pentagon.jpg


Các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã cảnh báo rằng khả năng xảy ra chiến tranh (giữa Mỹ) với một cường quốc khác mặc dù "thấp", nhưng khả năng đó đang có xu hướng "gia tăng". Đây là một viễn cảnh u ám đối với Washington bởi Mỹ nhận thức được một cách rõ ràng rằng khoảng cách về sức mạnh giữa quân đội Mỹ và quân đội của nhiều nước khác đang ngày càng bị thu hẹp.

Báo cáo "Chiến lược Quân sự Quốc gia" cũng nêu rõ, quân đội Mỹ sẽ chuyển hướng một số trọng tâm, tập trung vào các thách thức an ninh mà những nước như Nga và Trung Quốc gây ra, đồng thời báo cáo nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải điều chỉnh chiến quốc phòng trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu ngày càng biến động và bất ổn. Báo cáo có đoạn: "Hầu hết các quốc gia ngày nay - đứng đầu là Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ - đều ủng hộ các thể chế và các tiến trình được thiết lập nhằm ngăn chặn xung đột, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nhân quyền. Tuy nhiên, một số quốc gia đang tìm cách thay đổi những khía cạnh then chốt trong trật tự quốc tế và đang hành động theo cách đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta (Mỹ)... Theo sự chỉ đạo của Tổng thống Barack Obama đối với Bộ Quốc phòng, nước Mỹ tiếp tục phải áp dụng những biện pháp kiềm chế Iran và vẫn duy trì giải pháp quân sự nếu cần thiết vì tổng thống quyết tâm yêu cầu Iran từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói rõ rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu không đạt được thỏa thuận với Iran. Lầu Năm Góc cho biết thêm: "Trong thập kỷ qua, các chiến dịch quân sự của chúng ta chủ yếu là các chiến dịch chống những kẻ cực đoan bạo lực. Nhưng ngày nay và trong tương lai trước mắt, chúng ta phải chú ý hơn nữa tới những thách thức mà các quốc gia khác gây ra. Những quốc gia này ngày càng có những hành động bóp nghẹt sự tự do đi lại trong khu vực và đe dọa đến nước Mỹ". 

Việc báo cáo "Chiến lược Quân sự Quốc gia" năm nay của Mỹ tập trung nhiều hơn vào "những quốc gia khác" là một sự khác biệt đáng kể. Báo cáo "Chiến lược Quân sự Quốc gia" năm 2011 tập trung chủ yếu vào các tổ chức khủng bố như al-Qaeda ở Bán đảo Arập, al-Shabaab ở Somali và and Lashkar-e-Tayyiba ở Pakistan.

Mặc dù báo cáo năm nay nói rằng Mỹ ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc song cũng bày tỏ những quan ngại đặc biệt về các hoạt động của nước này ở Biển Đông. Báo cáo nêu rõ: "Cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc giải quyết các vấn đề hàng hải theo hướng hợp tác và không có những hành động cưỡng ép, đe dọa. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản ứng bằng các nỗ lực tuyên bố chủ quyền đối với những vùng lãnh hải và lãnh thổ rộng lớn với mục đích nhằm cho phép họ có thể đưa lực lượng quân sự đến án ngữ ở các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng... Trung Quốc nên giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế". Báo cáo cũng chỉ trích Nga không tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng, phớt lờ các thỏa thuận quốc tế. 

Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng trật tự thế giới hiện nay đòi hỏi quân đội Mỹ phải linh hoạt hơn, đổi mới hơn và đoàn kết hơn. Theo ông, quân đội Mỹ hiện phải đối mặt với những cuộc chiến không hề dễ dàng. Ông nêu rõ: "Kể từ khi báo cáo 'Chiến lược Quân sự Quốc gia" năm 2011 được công bố, trật tự thế giới đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng khá lộn xộn. Trong khi đó, quân đội Mỹ đã mất đi nhiều lợi thế... Các cuộc xung đột trong tương lai sẽ diễn ra nhanh chóng hơn, kéo dài hơn và quyết liệt hơn".

Nga đã lên tiếng chỉ trích báo cáo "Chiến lược Quân sự Quốc gia" vừa công bố của Mỹ, cho rằng báo cáo này sẽ cản trở những nỗ lực cải thiện quân hệ giữa hai nước.

Trả lời phỏng vấn các phóng viên qua điện thoại khi được đề nghị bình luận về báo cáo trên của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Việc Mỹ sử dụng những lời lẽ như vậy trong báo cáo đó cho thấy Mỹ có thái độ đối đầu với chúng tôi. Tất nhiên, việc làm này của Mỹ sẽ chẳng giúp ích gì cho các nỗ lực bình thường hóa quan hệ song phương". Ông Dmitry Peskov cũng lấy làm tiếc về động thái này của Mỹ, đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga nên hợp tác hơn trong các vấn đề toàn cầu. 

Khi được hỏi Nga sẽ đề cập như thế nào về Mỹ khi Nga đưa ra một chiến lược an ninh mới riêng của mình, ông Dmitry Peskov nói: "Tất nhiên, mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga đều sẽ được xem xét, và các biện pháp để chống những mối đe dọa đó sẽ được đưa ra và áp dụng".

Duy Anh (TH)