096163-china-military.jpg

Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện do Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) xét xử. Nước này đã lên án phán quyết có lợi cho Philippines hôm 12/7 của Tòa như một “trò hề”, và rằng nó không có cơ sở pháp và là một phần của âm mưu chống Trung Quốc do Washington vạch ra. Phán quyết này đã kích động làn sóng chủ nghĩa dân tộc, các cuộc biểu tình ở nhiều nơi và các bài xã luận với lời lẽ kích động trên truyền thông nhà nước Trung Quốc. Đến nay, Bắc Kinh chưa tỏ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn tiến hành hành động mạnh mẽ hơn. Thay vào đó, nuowcs nayf đã kêu gọi áp dụng giải pháp hòa bình thông qua đàm phán đồng thời cam kết bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các cuộc phỏng vấn với bốn nguồn tin thân cận với quân đội và ban lãnh đạo, một số thành phần trong lực lượng quân đội Trung Quốc đang hối thúc nước này đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn - có khả năng sử dụng lực lượng vũ trang - nhằm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tìm cách tranh thủ và củng cố triệt để quyền lãnh đạo của ông đối với PLA và hiện không có thách thức nghiêm trọng nào đe dọa quyền chỉ huy của ông. Mặc dù ông đang giám sát các cuộc cải cách sâu rộng trong quân đội để cải thiện năng lực của PLA với mục tiêu giành chiến thắng trong các cuộc chiến, nhưng ông nói rằng Trung Quốc cần một môi trường bên ngoài ổn định trong bối cảnh nước này đang giải quyết các vấn đề phát triển trong nước, bao gồm nền kinh tế giảm tốc. Tuy nhiên, cách phản ứng cứng rắn của một số nhật vật trước phán quyết của Tòa làm gia tăng nguy cơ các hành động khiêu khích hoặc các vụ đụng độ vô tình ở Biển Đông có thể leo thang thành cuộc xung đột nghiêm trọng hơn.

Một nguồn tin khác có quan hệ với ban lãnh đạo Trung Quốc đã mô tả xu hướng quan điểm trong PLA là mang tính diều hâu. Người này nói: “Mỹ sẽ làm những gì họ phải làm. Chúng ta cũng sẽ làm những gì chúng ta phải làm. Toàn bộ lực lượng quân đội đã được củng cố. Đây là sự mất thể diện rất lớn”. Khi được hỏi liệu có phải PLA đang hối thúc phản ứng mạnh mẽ hơn hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân lặp lại nhiều lần rằng lực lượng vũ trang sẽ bảo vệ tuyệt đối lãnh thổ và chủ quyền trên biển của Trung Quốc, đảm bảo hòa bình và ổn định trong lúc đối phó với các mối đe dọa hoặc thách thức.

Hiện vẫn chưa rõ chính xác các nhân vật bảo thủ trong quân đội đang xem xét tiến hành biện pháp nào. Nhiều sự chú ý đang tập trung vào khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, theo đó sẽ yêu cầu các máy bay quốc tế phải tự thông báo lịch trình bay cho các nhà chức trách Trung Quốc. Theo các nguồn tin có liên hệ với PLA, một số lựa chọn khác bao gồm triển khai máy bay ném bom chở tên lửa hành trình, có khả năng bắn tới các mục tiêu ở Philippines hoặc Việt Nam, đi tuần tra Biển Đông.

Đại tá về hưu Yue Gang cho rằng tuyên bố của Trung Quốc cam kết sẽ tiến hành tuần tra đều đặn trên không ở khu vực này cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách phủ nhận quyền vượt trội trên không của Mỹ nhờ các tàu sân bay. Ông thêm rằng Trung Quốc đủ tự tin để kích động cuộc đối đầu và đuổi Mỹ khỏi đây. Li Jinming, chuyên gia của Viện nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Hạ Môn, viết trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung Quốc: “Chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài và coi đây là bước ngoặt trong chiến lược quân sự trên Biển Hoa Nam”.

Bất chấp những đe dọa sử dụng vũ lực, hiện vẫn chưa có động thái quân sự mạnh mẽ nào có thể gây leo thang căng thẳng. Các nhà ngoại giao và các nguồn tin nói rằng ban lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ mối nguy hiểm của cuộc đụng độ. Một nhà ngoại giao cấp cao làm việc tại Bắc Kinh nói: “Họ (ban lãnh đạo) đang trong thế phòng thủ. Họ rất lo ngại về phản ứng quốc tế. Họ thành thật mong muốn đưa đối thoại trở lại. Ban lãnh đạo sẽ phải suy nghĩ sâu xa về những gì cần làm sắp tới”. Trong lực lượng vũ trang Trung Quốc, hiện có sự thừa nhận rằng Trung Quốc có thể sẽ có cuộc đối đầu tồi tệ nhất với Mỹ. Một nguồn tin có quan hệ với quân đội nói: “Hải quân của chúng tôi không thể đối đầu với Mỹ. Chúng tôi chưa sở hữu công nghệ tiên tiến như vậy. Người dân Trung Quốc sẽ là bên chịu tổn thất”. Ngay cả việc thiết lập ADIZ, như Bắc Kinh từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013 khiến Mỹ, Nhật Bản và các nước khác nổi giận, cũng sẽ rất khó khăn trong việc triển khai có hiệu quả bởi khu vực này khá xa đại lục.

Một nguồn tin khác có quan hệ với ban lãnh đạo Trung Quốc nói: “Chiến tranh là điều khó có khả năng xảy ra. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành tập trận quân sự. Chúng tôi cho rằng các tàu hải giám của Mỹ sẽ tiếp tục tới đây và khả năng tính toán sai lầm không thể bị loại trừ”. Nhà ngoại giao làm việc tại Bắc Kinh nói trên cho rằng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lựa chọn giai đoạn sau khi kết thúc hội nghị G-20 và trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới để tiến hành động thái nào đó. Người này nói: “Nhưng đó sẽ là một sự đánh giá sai lầm nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ ngồi đó và không hành động gì”.

Theo “Reuters

Anh Thư (gt)