2014 là một năm diễn ra nhiều biến cố của quốc đảo này với đầy ắp các sự kiện chính trị-kinh tế, đánh dấu bằng cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống; những tranh cãi về kết quả của bầu cử tổng thống; cuộc biểu dương lực lượng quốc phòng có lẽ là lớn nhất trong lịch sử quân đội Indonesia; sự lựa chọn nội các đầy ngạc nhiên của Tổng thống Joko Widodo cũng như tầm nhìn chính sách đối ngoại đối với “quốc gia thiếu vắng chính sách đối ngoại” của chính phủ trước đó. Một năm đầy sự kiện chỉ là sự khởi đầu của một quá trình rất dài cho một đất nước Indonesia mạnh mẽ hơn và đáng tin cậy hơn, sẽ đảm bảo không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao để nâng cao vị thế và uy tín quốc tế mà còn hoàn thành các mục tiêu tổng thể trong nước.

Cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh yếu tố chính trị, an ninh làm nền tảng kinh tế cho đất nước, điều được đánh giá cao bởi Joko, người thay thế ông Yudhoyono vào thời điểm Indonesia đang chứng kiến những thay đổi lớn trong môi trường quốc tế trực tiếp, nơi các cường quốc lớn thể hiện vai trò chiến lược và an ninh tại khu vực chưa từng có. Joko xuất hiện trong bối cảnh cục diện thế giới và quốc gia đã thay đổi một cách hoàn toàn, cho thấy ông có thể đưa ra các sáng kiến chính sách đối ngoại tươi mới hơn rất nhiều để đáp ứng với môi trường chiến lược không ngừng thay đổi. Ý tưởng đưa Indonesia trở thành “trục biển” thế giới phản ánh rõ ràng tham vọng của Joko mong muốn đưa Indonesia trở thành trung tâm của lực hấp dẫn.

Với tầm nhìn địa chính trị mới, Indonesia dưới thời Joko hy vọng có thể phá vỡ các rào cản, mở rộng hơn nữa các giao dịch quốc tế của đất nước. Joko cũng nên chèo lái Indonesia, thậm chí không cần học thuyết, để đạt được lợi ích chiến lược lớn hơn bằng cách tiếp cận các vấn đề chính sách đối ngoại nổi bật, điều đó có nghĩa là Joko có thể bắt đầu giải quyết những thách thức chính sách đối ngoại mới của đất nước ngay từ nơi người tiền nhiệm ra đi. Nhiều người ngay lúc đầu tỏ ra hoài nghi về khả năng xử lý chính sách đối ngoại của Joko, nhưng “trục biển” đã tạo ra phản ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi chính thức giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, trong cuộc tiếp xúc ngắn ngủi với giới truyền thông, Joko đánh giá ông Yudhoyono đã có công trong việc đưa đất nước vào giai đoạn mà các thành viên của cộng đồng quốc tế coi Indonesia là không thể thiếu, không chỉ đối với sự ổn định trong khu vực mà còn để chống lại các mối đe dọa phổ biến toàn cầu.

Mặt trận chính sách đối ngoại có thể được xem như lĩnh vực chính sách khó khăn nhất mà Joko sẽ gặp phải trong suốt 5 năm nhiệm kỳ tổng thống, nhưng cho rằng ông thiếu kinh nghiệm hay kiến thức về chính sách đối ngoại là sai lầm, đặc biệt khi Joko giới thiệu với công chúng các nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại, khẳng định chính sách đối ngoại của quốc đảo này sẽ còn sôi động hơn trong những năm tới. Một thách thức lớn đối với Chính quyền Joko là việc sử dụng tốt nhất các điều kiện thuận lợi được thừa hưởng từ Chính quyền Yudhoyono. Trong hoàn cảnh này, một chính sách ngoại giao tích cực, sáng tạo và hợp lý là bắt buộc nếu Indonesia muốn bảo vệ thành quả từ những gì chính quyền Yudhoyono đã đạt được trong ngoại giao quốc tế, hoặc để đổi mới quan hệ đối ngoại của đất nước.

Việc lựa chọn bà Retno LP Marsudi vào cương vị Ngoại trưởng gây ngạc nhiên khi bà không phải là nhân vật được đánh giá cao nhưng với tuyên bố công khai đầu tiên về chính sách đối ngoại, Retno chứng tỏ bà đã sẵn sàng vận hành chương trình chính sách đối ngoại của Joko, phản ánh tầm quan trọng của chính sách đối ngoại đối với sự phát triển quốc gia. Phương châm chính sách đối ngoại "thực tế" sẽ được triển khai chủ động và hiệu quả hơn, phù hợp với chương trình chính sách tổng thể của Joko hướng tới đáp ứng nhu cầu của người dân. Tầm nhìn địa chính trị của Joko đưa Indonesia thành “trục biển” toàn cầu sẽ là một trong những trọng tâm trong chương trình chính sách đối ngoại của Retno. Các sáng kiến được Bộ Ngoại giao thực hiện có thể không được cho là mới lạ, vì chúng phản ánh các vấn đề chính sách đối ngoại cổ điển mà Indonesia đang phải đối mặt, chẳng hạn như bảo vệ người lao động ở nước ngoài hoặc các vấn đề biên giới. Nhưng nếu Retno đủ thông minh để vạch ra chương trình chính sách đối ngoại trong khuôn khổ chính sách đối ngoại mà Joko đã thiết kế, thì bất cứ sáng kiến đối ngoại nào của Retno cũng sẽ có kết quả thực tế, pha trộn các lợi ích nhân dân và lợi ích của đất nước.

Những gì Indonesia cần phải làm khi theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại trong vòng 5 năm tới là cần phải nhấn mạnh sự cân bằng giữa việc theo đuổi nhu cầu trong nước và nhu cầu cấp bách nhằm tối đa hóa việc sử dụng các diễn đàn quốc tế và khu vực để giúp giải quyết vấn đề của Indonesia. Trong bài phát biểu ở Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh và Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane, Joko đã đề cập đến tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu và khu vực để giúp giải quyết những vấn đề mà các nước đang phát triển phải đối mặt. Đây là các diễn đàn chiến lược để Joko giới thiệu chi tiết tầm nhìn địa chính trị của mình - trục biển - như là nền tảng chính sách đối ngoại mà Indonesia sẽ theo đuổi trong tương lai. Sáng kiến này không chỉ thu hút sự hỗ trợ quốc tế đối với tầm nhìn địa chính trị mới của Indonesia, mà còn nhằm duy trì sự ổn định kinh tế đất nước. Joko kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Indonesia và ông cũng tìm nguồn tài trợ bên ngoài cho sự phát triển lâu dài của Indonesia. Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến chính sách này khi liên kết “Con đường tơ lụa trên biển” của mình với “trục biển” của Indonesia. Trung Quốc hy vọng mối liên kết không thể thiếu giữa hai học thuyết sẽ nâng cao và tăng cường quan hệ song phương cũng như nỗ lực hướng tới châu Á nhằm cân bằng sự hiện diện của Mỹ.

Ông Bantarto Bandoro cho rằng dù mới tiếp quản cương vị mới chưa đầy ba tháng nhưng với sự hỗ trợ tích cực của quốc gia khác, ông Joko xứng đáng được đánh giá cao, ít nhất đã cam kết rằng Indonesia dưới sự lãnh đạo của ông sẽ trở thành đối tác chiến lược trong hợp tác toàn cầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong cuộc gặp song phương với Joko tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, đánh giá cao sự tích cực của Indonesia trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Joko trả lời rằng Indonesia sẽ tiếp tục đấu tranh chống khủng bố, cho thấy liên kết chiến lược của Indonesia với Mỹ trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Là "thuyền trưởng" đáng tin cậy của người dân Indonesia, Joko thuyết phục các đối tác nước ngoài tiếp tục tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại “độc lập và tích cực”, cam kết Indonesia sẽ chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sẽ có vấn đề nếu chỉ đơn giản kết luận rằng Joko phù hợp với chính sách "không kẻ thù, hàng nghìn người bạn” của Yudhoyono.

Nếu Indonesia dưới thời Joko chỉ định đối tác chính như một người bạn, khi một số không hoàn toàn phù hợp sẽ khiến Indonesia thua thiệt. Về bản chất, các mục tiêu chính sách đối ngoại của Joko dựa trên chủ nghĩa duy lý, quyết liệt theo đuổi chính sách ngoại giao thương mại với các quốc gia độc lập khác, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Đây chính là quan điểm cơ bản trong chương trình chính sách đối ngoại của Retno khi bà nhấn mạnh rằng Indonesia sẽ tiếp tục duy trì những gì người tiền nhiệm Marty Natalegawa đã đạt được trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Trong vài năm tới, Bộ Ngoại giao sẽ phải nỗ lực tăng cường hiệu quả hoạt động của chính sách đối ngoại, điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi trong nước và quốc tế, trong đó một loạt cuộc họp khu vực và toàn cầu hay Cộng đồng kinh tế ASEAN, nơi triển vọng chính sách đối ngoại mới của Joko sẽ được kiểm chứng. Chính sách đối ngoại tích cực hơn của Joko đưa ra tín hiệu rằng Indonesia đã sẵn sàng tái khẳng định bản thân, cả trong khu vực và quốc tế, chẳng hạn trong vấn đề Biển Đông, Joko cam kết Indonesia dù không phải là một bên tranh chấp nhưng sẽ nỗ lực ngoại giao hết sức mình để giúp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Tuy nhiên Joko không nên quá tự tin rằng ý tưởng chính sách ngoại giao mới của ông sẽ đưa quốc đảo này lên vị trí mà đất nước ông chưa từng đạt tới được trước đó, Indonesia tiếp tục dễ bị tổn thương trước bất kỳ bất ổn nào trong nước, đặc biệt là khi các chính sách quốc gia không được công chúng đón nhận. Môi trường bên ngoài dường như không ổn định cũng có thể là một yếu tố gây hạn chế cho chính sách đối ngoại của Indonesia. Điều này có nghĩa là ngay cả một chính sách đối ngoại chủ động hơn cũng không có khả năng đem đến kết quả tích cực và hướng tới một vị thế quốc tế đáng tin cậy hơn, trừ khi tình hình chính trị và an ninh, kinh tế đất nước được cải thiện. Những bất ổn ở Papua, cách xử lý của chính phủ về thiên tai thường xuyên của Indonesia có lẽ sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách đối ngoại của đất nước. Chính sách đối ngoại quá hướng nội của Joko sẽ cho thấy sự thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của liên kết toàn cầu với Indonesia. Không có gì sai khi chính sách đối ngoại hướng nội nhưng tránh tập trung quá nhiều vào nó, điều này có nghĩa Joko nên nhận thức rằng chính sách đối ngoại có tầm nhìn xa, sự liên tục và gắn kết những nỗ lực ngoại giao sẽ là yếu tố quan trọng góp phần tăng cường sự độc lập của đất nước.

Joko không nên quên tuyên bố của ông ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, rằng ông sẽ đưa Indonesia thành một quốc gia vĩ đại, được tôn trọng, thể hiện chủ quyền và củng cố vị thế quốc tế. 5 năm tới sẽ chứng kiến chiến lược mới của Joko có thể cân bằng được cam kết đáp ứng như cầu quốc gia với nhu cầu cấp bách để quản lý các mối quan hệ quốc tế hay không. Ở đây, ngoại giao vì dân để được nhìn thấy thành công vẫn sẽ cần phải tìm các nguồn lực sẵn có từ bên ngoài đất nước. Vì vậy, để tìm kiếm các kết quả tốt nhất trong ngoại giao quốc tế, Chính quyền Joko sẽ phải tìm mọi khả năng được cung cấp bởi chủ nghĩa đa phương để thúc đẩy lợi ích quốc gia và toàn cầu "mới" của Indonesia. Sự hiện diện của Joko tại các cuộc họp đa phương gần đây, chẳng hạn như APEC tại Bắc Kinh, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar và G-20 ở Brisbane, nằm trong chiều hướng đó, các diễn đàn đa phương cung cấp nhiều cơ hội để Joko giới thiệu những ý tưởng về cách tiếp cận của quốc đảo trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như để giải thích những thay đổi trong chính sách của chính phủ mới.

Tuy vậy, Joko không nên bỏ qua tầm quan trọng của các diễn đàn song phương để thúc đẩy tầm nhìn mới của đất nước. Do đó một chiến lược hai hướng, hoặc thông qua các cơ chế đa phương hoặc song phương, cũng phải được sử dụng để đảm bảo các nguồn lực sẵn có đem lại ý nghĩa thực sự cho chính sách ngoại giao thực tế. Tầm nhìn chính sách đối ngoại mới của Joko sẽ thất bại nếu không nằm trong một giải pháp tổng thể cho các vấn đề trong nước và quốc tế mà Indonesia có thể sẽ phải đối mặt. Do đó, biện pháp khắc phục cho các vấn đề trong một số lĩnh vực chính sách chiến lược, chỉ có thể được tìm kiếm trong khuôn khổ quốc tế, nơi mà Indonesia sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn nhất. Việc cân bằng giữa nhu cầu trong nước và quốc tế có lẽ là thách thức chính của Chính quyền Joko.

Thách thức chính trong chính sách đối ngoại của Joko là tối đa hóa các mối quan hệ với các đối tác nước ngoài, các cường quốc trong khi vẫn duy trì tính trung lập. Chiến lược thực dụng tốt nhất có thể phải lựa chọn một phe nếu tình hình bắt buộc Indonesia phải đưa ra quyết định. Không có gì sai với tùy chọn chiến lược này miễn là Indonesia tối đa hóa kết quả chính sách đối ngoại vì người dân. Indonesia chọn một quốc gia hoặc nhóm các quốc gia mà họ tin sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích chiến lược lâu dài. Đây mới là bản chất thực sự của chủ nghĩa thực dụng./.

Theo “Bưu điện Jakarta

Anh Thư (gt)