến Tokyo cảm thấy bị đe dọa. 

Ông Trương Quốc Thành, một học giả Đài Loan cho rằng trước thế kỷ 20, Trung Quốc dường như chưa thành công trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển. Nhật Bản cũng thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng hải quân nước này vẫn mạnh hơn Trung Quốc. Cho dù dư luận có đồng ý với quan điểm của ông Trương Quốc Thành hay không, việc người Nhật mong muốn về một “lực lượng hải quân truyền thống” là thực tế không thể tranh cãi. Do vậy, Nhật Bản hoang mang, lo lắng trước cuộc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc, thậm chí bất chấp nguy hiểm cử máy bay trinh sát tiến hành do thám tàu chiến Trung Quốc ở cự ly gần nhằm mục đích tuyên bố với Trung Quốc rằng “đây là vùng biển chủ quyền của Nhật Bản, Trung Quốc hãy rời khỏi đây”. 

Hải quân là lực lượng có tính chính trị nhất trong các quân chủng của Nhật Bản. Từ khi ra đời đến nay, phong tỏa tác chiến là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này. Hơn nữa, Nhật Bản là quốc gia có chủ quyền biển truyền thống, từ xưa đến nay nước này rất coi trọng phát triển lực lượng hải quân. Trong chiến tranh Giáp Ngọ và chiến tranh Nhật-Nga hơn 100 năm trước, hải quân Nhật Bản đều giành thắng lợi, đồng thời xây dựng được địa vị bá chủ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Lực lượng hải quân dần trở thành tay sai trong công cuộc xâm lược, thống trị thực dân đối với các nước châu Á của Nhật Bản. Nguy cơ hải quân Nhật Bản ngày nay quay lại đường cũ là rất đáng đề cao cảnh giác.

Theo báo “Văn Hối” (Hong Kong)

Thùy Anh (gt)