Tin tốt là bài phát biểu của ông Tập Cận Bình nói nhiều về chính sách đối ngoại hơn là sức mạnh cứng. Nó diễn ra sau một loạt sự kiện có thể thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc, như Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị G20, cùng các chuyến thăm thành công để trấn an Úc và New Zealand về ý đồ của Trung Quốc. 

Có thể thấy bài phát biểu là tập hợp các sáng kiến ngoại giao đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự ở châu Á và trên toàn cầu, từ việc thành lập một ngân hàng cơ sở hạ tầng mới đến các hội thảo về an ninh mới. Do đó có thể khẳng định Trung Quốc có ý định thách thức trật tự thế giới và khu vực một cách thận trọng. Bài phát biểu nhấn mạnh quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy những lợi ích biển và đòi hỏi chủ quyền, phát triển một “con đường tơ lụa trên biển” với các liên kết kinh tế, ngoại giao và an ninh theo tầm nhìn của Trung Quốc về Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời đẩy mạnh khả năng bảo vệ sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, bài phát biểu cũng cho thấy sự cẩn trọng và dè dặt, với trọng tâm là phát đi tín hiệu tốt đẹp hơn về thông điệp “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Nó nhấn mạnh tới việc xây dựng các thể chế khu vực và một mạng lưới đối tác toàn cầu. Nó nhắc đến việc không sử dụng vũ lực và thậm chí là tôn trọng luật pháp quốc tế. Khi Trung Quốc tiếp tục các hành động như xây đảo trong các vùng tranh chấp ở Biển Đông, những lời này tự nhiên khiến dư luận hoài nghi. Nhưng đó có thể là cách để ông Tập Cận Bình đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận về chủ nghĩa dân tộc. Sau hai năm làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, Chủ tịch Trung Quốc gần đây đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có các biện pháp quản lý khủng hoảng và "xây dựng lòng tin” với Hải quân nước ngoài. Ông đã ký kết một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề này và ủng hộ những nỗ lực mới về giảm nguy cơ xung đột quân sự với Nhật Bản. 

Dù vậy, cho đến nay, một cương lĩnh gây nhiều tranh cãi của ngoại giao Hải quân Trung Quốc dường như là: không thể phát triển các quy tắc về sự cố trên biển và cơ chế quản lý khủng hoảng với nước khác nếu không xây dựng được lòng tin chiến lược - đó là việc loại bỏ các tranh chấp. Thực tế, đây chỉ là điều viển vông, giúp Trung Quốc tạo rủi ro chiến thuật để có được lợi thế chiến lược. Một điều có thể nhận thấy trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình là Bắc Kinh sẽ tiếp tục các nỗ lực để phát huy quyền kiểm soát quân đội Trung Quốc, đảm bảo các hoạt động ngắn hạn của quân đội không ảnh hưởng tới quan hệ hòa bình và lợi ích lâu dài của Trung Quốc. 

Thời gian gần đây, ngoại giao ve vãn của Trung Quốc ở châu Á đã bị phá sản. Trong 12 tháng qua, Trung Quốc xa lánh Nhật Bản, Mỹ, Úc và nhiều nước khác với Vùng nhận dạng phòng không; gây bất ổn với Việt Nam và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á với việc vô cớ triển khai giàn khoan dầu của mình tại Biển Đông; làm hỏng cơ hội lôi kéo các nhà lãnh đạo mới của Ấn Độ khi đã “nhầm lẫn” giữa sự đột nhập đầy khiêu khích của quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới với ngoại giao kinh tế hợp lý. Hiệu ứng ròng của các trò này - kết hợp với tham vọng chiến lược, phản ứng xây dựng liên minh và răn đe - đã gây xung đột không cần thiết cho chính lợi ích của Trung Quốc. 

Ngoại giao Trung Quốc phải làm rất nhiều việc để khắc phục các thiệt hại đó. Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình có thể được coi là hòn đá tảng trong chiến dịch này. Nếu phán xét kỹ, có thể thấy phát biểu của ông Tập Cận Bình truyền đi hai thông điệp. Một là nêu nhận thức (tuy nhiên đã được phóng đại) về các xu hướng lâu dài có lợi cho ảnh hưởng và sự thịnh vượng của Trung Quốc. Hai là khẳng định các rủi ro trong ngắn hạn, các tính toán sai lầm và bước đi sai lầm chưa thể ngăn chặn "Giấc mơ Trung Quốc" trở thành hiện thực.

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình sẽ không mang lại sự thoải mái tuyệt vời cho các đối tác trong trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu, vì họ sẽ bị buộc phải chơi một trò chơi thông minh hơn với Trung Quốc. 

Theo Lowy Interpreter

Trần Quang (gt)