Tình hình nổi bật

Người phát ngôn BNG Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 30/4 cho rằng cáo buộc của Philippines về việc tàu Trung Quốc chĩa radar vào tàu của Philippines trên Biển Đông là không đúng sự thật; tàu quân sự Trung Quốc thực hiện chấp pháp bình thường tại vùng biển liên quan thuộc quần đảo Nam Sa (Trường Sa), phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Philippines tôn trọng sự thật, không có những phát biểu vô căn cứ.

Người phát ngôn BQP Trung Quốc Ngô Khiêm, ngày 30/4, trả lời trong họp báo thường kỳ về việc Mỹ huấn luyện và diễn tập cùng hải quân Úc trên Biển Đông, cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ, Úc cùng một số nước thời gian qua liên tiếp gia tăng hiện diện quân sự; cho rằng điều này không có lợi cho an ninh, ổn định tại Biển Đông. Mỹ là bên thúc đẩy mạnh nhất “quân sự hóa” ở Biển Đông, là “kẻ gây phiền phức” cho hòa bình, ổn định ở khu vực.

 

Theo thông tin từ Mạng tin tức Trung Quốc, ngày 1/5, hơn 16,000 tàu cá của tỉnh Hải Nam quay về bờ khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện “mùa nghỉ đánh cá” trên biển. Từ 12h00 ngày 1/5, Nam Hải (Biển Đông) sẽ bước vào đợt nghỉ đánh bắt cá kéo dài 3 tháng rưỡi. Năm nay là năm thứ 22 Trung Quốc thực hiện chế độ này.

Mạng Tân Hoa Xã ngày 4/5 cho biết biên đội hộ vệ thứ 35 của Hải quân Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako và eo biển Ba Sĩ, tiến vào Biển Đông để huấn luyện. Ngày 2/5, biên đội gồm tàu chiến Thái Nguyên, JingZhou và ChaoHu đã tiến hành diễn tập cứu hộ tàu thuyền, phối hợp chống hải tặc, sử dụng vũ khí thực tế và thực hiện nhiều hạng mục huấn luyện khác trên một vùng biển tại Biển Đông.

Tàu khảo sát địa chất HD8 của Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Malaysia bước sang ngày thứ 19 (tính đến ngày 4/5). Dữ liệu cho thấy, từ 02:32 giờ theo giờ UTC ngày 4/5, tàu HD8 đã bắt đầu đường đi mới. Hướng chi chuyển theo phương dọc, giống như hướng di chuyển những ngày trước đó.

Tổng Lãnh sự Indonesia tại Việt Nam Hanif Salim, ngày 2/5 đã gửi thư cảm ơn Bộ đội Biên phòng Việt Nam cứu nạn, tiếp nhận và chăm sóc sức khỏe cho 5 công dân Indonesia bị chìm tàu trên vùng biển Sóc Trăng vào chiều 27/4.

Hai oanh tạc cơ B-1B Lancer của Không quân Mỹ, ngày 30/4, đã từ Căn cứ Ellsworth thực hiện chuyến bay kéo dài 32 giờ để tiến hành nhiệm vụ tại Biển Đông.

Không quân Mỹ ngày 1/5 triển khai tạm thời Phi đội Oanh tạc cơ B-1B tới Guam. Tuyên bố của Không quân Mỹ: “4 chiếc oanh tạc cơ B-1B Lancer và 200 binh sĩ thuộc Phi đoàn ném bom số 9 được điều tới khu vực để tăng cường hoạt động huấn luyện cho các đồng minh, đối tác và củng cố trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua các nhiệm vụ răn đe chiến lược.”

Góc nhìn Quốc tế

+ Đông Nam Á:

Học giả Mico Galang, Đại học Quốc phòng Quốc gia Philippines, ngày 1/5 trên trang AMTI cho rằng Việt Nam và Philippines có 4 cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược: (i) Hợp tác định hình chương trình nghị sự của ADMM, đặc biệt là an ninh hàng hải; (ii) Thúc đẩy phối hợp thực thi các sáng kiến ADMM góp phần giải quyết căng thẳng ở Biển Đông; (iii) Thúc đẩy lập trường ASEAN trong đàm phán COC; và (iv) Chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì các cơ chế và hoạt động hợp tác quân sự.

Damos Agusman, Vụ trưởng Vụ luật pháp quốc tế, BNG Indonesia, ngày 2/5 trên Twitter, phản đối ý kiến của học giả Trung Quốc biện minh cho lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc; cho rằng phạm vi lệnh đánh bắt cá của Trung Quốc chỉ là các vùng biển thuộc phạm vi quyền tài phán nước này, bao gồm: (i) vùng nội thuỷ và lãnh hải tính từ Trung Quốc đại lục và (ii) vùng nội thuỷ và lãnh hải tính từ các thực thể thuộc chủ quyền của Trung Quốc trên biển.

Damos Agusman, Vụ trưởng Vụ luật pháp quốc tế, BNG Indonesia, ngày 3/5 trên Twitter, bình luận về ý kiến của AsiaTimes rằng Trung Quốc lợi dụng tranh chấp trên biển giữa Indonesia và Việt Nam để chia rẽ các nước này, cho rằng hoạt động đánh bắt cá trái phép của Việt Nam xuất phát từ chính ngư dân, không phải là hành vi mang tính Nhà nước. Trong khi đó, đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc nhằm khẳng định Yêu sách Đường 9 đoạn là hành vi của Nhà nước, và đây là một vấn đề của luật pháp quốc tế.

+ Châu Âu - Mỹ:

Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải - AMTI (Mỹ), ngày 30/4, nhận định nhiều khả năng tàu HD8 và các tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc sẽ dừng hoạt động khi giàn khoan West Capella của Malaysia rút khỏi khu vực, tương tự vụ việc HD8 năm 2019. Giả sử hoạt động của giàn khoan West Capella không bị hoạt động sách nhiễu của Trung Quốc cản trở đáng kể, nhiều khả năng các bên sẽ rời đi trong tháng 5.

Học giả Timothy Heath, Viện RAND (Mỹ), ngày 30/4, nhận định việc hải quân Mỹ tiến hành hai hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trong hai ngày liên tiếp là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận mới của Lầu Năm Góc, đó là: "Chiến lược dễ đoán, hành động khó đoán".

Học giả Derek Grossman, Viện RAND (Mỹ), ngày 30/4, cho rằng hoạt động gần đây của hải quân Mỹ là để phản ứng với việc Trung Quốc tìm cách trục lợi khi các bên có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông đang bị phân tâm bởi đại dịch Covid-19.

GS Jonathan Odom, Trung tâm châu Âu về nghiên cứu an ninh George Marshall (Mỹ), ngày 30/4, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng “nguy cơ xung đột” như một thứ vũ khí nhắm vào các nước láng giềng; khiến một số nước e ngại, tránh xung đột. Ông cho rằng Mỹ có năng lực quân sự và quyết tâm chính trị để không rời bỏ các khu vực mà Mỹ và các đồng minh có lợi ích.

Nhà báo David Hutt của Tạp chí The Diplomat (Mỹ), ngày 1/5 cho rằng việc Việt Nam kéo dài thêm nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN sẽ có lợi cho các nước Đông Nam Á trong việc (i) ngăn Trung Quốc lợi dụng tình hình và thúc đẩy COC theo hướng có lợi cho Trung Quốc; (ii) Việt Nam có vai trò quan trọng trong trường hợp Mỹ muốn tái thiết lập chương trình nghị sự ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những trở ngại bao gồm thuyết phục Brunei và các nước trong khối tán thành đề xuất này; và nguy cơ Bắc Kinh gây áp lực lên các nước đồng minh để ngăn chặn Việt Nam kéo dài nhiệm kỳ.

Học giả Prashanth Parameswaran, Viện Wilson (Mỹ), ngày 1/5, đánh giá việc Trung Quốc cử đội tàu HD8 gây sức ép đối với hoạt động dầu khí của Malaysia có ý nghĩa quan trọng với Malaysia ở 2 điểm: (i) Diễn biến này khiến Malaysia hiểu rõ hơn thách thức mà nước này phải xử lý trong việc điều chỉnh chính sách Biển Đông và quan hệ Malaysia-Trung Quốc; và (ii) Đây là bài kiểm tra lớn đầu tiên liên quan tới Biển Đông mà của chính phủ mới tại Malaysia.

Hạ nghị sĩ Joaquin Castro, đại diện cho Đảng Dân chủ thuộc bang Texas (Mỹ), ngày 1/5 khi trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, khẳng định ông luôn phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền, đi ngược lại luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ, làm thay đổi nguyên trạng và gây bất ổn khu vực.

Học giả Bonnie Glaser, Viện CSIS (Mỹ), ngày 1/5, đánh giá các động thái hung hăng gần đây của Trung Quốc không thể hiện rằng nước này đang lợi dụng dịch Covid-19 để tăng cường vị thế trên Biển Đông. Mục tiêu của Trung Quốc là nhất quán. Các nước bị chèn ép nên hợp tác để chống lại và phản đối sự đe dọa từ Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cường quốc ngoài Đông Nam Á như Mỹ, Nhật Bản hay Úc.

Học giả Derek Grossman, Viện RAND (Mỹ), ngày 1/5, cho rằng vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam cho thấy “Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để đảm bảo yêu sách Biển Đông”. Để ngăn cản Trung Quốc, phải có “hành động phối hợp của các cường quốc có cùng chính kiến, bao gồm ít nhất  Mỹ, Úc, Nhật Bản”. 

Chuyên gia Ben Lowsen, Không quân Mỹ, ngày 2/5, nhận định lý do gần đây Trung Quốc có nhiều bước đi quyết đoán trên biển là bởi Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu đến các nước láng giềng rằng không nên can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc tại thời điểm này. Theo ông, hiện nay Trung Quốc đang gặp thách thức nghiêm trọng hơn cả giai đoạn xảy ra vụ Thiên An Môn bởi nền kinh tế đang trong tình trạng báo động và sức ép từ bên ngoài ngày một gia tăng.

Gregory Poling, Sáng kiến AMTI (Mỹ), ngày 2/5, bình luận về các báo cáo gần đây của SCSPI (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) về việc Việt Nam âm thầm mở rộng hoạt động của lực lượng dân quân biển, cho rằng các thông tin này không có cơ sở hoặc là một chiến dịch tuyên truyền, đưa tin sai lệch có chủ đích. Ông cho rằng Việt Nam có lực lượng dân quân biển và phát triển mạnh sau sự kiện HD981 năm 2014; nhưng các bằng chứng cho thấy dân quân biển của Việt Nam không mạnh và hoạt động tích cực ở vùng biển tranh chấp như của Trung quốc. SCSPI đã đánh lận giữa ngư dân và dân binh; qui kết tất cả các tàu có số MMSI của Việt Nam là dân binh mà không xác định xem tàu đó đang làm gì (có thể tàu chỉ đang di chuyển hợp pháp trên biển).

GS. Jonathan Odom (Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall, Mỹ), ngày 2/5, bình luận về việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá: “Đây là hành động đơn phương mới nhất của Trung Quốc nhằm củng cố sự ảo tưởng về tính hiệu quả (của việc kiểm soát các khu vực tranh chấp) tương tự như đặt tên các thực thể chìm, hay thành lập đơn vị hành chính Tam Sa...”

Greg Poling, (AMTI, Mỹ), Bec Strating (chuyên gia Biển Đông tại Đại học La Trobe, Úc), Michael O’Hanlon (Brookings, Mỹ), ngày 4/5, cho rằng hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây thúc đẩy các nước chống lại Trung Quốc. Greg Poling cho rằng “Mỹ đang nhìn thấy một cơ hội chớp nhoáng khi chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á gặp vướng mắc”. Bec Strating đánh giá “Philippines ủng hộ Việt Nam trong vụ tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc đâm chìm; Úc tham gia tập trận chung với Mỹ tại vùng biển đang xảy ra tranh chấp.” Michael O’Hanlon cho rằng “Hành vi của Trung Quốc đem lại lợi thế thương lượng lớn hơn nhiều cho Mỹ”.

 

+ Các nước khác:

Học giả John Mcbeth, New Zealand, ngày 03/05 trên Asiatimes, nhận định Trung Quốc áp dụng “chia và trị” tại Biển Đông: lợi dụng va chạm trên biển giữa Indonesia và Việt Nam để truyền thông rầm rộ, làm trầm trọng thêm tình hình; triển khai tàu tới khu vực hoạt động của tàu West Capella trong vùng biển của Malaysia; đưa tàu sân bay Liêu Ninh tới vùng biển gần Indonesia nhằm đe dọa các quốc gia có yêu sách khác. Đồng thời, Viện nghiên cứu Biển trường Đại học Bắc Kinh tranh thủ vẽ lại và công bố bản đồ biển gây tranh cãi, cơ bản mô tả Đường 9 đoạn cùng các đường phân định mơ hồ được Trung Quốc đơn phương sử dụng.

GS. Carlyle Thayer, Đại học New South Wales (Úc), ngày 1/05, cho rằng hành động gần đây của Trung Quốc là khiêu khích và không có cơ sở luật pháp quốc tế. Luật Quốc tế không công nhận chủ quyền có được từ việc xâm chiếm và hành động của Bắc Kinh vi phạm Điều 5 DOC năm 2012 giữa Trung Quốc và ASEAN. Những hành động đơn phương của Trung Quốc làm phức tạp hóa tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông cảnh báo việc Trung Quốc tuyên bố thành lập một quân hành chính mới là bước đi phủ đầu, nhằm gạt bỏ các yêu sách của Việt Nam và Philippines.

NCS. Pratnashree Basu, Sáng kiến Nghiên cứu khu vực láng giềng của ORF (Ấn Độ), ngày 30/4, suy đoán rằng thế giới hậu Covid-19 sẽ chứng kiến một Trung Quốc hung hăng hơn, sẵn sàng khai thác “những điểm yếu của thị trường tự do” để bù đắp cho mất mát của mình. Trung Quốc vẫn không ngừng sử dụng chiến lược “lát cắt salami ở Biển Đông” và tiếp tục thử quyết tâm của các quốc gia như Việt Nam và Indonesia.

GS. Pankaj Jha, Khoa Quan hệ quốc tế, trường Đại học Toàn cầu Jindal (Ấn Độ), ngày 27/4, cho rằng hành động của Trung Quốc nhằm đe dọa Việt Nam trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN không đưa ra một tuyên bố cứng rắn cũng như buộc phải tuân thủ những yêu cầu của Trung Quốc.

Cận cảnh Biển Đông

Hình ảnh từ vệ tinh Sentinel 2 L1C ngày 3/5 cho thấy, rất nhiều tàu chưa rõ nguồn gốc đang tập trung tại Đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn.


 

 Bản PDF tại đây

 

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

 

 

 "Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin  giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

 

 

 

 

 Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn