Hơn 10 chuyên gia, học giả về vấn đề Biển Đông của hai bờ đã tham gia viết Báo cáo này. Báo cáo gồm 10 chương, hơn 140 trang, gần 100.000 chữ, bao gồm các nội dung: đánh giá tình hình khu vực Biển Đông năm 2012; động thái và chính sách Biển Đông của Trung Quốc, Đài Loan và ASEAN; động thái và chiến lược ngoại giao của VN ở Biển Đông; lập trường chính sách Biển Đông của Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ; triển vọng hợp tác ở Biển Đông; phụ lục đại sự ký Biển Đông năm 2011 và bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông.

“Báo cáo” đưa ra các kiến nghị về chính sách hợp tác giữa hai bờ ở Biển Đông như sau:

(1) Về việc hai bờ tiến hành hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, kiến nghị các công ty dầu khí của hai bờ cần chuyển hướng từ hợp tác truyền thống ở vùng biển phía Bắc Đông Sa sang phía Tây Đông Sa và xuống vùng biển quần đảo Trường Sa; tích cực thúc đẩy hai bờ hợp tác thăm dò dầu khí.

(2) Thông qua việc chỉnh lý hồ sơ lịch sử, đẩy nhanh việc nghiên cứu pháp lý, lịch sử của vấn đề Biển Đông.

(3) Phối hợp làm quy hoạch chính sách bảo vệ tài nguyên sinh thái các vùng biển. Đối với vấn đề cùng khai thác, cần do hai bờ đi đầu hợp tác để thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái biển mang tính khu vực, phối hợp triển khai quy hoạch và thực hiện cụ thể việc bảo vệ môi trường các vùng biển, nhằm củng cố phạm vi “đường chữ U” mà hai bờ đang kiên trì.

(4) Hai bờ cần phối hợp thúc đẩy việc bảo vệ tài nguyên biển mang tính khu vực; kiến nghị thực hiện bảo vệ và nuôi trồng tài nguyên ngư nghiệp và tài nguyên biển khác ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do chính quyền hai bên công bố các biện pháp bảo vệ cụ thể và thực hiện; kêu gọi các nước liên quan cùng tham gia.

(5) Xem xét vai trò của Đài Loan trong việc tham gia các vấn đề ở Biển Đông và tham gia đàm phán giải quyết tranh chấp.

(6) Tăng cường hợp tác giữa giới học thuật hai bờ về khảo sát khoa học và điều tra tài nguyên ở Biển Đông.

(7) Tiến hành hợp tác cứu hộ ngư dân hành nghề ở Biển Đông.

(8) Thúc đẩy hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí, cố gắng có đột phá trong việc khai thác ở vùng biển Bắc Biển Đông, đồng thời tiếp tục mở rộng phạm vi và lĩnh vực hợp tác. Gần đây, CNOOC đã công bố gọi thầu 9 lô dầu khí ở vùng biển Trung và Nam Biển Đông. Hai bờ có thể mở rộng hợp tác dầu khí xuống khu vực này, nhất là ở vùng biển quần đảo Trường Sa.

(9) Xây dựng cơ chế hợp tác và phản ứng nhanh ứng phó với sự cố tràn dầu ở khu vực eo biển và vùng biển Đông Bắc Biển Đông.

(10) Tìm kiếm xây dựng cơ chế trao đổi, liên lạc giữa hai bờ về sự vụ trên khu vực Biển Đông, hợp tác thi hành pháp luật, chống cướp biển, xử lý tranh chấp nghề cá giữa hai bờ ở Biển Đông; tiến hành tuần tra liên hợp giữa lực lượng ngư chính, hải giám của Đại lục với lực lượng tuần duyên của Đài Loan; tận dụng lợi thế về vị trí địa lý của các đảo mà hai bờ đang đóng giữ ở Biển Đông để thiết lập cơ chế giám sát đường biển ở Biển Đông ở đá Vành Khăn, đảo Ba Bình và đảo Đông Sa, cùng duy trì an ninh hàng hải ở Biển Đông./.

Lê Sơn (gt)