Visioning.jpg

 

Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông án ngữ tuyến huyết mạch của hoạt động vận chuyển hàng hóa thương mại toàn cầu. Ước tính mỗi năm, một lượng hàng hóa trị giá khoảng 5.000 tỷ USD được chuyên chở qua đây. Không những thế, vùng biển xung quanh quần đảo này còn dồi dào về nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên như dầu khí... Tranh chấp chủ quyền đã nổ ra từ nhiều năm trước đây giữa các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, căng thẳng bắt đầu leo thang nhanh chóng kể từ khi Trung Quốc áp dụng chính sách cứng rắn và ngang ngược nhằm hiện thực hóa cái mà họ gọi là "đường 9 đoạn" ở Biển Đông.

Giờ đây, khi Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch cải tạo đảo với quy mô lớn và Mỹ triển khai những chuyến bay tuần tra, thì nguy cơ va chạm ở Biển Đông ngày càng rõ ràng hơn. Kế hoạch cải tạo và mở rộng một số đảo có thể giúp Trung Quốc xây thêm đường băng, hải cảng và nhiều cơ sở hạ tầng khác ngay giữa Biển Đông, khiến dư luận lo lắng rằng một ngày nào đó, nước này sẽ khống chế toàn bộ khu vực nhằm phục vụ cho lợi ích của mình. Theo nhận định của giới phân tích, Trung Quốc đang tạo ra một hàng không mẫu hạm khổng lồ và không thể đánh chìm cách bờ biển phía Nam nước này đến 800 dặm.

Các nước trong khu vực ngay lập tức lên tiếng cảnh báo về ý đồ của Trung Quốc, và người Mỹ cũng bắt đầu vào cuộc. Có thể nói chiến lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đang vấp phải những thử thách nghiêm trọng. Ngoại trưởng John Kerry bay tới Bắc Kinh, hối thúc Trung Quốc từ bỏ kế hoạch cải tạo và mở rộng đảo nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi đó, Lầu Năm Góc triển khai máy bay tuần tra trên vùng biển tranh chấp, phớt lờ nhiều cảnh báo từ phía Hải quân Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở đó, Washington còn tuyên bố họ đang xem xét việc đưa tàu chiến và máy bay vào vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo tranh chấp ở Trường Sa.

Tuy nhiên, cách thức phản ứng như thế này có thể châm ngòi cho hành động trả đũa mạnh mẽ hơn từ phía Trung Quốc. Trong Sách trắng Quốc phòng 2015 công bố ngày 26/5, quân đội Trung Quốc khẳng định rằng họ đang chuyển từ phòng ngự sang phản công, tập trung vào khu vực Biển Đông. Một tờ báo Trung Quốc còn coi kế hoạch cải tạo và mở rộng đảo ở Biển Đông là "nhiệm vụ quan trọng nhất". Và theo tờ báo này, nếu Mỹ coi việc Trung Quốc phải dừng hoạt động này lại thì "khó có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai nước ở Biển Đông". Tờ báo Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ "xâm phạm khu vực 12 hải lý".

Rõ ràng, vào lúc này, các nỗ lực ngoại giao cần phải được đẩy nhanh hơn bao giờ hết nhằm ngăn chặn nguy cơ va chạm và xung đột. Những bước đi đầu tiên có lẽ là các bên liên quan cam kết đảm bảo an ninh và tự do hàng hải, mở ra cơ chế đàm phán để chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, khả năng thỏa hiệp và nhượng bộ lúc này vẫn còn rất mong manh. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy kế hoạch cải tạo đảo ở Trường Sa? 

Một trong những lý do đó là Trung Quốc coi Đài Loàn không hơn gì là một tỉnh ly khai. Hơn nữa Trung Quốc không tỏ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ xuống nước, kể cả trong vấn đề này có sự can dự của Mỹ. Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục chiến lược của họ và không màng đến sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở khu vực? Liệu Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh để ngăn chặn nguồn cung hậu cần cho các đảo hoặc như một số quan chức diều hâu ở Washington đang kêu gọi tấn công và buộc Trung Quốc phải rút khỏi khu vực chiếm đóng trái phép này. Và hậu quả của điều này thì không thể tính hết được.

Ít ai dám nghĩ đến hậu quả của cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Điều hiển nhiên là tranh chấp ở Biển Đông không chỉ dừng lại ở vấn đề chủ quyền, nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị thế quan trọng, đó còn là điểm quyết chiến chiến lược có tác động đáng kể đến tương quan lực lượng giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga... trên toàn cầu.

The Independence (UK)

Thùy Anh (gt)