22.jpg

Trái với tất cả những đồn đoán về bất đồng, ASEAN đã đưa ra được tuyên bố chung, trong đó có đề cập tới những tranh chấp hàng hải và lãnh thổ đang diễn ra tại Biển Đông giữa bốn nước thành viên với Trung Quốc. Những từ ngữ trong tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 49 tại Viêng Chăn hôm 25/7 có thể không đủ sức nặng để thay đổi tình hình trên thực địa, hay chính xác hơn là trên biển. Tuy nhiên, đó là quan điểm mà cả 10 quốc gia thành viên công khai tán thành, mặc dù các nước có lợi ích và cách tiếp cận khác nhau trong việc đối phó với Trung Quốc, kể cả việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông.

ASEAN đã xóa tan những hoài nghi trước đó về việc liệu hội nghị thường niên này có thể đưa ra một quan điểm chung hay không, bởi cơ chế hoạt động của ASEAN là ra quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận, nên sự phản đối của chỉ một thành viên cũng có thể cản trở mọi nỗ lực chung. Không ít người hoài nghi đã viện dẫn thất bại tại hội nghị ở Phnom Penh năm 2012 khi lần đầu tiên trong lịch sử, ASEAN không ra được tuyên bố chung, phản ánh cách tiếp cận trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Tháng 6/2016, trong cuộc họp giữa ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc), Malaysia đã đưa ra tuyên bố chung của khối đề cập đến vấn đề Biển Đông, tuy nhiên chỉ vài giờ sau đó, tuyên bố này lại bị rút lại do vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.

Người ta khó có thể chỉ trích ASEAN “khoanh tay đứng nhìn” vấn đề gai góc này, nhất là bởi 8 trong tổng số 191 điểm của tuyên bố được giành riêng để nói về tình hình ở Biển Đông. Điều mà tuyên bố chung không làm được đó chính là nêu đích danh Trung Quốc là “nhân tố chính” trong các mâu thuẫn hiện nay. Ngoài ra, bản tuyên bố cũng không đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7, trong đó kết luận các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Rõ ràng, đây là một mối quan tâm chung của ASEAN dù từ ngữ đã được làm dịu bớt để tránh làm phật ý Bắc Kinh. Có thể nói đây chính là sự khéo léo về mặt ngoại giao của hiệp hội lớn nhất khu vực này.

Vấn đề gây chia rẽ nhất trong ASEAN là làm thế nào để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực biển, trong khi Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này. Năm 2012, khi các ngoại trưởng không đưa ra được tuyên bố chung sau hội nghị tại Phnom Penh, Ngoại trưởng Indonesia lúc đó là ông Marty Natalegawa đã tiến hành các hoạt động ngoại giao con thoi tới thủ đô các nước ASEAN và đạt được sự đồng thuận của tất cả các thành viên về một văn bản chung. Thông cáo được phát đi một tuần sau khi các nhà ngoại giao hàng đầu trở về nước.

ASEAN đã tránh được việc lặp lại sai lầm, và giờ là lúc ASEAN cần phải thể hiện sự đoàn kết. Tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông đã đem đến những hy vọng về việc tổ chức này vẫn có thể hoàn thành vai trò quan trọng như vậy khi mà hầu hết giới quan sát đã từ bỏ hy vọng. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã ra mắt vào ngày 31/12/2015, tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng sự kiện này khó có thể tác động mạnh mẽ tới đời sống của khoảng 600 triệu dân trong khu vực bởi chính phủ nhiều nước trong khối vẫn tỏ ra khá thờ ơ. Khi ý tưởng về một cộng đồng như vậy lần đầu tiên được các nhà lãnh đạo ASEAN đề cập vào năm 2003, họ đã nhắc đến mối lo ngại về sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó là Ấn Độ, với những nguy cơ lấn át các nước thành viên ASEAN, khiến vai trò của các “con hổ” về kinh tế khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia - những thành viên của khối - bị giảm sút, và trở thành vệ tinh của các cường quốc kinh tế đang nổi tại châu Á.

Đến nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, và đối với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ và cũng là một nguồn chính của các khoản đầu tư tài chính rất cần thiết.
Chính quyền Philippines biết rằng Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài, và phán quyết cũng khó có thể làm thay đổi tình hình trên thực địa. Và bởi vậy, đàm phán với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của khối - chính là giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay. Rõ ràng, nỗ lực ngoại giao của ASEAN mới là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Tâm lý hòa giải đã chiếm ưu thế tại Hội nghị Viêng Chăn tuần qua khi các Ngoại trưởng ASEAN đưa ra một quan điểm chung để đối mặt với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. ASEAN vẫn còn một “quân bài” để chơi với Trung Quốc, đó là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002, theo đó tất cả các bên đồng ý giải quyết xung đột một cách hòa bình mà không dùng đến vũ lực. ASEAN đã cố gắng để khiến Trung Quốc chấp nhận một tài liệu mang tính ràng buộc nhiều là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thông cáo Viêng Chăn cũng nhắc lại những lời kêu gọi của ASEAN đối với Trung Quốc là đẩy nhanh tiến trình đàm phán bộ quy tắc này. Trong bối cảnh Trung Quốc hiện đang chịu nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế vì việc phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài, việc hoàn tất COC với ASEAN có thể sẽ giúp Trung Quốc giữ thể diện và thoát ra khỏi những bế tắc hiện nay. ASEAN đã mở rộng cánh tay của mình, và giờ cư xử thế nào là điều mà Trung Quốc cần cân nhắc kỹ.

Tác giả Endy Bayuni là Tổng Biên tập Tạp chí "The Jakarta Post". Bài viết đăng trên tờ "Straits Times".

Hương Trà (gt)