Tờ "Toàn cảnh Frankfurt" (FAZ) ngày 10/4 đăng bài viết với tiêu đề "Những hòn đảo của quyền lực" chỉ trích Trung Quốc muốn tạo sự đã rồi trên Biển Đông và dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Trung Quốc không nên có các "hành động hiếu chiến" trên Biển Đông và nhấn mạnh trong quá trình xử lý tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đã không tuân thủ đúng các tiêu chuẩn và quy định của luật pháp quốc tế. Bài viết tập trung phản ánh tốc độ Trung Quốc cải tạo bãi đá Vành Khăn hiện nay, khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy mặc dù chỉ mới bắt đầu từ tháng 1/2015 nhưng đến ngày 16/3, Trung Quốc đã mở rộng quy mô đảo này lên đáng kể với diện tích xây mới tới 1,5km2 đi kèm các công trình như đập, đê chắn sóng và công việc cải tạo đang tiếp tục được đẩy mạnh. 

Trung Quốc sẽ sử dụng bãi đá Vành Khăn làm căn cứ để mở rộng các hoạt động tuần tiễu cũng như phục vụ các yêu sách về vùng nước chủ quyền cùng các mục đích quân sự khác. Theo đánh giá của tổ chức "Jane's Defense", Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xây dựng thêm một đường băng ở bãi đá Vành Khăn. Mặc dù Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã quy định "vùng đặc quyền kinh tế giới hạn trong 200 hải lý của mỗi quốc gia tính từ thềm lục địa" nhưng Trung Quốc rõ ràng đang đi ngược lại Công ước này với cái gọi là "Đường 9 đoạn" phi lý đòi hỏi yêu sách chủ quyền với những khu vực cách thềm lục địa Trung Quốc tới trên 1000 km. Việt Nam đã nỗ lực trong việc kiểm soát bất đồng trên biển với Trung Quốc thể hiện qua chuyến thăm Trung Quốc vừa diễn ra của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Trong khi đó, báo điện tử "Sóng Đức" (Deutsche Welle) ngày 10/4 với bài viết tiêu đề "Mỹ can dự vào tranh chấp Biển Đông" phản ánh về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo trên Biển Đông, với chùm 10 ảnh cập nhật về những hoạt động cải tạo này cùng các bình luận đi kèm ở mỗi ảnh. Mở đầu bài viết, tác giả khẳng định Trung Quốc đang muốn "tạo sự đã rồi" khi tăng tốc xây dựng, mở rộng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhấn mạnh việc Trung Quốc cho cải tạo ở quy mô lớn nhất trên bãi đá Chữ Thập. Tờ báo dẫn nhận định của các chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cùng Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho rằng, việc Trung Quốc xây một đường băng dài tới 3 km ở bãi đá Chữ Thập cho thấy ý đồ của nước này có thể biến đây thành căn cứ không quân với khả năng hoạt động của máy bay ném bom cỡ lớn H-6. Tác giả cũng dẫn cảnh báo của Tổng thống Mỹ Obama trước các "hành động hiếu chiến" của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã không tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, cũng như sử dụng sức mạnh nước lớn để gây sức ép với các nước nhỏ hơn như Việt Nam, Philippines. 

Về việc cải tạo ở bãi đá Gaven, theo quan điểm của giới luật gia cho rằng, nếu dựa theo luật pháp quốc tế, kể cả khi Trung Quốc đã mở rộng thêm ở Gaven một khu vực nhân tạo có diện tích tới 115.000 m2 thì điều này vẫn không có ý nghĩa gì đối với các yêu sách chủ quyền. Việc Trung Quốc xây dựng cải tạo đảo trái phép ở bãi đá Gạc Ma, Tư Nghĩa và cùng lúc xây nhiều đảo nhân tạo với tốc độ rất nhanh cho thấy nước này đã chuẩn bị từ lâu "một bộ quy chuẩn về việc xây dựng, cải tạo các đảo này".

Dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tuần trước, báo "Le Figaro" (một trong những tờ nhật báo lớn của Pháp) thể hiện quan ngại trước việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các công trình lấn biển, đặc biệt là việc xây dựng một "bức tường thành lớn bằng cát" trên biển Đông. Báo Pháp cũng cho rằng Mỹ đang gia tăng sức ép đối với Trung Quốc vì lo ngại Trung Quốc không tuân theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Washington cũng tin rằng có thể giải quyết được vấn đề thông qua các kênh ngoại giao. Báo Pháp nhắc lại việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% biển Đông, nơi được đánh giá có tiềm năng giàu dầu mỏ và có các đường hàng hải quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Trung Quốc đã đưa ra chi tiết kế hoạch đối với quần đảo Trường Sa, nằm trong các khu vực có tranh chấp, theo đó Trung Quốc muốn duy trì sự hiện diện quân sự và phát triển các dịch vụ dân sự đối với quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, kế hoạch của Trung Quốc bị nhiều nước phản đối, nhất là từ phía Philippines.

Theo FAZ, Deutsche Welle, Le Figaro

Văn Cường (gt)