Chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh được dựa trên giả định rằng thương mại và đầu tư đang mở rộng sẽ có những tác động có lợi vượt quá việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lên cả hành xử bên ngoài của nước đó lẫn sự tiến triển của các thể chế kinh tế và chính trị trong nước của nước này. Người ta hy vọng mối quan hệ thêm sâu sắc của Trung Quốc với Mỹ và sự hội nhập rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu sẽ mang lại cho Bắc Kinh một lợi ích mạnh mẽ trong sự ổn định và khuyến khích nước này tự xem mình là “một bên tham gia có trách nhiệm” trong hệ thống toàn cầu hiện nay. Theo quan điểm này, khi Trung Quốc phát triển, nước này sẽ rời xa nền kinh tế kế hoạch do nhà nước chỉ đạo và dựa nhiều hơn vào các cơ chế thị trường.

Thật không may, những sự mong đợi này không được các sự kiện đáp lại; cũng không có khả năng chúng sẽ được đáp ứng sớm bất cứ khi nào. Trái lại, những trào lưu thịnh hành hiện nay đang vận hành mạnh mẽ theo chiều hướng ngược lại. Chắc chắn là Trung Quốc trở nên giàu có hơn; theo một số ước tính, tổng quy mô nền kinh tế nước này sẽ sớm vượt qua quy mô nền kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã trở mang tính dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến hơn ở trong nước và ngày càng quyết đoán, thậm chí hung hăng hơn ở bên ngoài. Trong khi đó, nhà nước-đảng của Trung Quốc tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách gần như là trọng thương, và trong một số lĩnh vực nhất định đã tăng cường các công cụ này. 

Ngay cả nếu Trung Quốc là nền kinh tế thị trường hoàn toàn, triển vọng nước này vượt Mỹ, về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sẽ làm nhiều người Mỹ bối rối. Và bởi vì nó không phải là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, cho dù hai nước này không tham gia cuộc cạnh tranh về quân sự và địa chính trị ngày càng mạnh, nhưng sẽ có các lý do để quan ngại về tác động của các chính sách thương mại và công nghiệp của Bắc Kinh lên những triển vọng của nền kinh tế Mỹ trong tương lai. 

Nhưng dĩ nhiên, Trung Quốc cùng một lúc có 3 vấn đề: nước này là một nước lớn, nước này có một sự pha trộn độc nhất và cho đến nay là thành công các chính sách kinh tế định hướng thị trường và do nhà nước chỉ đạo và nước này là một đối thủ chiến lược ngày càng tham vọng và có khả năng. Do đó, thách thức do Trung Quốc gây ra không giống như bất cứ thách thức nào Mỹ từng đối mặt. Trong thập kỷ qua, nhận thức ngày càng tăng về thực tế này đã bắt đầu thúc đẩy những sự thay đổi trong học thuyết quân sự, tư thế sức mạnh và ngoại giao của Mỹ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, các lĩnh vực kinh tế trong chiến lược hiện nay của Mỹ về cơ bản vẫn không thay đổi. 

Hiện nay, mọi việc dường như sắp thay đổi. Ngay trước chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, một cuộc thảo luận nghiêm túc đã bắt đầu về liệu rằng, và nếu như vậy thì bằng cách nào, Mỹ có nên điều chỉnh các chính sách tương tác với Trung Quốc về kinh tế hiện nay hay không. Với việc Donald Trump đắc cử, vấn đề này đã leo lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách. Washington có nên tìm cách giảm hoặc loại bỏ thâm hụt thương mại từ lâu của Mỹ với Trung Quốc, như ứng cử viên Trump đã hứa hẹn hay không? Nước này có nên phản ứng những sự trợ cấp, đánh cắp tài sản trí tuệ và những thông lệ thương mại bị cho là không công bằng khác hay không bằng việc áp thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc? Nước này có nên thắt chặt những giới hạn về đầu tư của các công ty của Trung Quốc ở Mỹ hay không? Nước này nên phản ứng như thế nào trước những thỏa thuận thương mại khu vực được đề xuất và các kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh? 

Mục đích ban đầu của bài tiểu luận này là phác thảo những đường nét chính của cuộc tranh luận về những câu hỏi này bằng việc xác định các cách tiếp cận thay thế chính và xem xét lôgích, những giả định và bằng chứng củng cố chúng. Phần kết luận sẽ xem xét cuộc tranh luận này diễn ra như thế nào và những tác động có thể có đối với chính sách của Mỹ trong tương lai. 

Ba đặc trưng, bốn trường phái tư duy 

Bước đầu tiên có thể phân biệt giữa hai cách tiếp cận mở rộng với chính sách kinh tế nói chung, và chính sách Trung Quốc nói riêng. Một mặt, có những người thích dựa nhiều nhất vào các lực lượng thị trường và giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước. Mặt khác là các nhà phân tích tin rằng thêm vào những chức năng cơ bản (đảm bảo sự ổn định chính trị trong nước, thực thi pháp trị, điều chỉnh cung tiền, thu thuế), chính phủ đôi khi phải sẵn sàng làm nhiều hơn để thúc đẩy vận may của các nhóm xã hội, các lĩnh vực kinh tế cụ thể và thậm chí đôi lúc cả các công ty cụ thể. 

Những người ủng hộ sự can thiệp có thể được phân chia hơn nữa thành 2 nhóm: những người tập trung vào tối đa hóa phúc lợi kinh tế quốc gia và những người có mối quan tâm chủ yếu là an ninh quốc gia. Theo nghĩa rộng nhất, phúc lợi ám chỉ sự thịnh vượng hiện nay và trong tương lai của toàn quốc gia. An ninh là một khái niệm vô định hơn bao gồm, ở mức tối thiểu, sự an toàn của người dân và lãnh thổ của một quốc gia trước cuộc xâm lược, tấn công hay ép buộc. 

Trong khi có sự chồng lấn nào đó giữa chúng, những người đề xuất can thiệp vì các mục đích tăng phúc lợi quốc gia có thể lại được chia thành 2 nhóm nhỏ riêng biệt. Những người ủng hộ cái có thể được gọi là sự can thiệp toàn bộ tập trung vào các mức độ rộng rãi của thành tích kinh tế quốc gia hiện nay, cụ thể là quy mô thâm hụt thương mại và mức việc làm trong toàn bộ lĩnh vực sản xuất. Những người ủng hộ sự can thiệp có mục tiêu chủ yếu quan tâm đến khả năng tồn tại và thành tích có thể có trong tương lai của các công ty đặt tại Mỹ trong các ngành công nghiệp mới hơn, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin (IT), chất bán dẫn, sản xuất công nghệ cao và rô bốt. 

Chính sách tự do kinh doanh 

Những người thuộc nhóm đầu tiên này có xu hướng tập trung vào các mức độ phúc lợi kinh tế quốc gia rộng nhất: thường là quy mô tuyệt đối và tỷ lệ tăng trưởng của GDP và GDP bình quân đầu người của Mỹ. Theo quan điểm này, bất chấp thực tế là thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên hơn 300 tỷ USD, những lo ngại của các nước khác về quy mô của nó phần lớn bị đặt sai chỗ và những phương thuốc được đề xuất cho vấn đề này còn tồi tệ hơn cả căn bệnh. Mặc dù Trung Quốc chắc chắn theo đuổi các chính sách bóp méo thị trường, nhưng một số chính sách, như trợ cấp làm giảm chi phí xuất khẩu của Trung Quốc, có thể thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ. Trong bất kỳ trường hợp nào, thâm hụt thương mại cuối cùng cũng được “tạo ra ở Mỹ”. Chừng nào mà người Mỹ nhìn chung tiêu dùng nhiều hơn họ sản xuất ra (và tiết kiệm ít hơn họ đầu tư), thì toàn bộ quốc gia này sẽ thâm hụt thương mại với phần còn lại của thế giới. Thực hiện các bước để thu hẹp khoảng cách về thương mại với Trung Quốc mà không giải quyết các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản này sẽ chỉ đơn giản chuyển một phần thâm hụt sang các nước khác. 

Mỹ có thể nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu vì Trung Quốc (và các nước khác) sẵn sàng nắm giữ tài sản định giá bằng đồng USD bao gồm cả số lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ. Nếu Chính phủ Trung Quốc ngừng mua trái phiếu, hoặc nếu nước này bắt đầu bán hạ giá một số trong số trái phiếu hiện đang nắm giữ, lãi suất của Mỹ sẽ tăng và tăng trưởng sẽ chậm lại. Mặc dù có thể hiểu được rằng Bắc Kinh có thể đe dọa hành động như vậy trong một nỗ lực gây ảnh hưởng lên các nhà hoạch định chính sách Mỹ, nhưng những người phản đối can thiệp không quá lo ngại về triển vọng này. Tăng trưởng chậm hơn của Mỹ (và đồng USD giảm giá) sẽ gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc và ít nhất có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc cũng nhiều như đối với Mỹ. Vì lý do này, như cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đề cập đến trong năm 2004, một “sự cân bằng về nỗi khiếp sợ tài chính” được cho là tồn tại giữa hai nước. 

Những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh nhìn chung cũng có một cái nhìn dịu bớt về các chính sách công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc. Theo đánh giá của họ, các chương trình nghiên cứu và đầu tư có kế hoạch tập trung nhằm đạt được lợi thế trong các lĩnh vực được cho là chiến lược của nền kinh tế có thể sẽ tốn kém, không hiệu quả và lãng phí. Như từng làm trong quá khứ, chính phủ liên bang do đó nên tránh cố gắng chọn những kẻ thắng, người thua, thay vào đó tập trung hỗ trợ khoa học cơ bản, cải tiến giáo dục, bảo vệ sở hữu trí tuệ, xây dựng luật về thuế và bằng sáng chế nhằm khuyến khích đầu tư hiệu quả cũng như các chính sách nhập cư tiếp tục thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, và nhìn chung tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các công nghệ mới của các doanh nghiệp và doanh nhân có tầm nhìn xa trông rộng. 

Trong khi dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, so với đầu tư của các nước khác hoặc FDI của Mỹ ở Trung Quốc, nguồn dự trữ vẫn nhỏ. Mặc dù có thể đảm bảo thực hiện một số điều chỉnh nhỏ, nhưng các cơ chế hiện tại đánh giá những tác động đối với an ninh quốc gia của đầu tư nước ngoài được đề xuất (chủ yếu là Ủy ban liên ngành về đầu tư nước ngoài tại Mỹ - CFIUS) là phù hợp với nhiệm vụ này. Với rất ít trường hợp ngoại lệ, đầu tư nước ngoài có lợi cho nền kinh tế Mỹ và quả thật, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã giúp một số công ty sáng tạo của Mỹ giành được nguồn tài trợ khi không sẵn có các nguồn lực khác. Các thủ tục rà soát FDI ngày càng chặt chẽ sẽ có thể gây phương hại cho phúc lợi kinh tế quốc gia bằng cách làm gián đoạn các dòng đầu tư đôi bên cùng có lợi giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi hầu như không làm được gì để tăng cường an ninh quốc gia. 

Tin tưởng vào các thị trường và hoài nghi về ích lợi của sự can thiệp của chính phủ dẫn đến một tập hợp các khuynh hướng mạnh mẽ về một loạt vấn đề khác. Mặc dù Chính quyền Trump đã làm rõ sự phản đối của mình đối với chúng, nếu không có các vòng thỏa thuận toàn cầu mới cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, các hiệp định thương mại tự do khu vực do Mỹ dẫn đầu, như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn có thể hữu ích trong việc thúc đẩy phúc lợi kinh tế quốc gia. Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do khu vực ít tham vọng hơn mà Trung Quốc ủng hộ không có khả năng chuyển hướng khối lượng thương mại đáng kể rời khỏi Mỹ và không nên là nguyên nhân gây ra mối quan ngại nghiêm trọng. 

Mặc dù có giọng điệu đầy tham vọng xung quanh vấn đề này nhưng những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh đặc biệt hoài nghi rằng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) quy mô lớn và được nhà nước thúc đẩy của Bắc Kinh sẽ thu được kết quả theo các cách mà những người thúc đẩy nó tuyên bố. Giả sử các quyết định về đầu tư cuối cùng được định hình chủ yếu bằng các tính toán chi phí-lợi ích, nhiều dự án được đề cập trong các bài phát biểu và được in trong các tài liệu quảng cáo hào nhoáng sẽ không bao giờ được xây dựng, và một số sẽ không tỏ ra khả thi về mặt thương mại. Do đó BRI không có khả năng làm thay đổi địa-kinh tế và địa-chiến lược của Âu-Á. 

Sự can thiệp toàn bộ 

Những người đề xướng trường phái tư duy thứ hai này cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược kinh tế trọng thương, được mất ngang nhau và được tạo ra để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển mà gây tổn hại cho các đối tác thương mại của nước này, đặc biệt là Mỹ. Đối với những người theo chủ nghĩa can thiệp toàn bộ, thâm hụt thương mại song phương lớn và dai dẳng của Mỹ với Trung Quốc là một dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy mối quan hệ kinh tế bị bóp méo và gây thiệt hại giữa hai nước. Việc làm giảm sự mất cân bằng đó là cần thiết để phục hồi sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. 

Những người theo chủ nghĩa can thiệp toàn bộ tin rằng thâm hụt thương mại là kết quả trực tiếp của các chính sách không công bằng của Trung Quốc. Họ lưu ý rằng trong hơn 2 thập kỷ, Bắc Kinh đã đẩy mạnh có chủ đích xuất khẩu sang Mỹ trong khi cẩn thận hạn chế nhập khẩu. Thêm vào việc hạ giá đồng tiền, chính phủ đã thực hiện những sự trợ cấp nhằm giảm chi phí xuất khẩu và nhiều thuế quan khác nhau cũng như các rào cản phi thuế quan được tạo ra để bảo vệ các công ty Trung Quốc khỏi sự cạnh tranh ở nước ngoài. Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, Bắc Kinh đã tìm ra các cách để tránh hoặc thao túng các quy tắc của WTO, nhiều khi đơn giản là chấp nhận những sự trừng phạt mà thường đến quá trễ để giúp các nước là mục tiêu của hành vi trục lợi của họ. 

Các chính sách của Trung Quốc đã có một tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ. Hàng nhập khẩu giá rẻ đã đẩy nhanh các xu hướng hướng tới phi công nghiệp hóa, góp phần làm giảm đáng kể việc làm trong khu vực sản xuất mà đã diễn ra ở Mỹ kể từ năm 2001. Việc giảm công ăn việc làm trong khu vực sản xuất đã góp phần vào việc làm giảm thu nhập của tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động, cũng như làm tăng sự bất bình đẳng và liên quan đến nhiều căn bệnh xã hội bao gồm lạm dụng ma túy gia tăng, tỷ lệ tự tử gia tăng và tuổi thọ trung bình giảm. Bởi vì các ngành công nghiệp sản xuất trong lịch sử đã chi nhiều cho nghiên cứu và phát triển, một khu vực sản xuất bị suy giảm cũng có thể có nghĩa là ít nghiên cứu, ít đổi mới hơn và tăng trưởng chậm hơn. 

Mặc dù có sự đảm bảo có tính xoa dịu của những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh, theo quan điểm này, thặng dư tài khoản vốn đi kèm với thâm hụt thương mại cũng rất nguy hiểm. Các thực thể của Trung Quốc đang sử dụng dự trữ USD của mình để mua ảnh hưởng chính trị và mua lại các tài sản đáng giá của Mỹ, bao gồm các doanh nghiệp thành công và các công nghệ mới. Và, nợ nước ngoài làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ khi, vì lý do các chiến lược hoặc kinh tế, các nhà đầu tư Trung Quốc không còn hứng thú với các trái phiếu kho bạc và các tài sản định giá bằng đồng USD khác. 

Để giải quyết những vấn đề thực sự và tiềm tàng này, những người theo chủ nghĩa can thiệp toàn bộ lập luận rằng Chính phủ Mỹ cần phải hành động nhằm làm giảm thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc. Việc này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm việc thực sự áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, hoặc như một bước đầu tiên, sử dụng mối đe dọa về thuế quan và mất khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn của Mỹ nhằm buộc Bắc Kinh phải cắt giảm trợ cấp và giảm thuế quan cũng như các rào cản phi thuế quan của chính họ. 

Mặc dù tập trung chủ yếu vào việc tìm cách giảm thâm hụt thương mại song phương và thúc đẩy sản xuất của Mỹ, những người theo chủ nghĩa can thiệp toàn bộ cũng có ý kiến về những vấn đề khác phản ánh những mối quan ngại này. Về FDI, nhiều người sẽ ủng hộ việc mở rộng ủy thác của CFIUS, cho phép nó ngăn chặn các vụ mua lại được đề xuất mà có thể cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận các công nghệ sản xuất tiên tiến, ngay cả khi các công ty Mỹ có liên quan không trực tiếp liên quan đến việc sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự. Các hiệp định thương mại tự do khu vực đa phương như TPP bị hoài nghi. Những thỏa thuận như vậy không làm gì để giải quyết vấn đề mất cân bằng với Trung Quốc và có thể sẽ phục vụ cho lợi ích của các công ty đa quốc gia trên danh nghĩa của Mỹ có các hoạt động ở nước ngoài gây tổn hại cho các ngành công nghiệp sản xuất dựa vào nội địa và công nhân Mỹ. Những người theo chủ nghĩa can thiệp toàn bộ sẵn sàng chào đón sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” đồ sộ của Trung Quốc, miễn là nó sẽ mở cửa cho sự tham gia của các công ty xây dựng và các nhà sản xuất thiết bị của Mỹ. Nếu không, và nếu BRI được kết hợp với các hiệp định thương mại khu vực không bao gồm Mỹ, nó có thể gây tổn hại cho những triển vọng mở rộng xuất khẩu của Mỹ sang các thị trường mới khắp Âu-Á trong khi củng cố thêm vị thế của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Sự can thiệp có mục tiêu 

Những người theo chủ nghĩa can thiệp có mục tiêu ủng hộ hành động của chính phủ thúc đẩy các cơ hội dành cho các công ty của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Theo quan điểm của họ, tiếp tục ám ảnh về các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống, sự thao túng tiền tệ và thâm hụt thương mại song phương đã là quá khứ và phần lớn không quan trọng. 

Không thể phủ nhận sự thành công của Trung Quốc trong việc chi phối nhiều ngành công nghiệp trước đây từ sản xuất da giày và đồ nội thất đến ngành thép và điện tử tiêu dùng. Nhưng đây là những trận chiến của ngày hôm qua. Hiện nay, các nhà đặt kế hoạch kinh tế của Trung Quốc tìm cách đẩy “các nhà vô địch quốc gia” lên dây chuyền giá trị gia tăng vào địa vị nhà lãnh đạo toàn cầu về chất bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, rô bốt và sản xuất thế hệ mới. Nếu thành công, chúng sẽ có những tác động sâu rộng. Những công nghệ này sẽ thúc đẩy năng suất và tiếp sức cho tăng trưởng kinh tế, và các ngành công nghiệp mới mà chúng tạo ra sẽ tạo ra những công việc có thu nhập cao. Một lợi thế trong một số lĩnh vực này cũng có thể cho phép Trung Quốc sản xuất các hệ thống quân sự ưu việt. Cuối cùng, nếu có thể tập trung phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao mới trên chính đất nước mình, Trung Quốc sẽ ít bị tổn thương trước những sự cắt giảm nguồn cung cấp và có thể có được lợi thế quân sự hoặc thương mại bằng cách từ chối hoặc trì hoãn việc tiếp cận các nước khác. 

Sự tập trung quá mức vào việc giảm thâm hụt thương mại che khuất những gì đang bị đe dọa trong giai đoạn cạnh tranh kinh tế quốc tế mới nhất. Cho dù thương mại trở nên cân bằng hơn, nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, người Mỹ có thể tự nhận thấy bị hạ thấp xuống thành vai trò “thân trâu ngựa”, xuất khẩu thực phẩm, sợi, khoáng sản và giấy thải sang Trung Quốc và nhập khẩu các sản phẩm tinh vi như siêu máy tính và xe tự lái. Điều quan trọng nhất không chỉ là sự cân bằng mà còn là cấu tạo của thương mại Mỹ-Trung trong tương lai và cấu trúc đang phát triển của hai nền kinh tế quốc gia. 

Các chính sách công nghiệp “đổi mới mang tính bản địa” của Trung Quốc bắt đầu bằng cách sử dụng đa dạng phương pháp để tiếp cận các công nghệ tiên tiến gồm đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, mua lại các công ty nước ngoài và buộc các công ty chuyển giao công nghệ nếu họ muốn duy trì quyền tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Sẵn có công nghệ, sau đó nhà nước trợ cấp cho việc phát triển năng lực sản xuất trong nước. Để đảm bảo nhu cầu cao ở trong nước, nước này sử dụng một sự kết hợp các hạn chế nhập khẩu, các quy định mua sắm và các quy định khác (bề ngoài thường liên quan đến an ninh) mà khuyến khích các cơ quan chính phủ và người tiêu dùng mua sắm từ các nhà sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất Trung Quốc sau đó có thể bán hàng của họ với mức giá thấp hơn mức giá thị trường ở các thị trường nước ngoài, đẩy các đối thủ cạnh tranh vào cảnh phá sản, hoặc buộc họ phải giảm giá và lợi nhuận đến mức họ không còn khả năng đầu tư cần thiết để duy trì sự đổi mới và duy trì một lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu cuối cùng của các chính sách này, được làm rõ trong các tài liệu như cuốn “Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025” xuất bản gần đây, là nhằm đạt được mức độ tự chủ cao, nếu không nói là hoàn toàn tự chủ, trong một loạt ngành công nghiệp công nghệ cao và thu được một thị phần toàn cầu đáng kể, tăng lợi nhuận của các công ty Trung Quốc và tăng sự phụ thuộc của người nước ngoài vào các sản phẩm của Trung Quốc. 

Những người ủng hộ can thiệp có mục tiêu đề xuất một số phản ứng đối với các sáng kiến của Bắc Kinh. Bảo vệ chống lại nạn đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và trừng phạt những người hưởng lợi từ hành động này bằng cách hạn chế khả năng bán hàng ở thị trường Mỹ, có thể giúp làm chậm dòng chảy bất hợp pháp ý tưởng và thông tin ra ngoài mà đã tiếp sức cho sự phát triển của Trung Quốc. Các cơ chế mới cũng đòi hỏi phải giám sát các nỗ lực của Trung Quốc bòn rút công nghệ từ các công ty Mỹ để đổi lấy sự tiếp cận thị trường và các quyền lực pháp lý mới có thể là cần thiết để ngăn chặn các thỏa thuận phục vụ các lợi ích ngắn hạn của công ty nhưng có thể làm tổn hại đến phúc lợi kinh tế quốc gia cũng như an ninh quốc gia. Thủ tục rà soát FDI cần phải được thắt chặt đáng kể và các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) Trung Quốc phải được giám sát đặc biệt. Như một vấn đề nguyên tắc, Chính phủ Mỹ nên nhấn mạnh vào tác động qua lại, cho phép đầu tư vào các ngành công nghiệp và các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt chỉ khi các công ty Mỹ được có quyền tiếp cận tương đương ở Trung Quốc. 

Mặc dù quan ngại về hiệu quả có thể có của chính sách công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, hầu hết những người ủng hộ can thiệp có mục tiêu không đi xa đến mức đề xuất Washington thông qua một cách tiếp cận tương tự. Phân phối tiền đóng thuế cho một ngành công nghiệp hoặc một công ty mà gây tổn hại cho người khác sẽ gây tranh cãi, tốn kém và không có khả năng chứng minh hiệu quả, đặc biệt là khi đối mặt với các nguồn lực mà Chính phủ Trung Quốc, không bị giới hạn bởi những hạn chế tương tự, có thể huy động để đáp trả. Những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh đúng khi cho rằng chính phủ liên bang nên làm nhiều hơn để củng cố môi trường đổi mới trong nước. Nhưng cũng cần phải tạo ra (hoặc khôi phục) các cơ chế khác để khuyến khích sự phát triển các công nghệ tiên tiến trong nước. Chẳng hạn, như từng làm trong Chiến tranh Lạnh, Washington có thể cần phải đầu tư vào những gì mà một báo cáo gần đây gọi là “những cuộc bắn tên lửa lên mặt trăng” - những dự án đầu cơ lớn có thể mang lại một thị trường ban đầu cho các sản phẩm tiên tiến, cách tân mà nhu cầu thương mại đối với chúng ban đầu là yếu kém. 

Hợp tác với các nước công nghiệp khác cũng sẽ đáng mong muốn. Đặc biệt ở đâu những hành động của Bắc Kinh có thể cho thấy rõ ràng là vi phạm những cam kết của nước này ở WTO, thì một phản ứng chung có thể có một cơ hội thành công tốt hơn. Khi Trung Quốc nỗ lực mở rộng đầu tư và có được các công nghệ ở các nền kinh tế tiên tiến, các chính phủ của họ nên chia sẻ thông tin, đánh giá các quy định của quốc gia và phối hợp các chính sách nhằm cho thấy một mặt trận thống nhất. Nói rộng hơn, bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn cao và loại trừ những nước chưa đáp ứng được chúng, các thỏa thuận thương mại tự do như TPP có thể là một sự khuyến khích thêm cho Trung Quốc thay đổi các đường hướng của nước này. Mục tiêu cuối cùng của tất cả các biện pháp này không phải là bắt chước Trung Quốc hoặc chỉ đơn giản là trừng phạt nước này, mà đúng hơn là khuyến khích các nhà lãnh đạo nước này từ bỏ các chính sách tập quyền của họ, đi theo thị trường và trở nên hội nhập đầy đủ hơn vào một nền kinh tế toàn cầu thực sự mở. 

Can thiệp vì an ninh quốc gia 

Những người phân tích chính sách kinh tế từ góc độ an ninh quốc gia bắt đầu bằng cách lưu ý rằng một nhà nước có GDP lớn nhìn chung sẽ có một thời gian dễ dàng để tạo ra sức mạnh quân sự và duy trì một cuộc xung đột kéo dài hoặc cuộc cạnh tranh vũ trang thời bình hơn so với một quốc gia có GDP nhỏ hơn. Việc Mỹ vươn lên vị trí nổi trội hơn trên toàn cầu vào lúc chuyển giao của thế kỷ 20 đã được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của nước này với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cho dù cuối cùng nước này chắc chắn đánh mất địa vị đó vào tay Trung Quốc, vì các lý do chiến lược, các nhà lãnh đạo Mỹ nên cố gắng giữ được lợi thế này về các nguồn lực tổng thể càng lâu càng tốt. Cách làm việc này rõ ràng nhất là thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ. Thực hiện có chủ đích các bước đi được tạo ra nhằm làm chậm sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ rắc rối và gây tranh cãi hơn. Tuy nhiên, bởi vì điều quan trọng nhất trong lĩnh vực chiến lược này là những thành quả tương đối trong tiềm năng sức mạnh quốc gia, trái với những cải thiện tuyệt đối về phúc lợi quốc gia, các chính sách như vậy có thể được biện minh trên cơ sở chiến lược và việc này có thể đúng cho dù chúng dẫn đến một số, nhưng tương đối ít hơn, sự suy giảm trong tăng trưởng của Mỹ. 

Những quan sát này có những tác động đối với suy nghĩ về ảnh hưởng của thương mại và thâm hụt thương mại lên an ninh quốc gia. Như những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh chỉ ra, áp đặt thuế quan hoặc thực hiện các bước khác để giảm sự mất cân bằng với chỉ riêng Trung Quốc, mà không điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản, chỉ đơn giản là chuyển sự thâm hụt sang các nước khác. Tuy nhiên, nếu một số trong những nước này là các đối tác an ninh của Mỹ, một sự phát triển như vậy có thể là đáng mong muốn vì các lý do chiến lược. Chẳng hạn, nếu xuất khẩu sang Mỹ gia tăng dẫn đến tăng trưởng nhanh hơn ở Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, sẽ dễ dàng hơn để các nước này đáp ứng ngân sách quốc phòng lớn hơn, qua đó giúp duy trì sự cân bằng sức mạnh có lợi với Trung Quốc. Ngược lại, sự thắt chặt thị trường của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và gánh nặng quốc phòng cao hơn ở Trung Quốc. 

Tác động có thể có của thương mại với Trung Quốc lên nền tảng công nghiệp của Mỹ là một nguyên nhân tiềm ẩn nữa gây quan ngại. Theo thời gian, cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ có thể làm giảm khả năng sản xuất trong nước một số kim loại, nguyên vật liệu, và các bộ phận cần thiết để chế tạo vũ khí và các trang thiết bị quân sự khác. 

Trong một cuộc khủng hoảng hoặc một cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai, việc thiếu các nhà cung cấp nội địa có thể khiến Mỹ khó có thể duy trì hoặc gia tăng sản lượng vũ khí. Toàn cầu hóa chuỗi cung ứng cũng làm tăng nguy cơ Trung Quốc hoặc một cường quốc nước ngoài thù địch khác có thể dễ dàng hơn đưa các thành phần hoặc các bộ phận phụ bị ô nhiễm vào các hệ thống vũ khí của Mỹ, có khả năng đe dọa hiệu suất của chúng trong thời chiến. 

Những người ủng hộ tự do kinh doanh chỉ ra rằng các tuyên bố về tính thiết yếu của quốc phòng có thể quá dễ dàng bị các ngành công nghiệp tìm kiếm sự bảo hộ (và các chính trị gia tìm cách ghi điểm với các cử tri trong nước) lạm dụng. Bất kể mối quan ngại này, những người theo chủ nghĩa can thiệp về an ninh quốc gia lập luận rằng chính phủ liên bang nên cung cấp cứu trợ cho các ngành công nghiệp nội địa đang chịu áp lực từ cuộc cạnh tranh nước ngoài nếu sản phẩm của họ có thể cho thấy là cần thiết cho quốc phòng. 

Giống như những người “họ hàng” theo chủ nghĩa can thiệp toàn bộ của mình, những người theo chủ nghĩa can thiệp về an ninh quốc gia tin rằng những rủi ro liên quan đến sự mất cân bằng tài khoản vốn đi kèm với thâm hụt thương mại là một nguyên nhân chính đáng cho mối quan ngại chiến lược. Đối với những người còn nhớ lịch sử Chiến tranh Lạnh, thì sự suy nghĩ rằng “sự cân bằng của nỗi khiếp sợ về tài chính” hiện nay đang tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc không làm yên lòng. Những sự cân bằng như vậy có thể sụp đổ, dù là tình cờ, tính toán sai lầm hay do kết quả của một quyết định có chủ đích bởi bên này hoặc bên kia mà những cái giá của thảm hoạ diễn ra sau đó đối với đối thủ của nó sẽ lớn hơn đối với chính nó. Nếu mọi thứ khác đều ngang bằng, thì sẽ tốt hơn nếu Mỹ không lún sâu vào nợ nần với đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của mình. 

Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã tìm cách duy trì một lợi thế về công nghệ trước các đối thủ quân sự tiềm tàng. Những nỗ lực hiện nay chống lại khả năng chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) của Trung Quốc (“chiến lược bù đắp thứ 3”) dựa vào việc có được những lợi thế như vậy, tuy nhiên việc này có thể trở nên khó khăn hơn trong tương lai so với trong quá khứ. Như đã đúng trong những năm 1970 và 1980, nhiều công nghệ có liên quan về mặt chiến lược ngày nay được phát triển trước hết trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, rõ ràng là trái ngược với Liên Xô trong các giai đoạn sau của Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận với phần lớn những công nghệ này, dù là thông qua nỗ lực của các doanh nghiệp của mình hay thông qua chuyển giao công nghệ qua nhiều kênh công khai và bí mật. 

Việc duy trì lợi thế về chất sẽ đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ Mỹ phát triển và áp dụng các công nghệ có liên quan, trong khi làm chậm lại tốc độ chúng phổ biến sang Trung Quốc. Việc này sẽ đòi hỏi phải có các biện pháp được tạo ra để thúc đẩy bầu không khí đổi mới của Mỹ giống như những gì được những người ủng hộ tự do kinh doanh và can thiệp có mục tiêu ủng hộ. Cũng như trong Chiến tranh Lạnh, chính phủ liên bang cũng sẽ phải hỗ trợ phát triển các công nghệ cụ thể được cho là quan trọng với an ninh quốc gia, nhưng ở đó, các chính sách khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân có thể không đủ hoặc ở đó các chính sách công nghiệp có mục tiêu của chính Trung Quốc đe doạ mang lại cho nước này một sự lãnh đạo mang tính quyết định. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ sẽ cần phải tạo ra các cơ chế mới để xác định và đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ được phát triển ban đầu cho mục đích thương mại mà có thể nâng cao hiệu suất của các hệ thống quân sự. Trong một thế giới mà trong đó bản thân các công nghệ có thể sẵn có một cách rộng rãi hơn, lợi thế có thể đến với bên nào có thể xác định và khai thác tiềm năng chiến lược của chúng tốt hơn và nhanh hơn so với các đối thủ tiềm tàng của nó. 

Làm chậm lại việc phổ biến các công nghệ có liên quan về mặt chiến lược tới Trung Quốc sẽ khó khăn hơn so với trong quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể thực hiện được. Mỹ và các đồng minh then chốt vẫn có những lợi thế quan trọng và đáng kể về mặt chiến lược mà họ cần tìm cách bảo vệ. Điều này đòi hỏi một số bước bao gồm: tăng cường an ninh mạng, tăng cường bảo vệ chống lại các hình thức gián điệp khoa học và thương mại truyền thống hơn, giám sát nghiên cứu và trao đổi giáo dục, mở rộng phạm vi các cuộc điều tra của CFIUS để đưa vào các hoạt động ngoại trừ các vụ sáp nhập và mua lại, cân nhắc các luật mới nhằm giới hạn khả năng của các công ty Mỹ phải đáp ứng những nhu cầu của Trung Quốc về chuyển giao công nghệ mang tính ép buộc và hợp tác với các nước thân thiện để tạo ra một hệ thống kiểm soát xuất khẩu mới và tập trung hơn. 

Theo điểm lợi thế của an ninh quốc gia, có nhiều lý do để ủng hộ các hiệp định thương mại tự do và cảnh giác với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Ngoài những cái giá và lợi ích về kinh tế, các FTA có thể là những biểu hiện của cam kết của Mỹ với phúc lợi cũng như an ninh của bạn bè và các đồng minh. Giảm các rào cản còn lại đối với thương mại và đầu tư với các nước châu Á thân thiện có thể giúp hạn chế sự phụ thuộc về kinh tế của họ vào Trung Quốc. Như Ashley Tellis của Tổ chức Carnegie về Hòa bình Quốc tế đã lập luận, các hiệp định thương mại tự do khu vực không bao gồm Trung Quốc, như TPP hiện tại đã ngừng hoạt động, cũng có thể tạo ra những thành quả tương đối có ý nghĩa chiến lược, tăng tốc độ tăng trưởng cho Mỹ và bạn bè và các đồng minh, nhưng không phải cho Trung Quốc. 

Bất kể những động cơ kinh tế của nó, BRI cũng được thúc đẩy bởi những cân nhắc về địa chính trị, bao gồm mong muốn giảm bớt tính dễ bị tổn thương trước sự cản trở vận chuyển trên biển đối với các nguồn cung cấp năng lượng và tài nguyên, ổn định các nước láng giềng của Trung Quốc và thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Âu và Trung Đông. Nếu Bắc Kinh có thể đạt được những mục tiêu này, nước này sẽ có vị thế tốt hơn để cạnh tranh giành ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu với Mỹ. Tuy nhiên, nếu nước này kết thúc với việc lãng phí một số tiền khổng lồ cho các dự án thất bại, hoặc buộc phải bảo vệ các dự án và nhân sự ở xa xôi của mình, thì vị thế chiến lược của Trung Quốc có thể sẽ suy yếu đáng kể. Vì những lý do này, Mỹ và các đồng minh nên tránh làm bất cứ điều gì để Trung Quốc hoàn thành các kế hoạch tham vọng của họ về một trật tự Á-Âu mới một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn. 

Kết luận 

Sau một năm cầm quyền, Chính quyền Trump vẫn bị chia rẽ ở mức cao nhất giữa những người có thể được mô tả tốt nhất là những người ủng hộ chủ nghĩa can thiệp toàn bộ (bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro và chính tổng thống) và những người có xu hướng nghiêng về chính sách tự do kinh doanh (bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn). Ít nhất là trong thời điểm này, hai nhóm ảnh hưởng bù trừ này dường như cân bằng nhau, loại bỏ việc xem xét nghiêm túc các lựa chọn hoặc không làm gì cả trong khi duy trì hiện trạng đối với Trung Quốc, hoặc gây ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn lực với những hạn chế toàn diện về nhập khẩu và đầu tư. 

Thay vào đó, chính quyền đã lựa chọn thăm dò một số khả năng có các hành động có tiêu điểm hẹp hơn có thể được biện minh trên cơ sở an ninh quốc gia hoặc can thiệp có mục tiêu. Vì vậy, vào tháng 4/2017, Bộ Thương mại đã tiến hành các cuộc điều tra về những tác động về an ninh quốc gia có thể có của nhập khẩu thép và nhôm chi phí thấp, và trong tháng 7/2017, bộ này đã yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo một nghiên cứu liên ngành nhằm “đánh giá và tăng cường cơ sở công nghiệp sản xuất và quốc phòng và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của Mỹ”. CFIUS hiển nhiên đang có lập trường cứng rắn hơn đối với những đầu tư được đề xuất của Trung Quốc, bao gồm chất bán dẫn và các ngành công nghiệp khác được cho là nhạy cảm trên cơ sở an ninh quốc gia. Vào tháng 9/2017, Tổng thống Trump đã thực hiện bước đi bất thường ra lệnh ngăn cản việc bán một cơ sở sản xuất vi mạch có trụ sở tại Mỹ cho một công ty đầu tư mạo hiểm có mối quan hệ với Trung Quốc, ủng hộ một khuyến cáo của CFIUS mà đã bị các bên tham gia thỏa thuận thách thức. Nghe nói chính phủ đang suy nghĩ về việc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước có các khoản đầu tư được đề xuất sẽ phải được giám sát thêm. Cuối cùng, trong một động thái có thể có các hậu quả có ảnh hưởng sâu rộng, Đại diện thương mại Mỹ đã bắt đầu điều tra về “các hành động, chính sách và thực tiễn liên quan đến chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và đổi mới của Bắc Kinh", bao gồm cái được cho là đánh cắp và chuyển giao ép buộc quyền sở hữu trí tuệ, FDI do chính phủ tài trợ, và sự đối xử không công bằng với các công ty Mỹ ở Trung Quốc. Trong bài viết này, vẫn chưa rõ cái gì sẽ xuất hiện từ những sáng kiến này nhưng có 3 khả năng là: 

Bất chấp những phát hiện của các nghiên cứu khác nhau hiện đang được tiến hành, và bất chấp những động lực và khuynh hướng rõ ràng của chính tổng thống, cuối cùng, Nhà Trắng có thể quyết định hầu như không làm gì, có lẽ tiếp tục xem xét các khoản đầu tư được đề xuất của Trung Quốc chặt chẽ hơn trên cơ sở tùy từng trường hợp nhưng không áp đặt mức thuế quan mang tính bảo hộ hoặc trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Một kết quả như vậy có thể bắt nguồn từ của sự quan ngại về tác động của các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Mỹ và các nền kinh tế thân thiện khác, hoặc từ sự không chắc chắn về phản ứng có thể xảy ra từ Trung Quốc hoặc vì chính quyền vẫn hy vọng có được những nhượng bộ có giá trị từ Bắc Kinh đối với nhiều vấn đề phi kinh tế, có thể bao gồm cả tình trạng bế tắc hạt nhân Triều Tiên. 

Bất kể tất cả những cân nhắc này, và cảnh báo từ những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh, Tổng thống Trump và một số cố vấn cấp cao của ông rõ ràng là muốn giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và nói chung hơn là điều chỉnh các dòng thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước theo các cách khiến chúng dường như “công bằng hơn” và thậm chí cân bằng hơn. Sau nhiều lần do dự, chính quyền có thể áp thuế đối với nhiều loại hàng nhập khẩu của Trung Quốc và chính thức hoá các quy tắc và thủ tục mới, khiến cho các công ty Trung Quốc khó đầu tư hơn vào Mỹ. Bắc Kinh có thể phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình, có thể dẫn đến một loạt trao đổi “ăn miếng trả miếng”. 

Giả sử nước này muốn tránh những cái giá và những rủi ro đi cùng một kịch bản như vậy, sau khi gia tăng áp lực bằng một loạt mối đe dọa và yêu cầu, Chính quyền Trump cuối cùng có thể quyết định chấp nhận những đề nghị của Trung Quốc về những bước đền bù mà sẽ làm giảm những sự mất cân bằng hiện nay. Tổng thống nghe nói đã từ chối đề nghị của Trung Quốc giảm bớt công suất sản xuất thép dư thừa, nhưng đây có thể đơn giản là một động thái mặc cả nhằm mục đích mang lại những sự nhượng bộ lớn hơn. Do khả năng kiểm soát nền kinh tế quốc gia của mình, Bắc Kinh có thể hứa hẹn tiến xa hơn, có lẽ là đề nghị hạn chế khối lượng hoặc giá trị xuất khẩu một số mặt hàng nhất định sang thị trường Mỹ, cam kết nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ (kể cả từ các cơ sở sản xuất của Trung Quốc trên đất Mỹ mà sử dụng lao động Mỹ), hoặc dường như thỏa mãn các nhu cầu về đầu tư qua lại lớn hơn bằng cách nới lỏng những hạn chế về khả năng của các công ty Mỹ mua tài sản và thiết lập các hoạt động ở Trung Quốc. Mong muốn giành được sự ủng hộ của Washington đối với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của mình, các quan chức Trung Quốc cũng có thể đưa ra triển vọng về sự tham gia lớn hơn của Mỹ vào một số dự án sẽ được đưa ra dưới sự bảo trợ của nước này. Một “cuộc đại mặc cả” về các vấn đề kinh tế với Trung Quốc có thể hấp dẫn đối với một chính quyền háo hức muốn “thắng” và nóng lòng cho các cử tri cứng rắn trong nước thấy ít nhất là bề ngoài của kết quả. Tuy nhiên, những lợi ích của nó sẽ hạn chế và do những khó khăn không thể tránh khỏi trong việc thực thi, nó có thể tỏ ra là không tồn tại lâu. 

Bất kể quá trình hiện tại diễn ra như thế nào, một chiến lược kinh tế toàn diện đối phó với Trung Quốc sẽ đòi hỏi nhiều hơn một loạt động thái nhằm mục đích thay đổi các mô hình thương mại và đầu tư song phương. Mỹ có thể tăng cường đòn bẩy của mình bằng cách làm việc chặt chẽ với các nước có cùng quan điểm khác. Tuy nhiên, phù hợp với ý định đã được tuyên bố “Nước Mỹ trước tiên”, chính quyền cho đến nay đã cho thấy không quan tâm đến việc hợp lực với các đồng minh Mỹ ở châu Á và châu Âu nhằm tạo ra một cách tiếp cận chung để đối phó với những hành vi thương mại trục lợi của Trung Quốc, làm chậm nỗ lực của họ thu thập các công nghệ tiên tiến và thống trị các ngành công nghiệp đang nổi lên và chống lại các nỗ lực xây dựng trật tự khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm. Ngược lại, thông qua việc từ bỏ TPP và quyết tâm rõ ràng tái đàm phán về hiệp định thương mại Hàn Quốc-Mỹ, trong số các động thái khác, Washington đã gửi một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng ít nhất trong các vấn đề kinh tế, các nước bạn bè cần phải tự lực cánh sinh. Bắc Kinh đã làm việc rất chăm chỉ để tận dụng những sự chia rẽ do kết quả của điều đó vì những lợi ích của nước này. Nó cũng lợi dụng sự thụ động và sự không chắc chắn của Mỹ để làm cho những nước khác ủng hộ BRI. 

Một chiến lược thành công của Mỹ cũng phải có một khía cạnh trong nước. Ở đây cũng vậy, cách tiếp cận của chính quyền cho đến nay là chưa hoàn thiện. Các đề xuất ngân sách của họ hầu như không đảm bảo rằng chúng sẽ giảm khoảng cách giữa chi tiêu chính phủ và thuế, “hành động tiêu tiền dành dụm số lượng lớn và tiếp diễn” đang giúp thúc đẩy thâm hụt thương mại. Cũng không rõ chính việc áp đặt hình phạt có hiêu lực từ trước đối với hành vi đánh cắp hoặc tước đoạt quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp các công ty Mỹ đạt được và duy trì lợi thế trong thế hệ công nghệ quan trọng tiếp theo như thế nào. Điều đó cũng sẽ đòi hỏi phải có các chính sách đối với giáo dục, nghiên cứu cơ bản, và nhập cư rất khác với những chính sách mà chính phủ liên bang hiện giờ dường như dự định theo đuổi. 

Chính quyền Trump xứng đáng nhận được sự tín nhiệm trong việc nâng cao nhận thức về thách thức mà các chính sách kinh tế của Trung Quốc gây ra cho phúc lợi và an ninh của Mỹ. Vẫn còn phải xem xem liệu nó có thể tạo ra một phản ứng bền vững và hiệu quả đối với thách thức đó - một phản ứng tổng hợp và làm cân bằng các khía cạnh của mỗi một trong bốn trường phái tư duy – hay không.

Aaron L Friedberg là giáo sư về các vấn đề quốc tế và chính trị trường Đại học Princeton. Bài viết được đăng trên  Washington Quarterly, số mùa Đông 2018, tr.97-114.

Trần Quang (gt)