Tại sao khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn ở Đông Á trong tương lai rất nhỏ, nguyên nhân cơ bản là do nước mạnh nhất ở Đông Á là Trung Quốc không muốn đánh nhau. Trung Quốc là nước chủ yếu thúc đẩy mọi sự thay đổi ở Đông Á, cũng là nước đang trỗi dậy lớn nhất thế giới. Rất nhiều vấn đề xảy ra hiện nay ở Đông Á đều liên quan đến Trung Quốc. Mong muốn “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc là xuất phát từ đáy lòng, Trung Quốc không mong muốn dùng chiến tranh để mở đường trỗi dậy.

Chỉ cần Trung Quốc không muốn chiến tranh, thì chiến tranh quy mô lớn ở Đông Á sẽ không xảy ra. Các nước Đông Á khác không có đủ điều kiện để khuất phục Trung Quốc bằng chiến tranh. Nguy hiểm thực sự của chiến tranh ở Đông Á chính là quan hệ Trung – Mỹ có biến chất nghiêm trọng hay không. Đông Á đã trở thành đấu trường để hai nước lớn đánh “knock out”. Đối với ván bài ngửa như vậy, Trung Quốc không muốn. Mỹ cũng chưa thể hạ quyết tâm như vậy. Bởi vì rủi ro trong việc chủ động đối đầu với Trung Quốc sẽ lớn hơn rất nhiều rủi ro khi hợp tác với Trung Quốc bị thất bại.

Trung Quốc tồn tại tranh chấp với một số nước là sự thực. Nhưng phương thức xử lý của Trung Quốc không dựa vào lực lượng quân sự. Ảnh hưởng của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với Đông Á về tổng thể là tích cực. “Thuyết về mối đe doạ từ Trung Quốc” không phải là cảm nhận duy nhất của các nước Đông Á đối với Trung Quốc. Cảm nhận của họ đối với Trung Quốc rất phức tạp. “Thuyết về mối đe doạ từ Trung Quốc” nhiều lúc đã trở thành phương tiện để một số nước gây sức ép về ngoại giao đòi Trung Quốc nhượng bộ.

Đông Á không có chiến tranh lớn, nhưng không có nghĩa không xảy ra xung đột quân sự. Tranh chấp trên biển ở Đông Á đang trong vòng thanh lọc đầu tiên của chính trị khu vực, giữa các nước thiếu lòng tin nghiêm trọng, chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên trong toàn khu vực và gây sức ép lên chính phủ các nước. Trong tình hình này, Biển Đông nếu như xảy ra xung đột quân sự thì cũng không nằm ngoài dự đoán.

Đối với xung đột quân sự, các nước Đông Á trước hết nên cố gắng tránh. Xung đột quân sự chắc chắn sẽ có hại đối với tình hình khu vực, nhưng không nên để mối nguy hại đó mở rộng ra. Các nước Đông Á cần bàn thẳng vào sự việc, không nên để leo thang thành đối đầu toàn diện giữa các nước.

Hiện nay, nhiệm vụ tránh xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông là rất nặng nề. Nhưng đây là nhiệm vụ đòi hỏi tất cả các nước phải cùng nỗ lực. Không ai cho phép Trung Quốc thông qua việc nhượng bộ đơn phương mà phải gách vác trách nhiệm vô tận. Trỗi dậy hoà bình là quốc sách của Trung Quốc, là nền tảng bảo vệ hoà bình, ổn định ở Đông Á. Quyết tâm của Trung Quốc tiếp tục thực hiện chiến lược này là rất lớn. Các nước Đông Á nên cổ vũ và phối hợp với Trung Quốc để đi tiếp con đường này. Kể cả không làm được như thế, nhưng cũng không nên quay ngược lại. Trung Quốc cũng nên giữ cân bằng giữa việc trỗi dậy hoà bình và dám cọ sát. Trung Quốc cần nhận thức rõ, trỗi dậy hoà bình không phải là sự ban ơn đối với Đông Á, mà cũng là nền tảng phát triển đất nước. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc nhất định phải chịu thiệt thòi về chủ quyền và lợi ích biển. Trung Quốc hoàn toàn có thể kiên trì nhiều lợi ích hơn trong các tranh chấp cụ thể.

2500 năm trước, Tư Mã Nhương Thư đã để lại cho chúng ta câu nói “Vong chiến tất nguy, hiếu chiến tất vong” (quên chiến tranh, mất cảnh giác sẽ gặp nguy; nhưng hiếu chiến sẽ bị diệt vong). Với thực lực lớn và mạnh như Trung Quốc, không ai có thể ép Trung Quốc gây chiến tranh, cũng không có ai có thể liên tục khiêu khích Trung Quốc và quy định Trung Quốc phải phản ứng thế nào. Sức mạnh đã tạo cho Trung Quốc quyền chủ động nhất định. Trung Quốc không cần thiết phải nhảy theo điệu nhạc mà người khác đã soạn sẵn.

Theo báo Hoàn Cầu

Nguyễn Minh (gt)