- Sự phô trương sức mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ làm thay đổi tình hình địa chính trị ở châu Á trong một tương lai gần. Đầu tháng 8, Trung Quốc thông qua nghị quyết mới với sự thay đổi rõ ràng so với lập trường trước đây là tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trong phạm vi khuôn khổ của ASEAN. Lập trường mới này của Trung Quốc là rất nguy hiểm. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, không phải chỉ 80% như trước kia. Rõ ràng là Trung Quốc đang tìm kiếm một bệ phóng cho sức mạnh đang gia tăng của họ vào khu vực chiến lược châu Á. Đây dường như là một sự khởi đầu mới để Trung Quốc tự khẳng định vai trò vượt trội của họ. Trên hết, thời điểm mà Trung Quốc chọn để thông qua nghị quyết này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm truyền tải một thông điệp là Trung Quốc có thể thoả hiệp trên những vấn đề chính trị nhỏ chứ không phải các vấn đề chiến lược. Đồng thời, Bắc Kinh cũng muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các nước láng giềng rằng họ không nên tiếp tục hoan nghênh Mỹ ở khu vực vì Trung Quốc đã nổi lên với một vai trò mới.

 

- Quan điểm của Trung Quốc là mỗi cường quốc đều có phạm vi ảnh hưởng riêng. Theo đó, Mỹ nên giành không gian ở Biển Đông cho Trung Quốc. Lần này, nếu xảy ra đối đầu do tranh chấp ở Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không thoái lui như năm 1996 do lo sợ Mỹ trả đũa vấn đề Đài Loan. Các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc đang bận rộn tăng cường các khả năng quân sự, từ học thuyết đến chiến lược, thay thế vũ khí cho phù hợp với chiến trường ở Biển Đông. Sinh khí và sức sống mới trong sự tự tin của Trung Quốc bắt nguồn từ sai lầm trong chính sách của Obama. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Obama cho rằng nhóm G-2 (Mỹ và Trung Quốc) sẽ định hình tương lai của thế giới. Đây được xem như lời mời gọi Trung Quốc tham gia vào ma trận quyền lực. Khi mới nhậm chức, Obama quên rằng Trung Quốc không muốn dàn xếp chia sẻ quyền lực mà muốn có lãnh thổ độc quyền. Trung Quốc hiện luôn quảng bá Biển Đông là của Trung Quốc. Do đó, một số quốc gia láng giềng đã công khai chất vấn. Indonesia bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc về Natuna Besar với trữ lượng mỏ hyđrocarbon khổng lồ gần bằng Ả-rập Xê-út. Philippin dọa sẽ tiến hành các biện pháp ngoại giao nếu Trung Quốc tiếp tục nhòm ngó quần đảo Pagasa. Bên cạnh việc quảng bá du lịch, Malaysia từ chối hạn chế ngư dân vào khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Việt Nam cũng không hoan nghênh Trung Quốc thăm dò dầu khí ở khu vực tranh chấp.

 

- Tuy nhiên sự phản đối đơn thuần sẽ không có hiệu quả. Trung Quốc đang cố gắng chuyển tới ASEAN một thông điệp rằng Bắc Kinh sẽ không do dự sử dụng sức mạnh quân sự trong tình huống cần thiết, tùy theo cách hiểu chủ quan thế nào là thuận lợi. Thực ra, Trung Quốc đang chờ một thời điểm phù hợp. Một khi Mỹ phải can dự vào Iran, Trung Quốc có thể chứng tỏ quyết đoán hơn. Ấn Độ có những lợi ích đáng kể ở Biển Đông. Do vậy, New Delhi cần giám sát tình hình và hỗ trợ về quân sự, ngoại giao, chính trị và kinh tế cho các nước đồng minh và bè bạn. Ấn Độ hiện đã đầu tư vào các mỏ dầu và khí của Việt Nam và các tàu chở dầu từ Nga cũng đi qua Biển Đông. Đây sẽ là sân chơi lý tưởng để Ấn Độ đáp lại việc Bắc Kinh đã làm với Pakistan và các nước khác tại sân sau của Ấn Độ. Nếu Ấn Độ cần vươn tới Tây Thái Bình Dương  thì New Delhi có thể khai thác các mối quan hệ đối tác chiến lược với Philippin, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, bên cạnh việc củng cố các mối quan hệ với Singapore, Indonesia và Malaysia. New Delhi nên cùng Việt Nam khai thác ý tưởng về quyền neo tàu tại Vịnh Cam Ranh. Đối với ASEAN, cách duy nhất để chống lại Trung Quốc là quốc tế hoá vấn đề Biển Đông. Nếu Trung Quốc sợ Google thì họ cũng sẽ sợ chính sách ngoại giao táo bạo của ASEAN.

 

Văn Cường (gt)

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)