Tàu BRP Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây

Bãi đá Cỏ Mây cách đảo Palawan Philippines 105 hải lý là cửa lớn chiến lược thông sang bãi Cỏ Rong, nơi chứa dầu khí và khí đốt, Philippines coi khu vực này thuộc “vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines”.

Đầu tháng 5, Manila phản đối hai tàu tuần tra và một tàu Hải quân Trung Quốc tuần tra xung quanh bãi đá Cỏ Mây, đồng thời tố cáo các tàu này cản trở việc vận chuyển tiếp tế cho quân đội đồn trú trên bãi đá Cỏ Mây của Philippines.

Bài viết chỉ ra, sau khi khống chế thành công đảo Scarborough/Hoàng Nham, chuyên gia Trung Quốc khen ngợi hành động này là hành động nhanh nhạy trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Mấy tuần gần đây, đã có một số tiếng nói kêu gọi sử dụng chiến lược thành công này cho bãi đá Cỏ Mây. Thiếu tướng không quân, Trương Triệu Trung kiến nghị áp dụng chiến lược “bắp cải” để đối phó với vấn đề bãi đá Cỏ Mây, Trung Quốc có thể dùng từng tầng từng lớp tàu của Trung Quốc để bao vây bãi đá Cỏ Mây. Chuyên gia khác cho rằng, nếu chiến lược này thất bại, Trung Quốc có thể tính toán kéo tàu mắc cạn này ra khỏi bãi đá Cỏ Mây, do sự hiện diện của hải quân vũ trang Philippines, hành động này có thể dẫn đến xung đột.

Bài viết cho rằng, tuy gần đây Washington đã tăng cường viện trợ quân sự đối với Philippines, tuy nhiên còn một việc chưa rõ là nếu bãi đá Cỏ Mây bị “xâm phạm”, Mỹ liệu có cần phải cung cấp viện trợ cho Philippines. Ví dụ vụ đảo Scarborough/Hoàng Nham năm 2012, Mỹ điều một hàng không mẫu hạm đến khu vực này, ủng hộ tượng trưng đối với Manila nhưng không thực sự tiến hành can dự.

Sự kiện đảo Scarborough/Hoàng Nham năm 2012 đã có ảnh hưởng sâu sắc. Bắc Kinh chắc chắn sẽ đưa những thứ học được từ sự kiện đảo Scarborough/Hoàng Nham vận dụng vào vấn đề bãi đá Cỏ Mây. Về phía Trung Quốc, việc Philippines nêu ý đồ sửa lại con tàu bị mắc cạn 10 năm trước chỉ là một kiểu “khiêu khích”.

Trung Quốc cho rằng, Mỹ không muốn can dự để duy trì sự hiện diện của Manila tại bãi đá Cỏ Mây. Suy nghĩ này khả năng là đúng. Washington sẽ tiếp tục phản đối sử dụng thủ đoạn uy hiếp để đơn phương làm thay đổi hiện trạng, nhưng tàu chiến của Mỹ có rất ít khả năng đối đầu trực tiếp với tàu chiến Trung Quốc vì một bãi đá ở Biển Đông.

Cách làm của Trung Quốc sử dụng tàu dân sự để làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã tạo nên “thách thức” nghiêm trọng đối với chính quyền Obama và chiến lược “tái cân bằng” khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Thanh danh “người bảo vệ” hòa bình ổn định khu vực này của Mỹ đang bị “thách thức”, đặc biệt là đối với Nhật Bản và Philippines, các nước ký kết đồng minh với Mỹ. Cho đến tận ngày hôm nay, Washington luôn thiếu một chiến lược hữu hiệu, kiềm chế hành động “ức hiếp” của Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan trước đó, ngày 24/6, tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, tàu chiến Philippines "mắc cạn" tại bãi đá Cỏ Mây do “trục trặc” năm xưa, Trung Quốc tiếp tục yêu cầu Philippines kéo tàu ra khỏi bãi đá, nhưng Philippines vẫn không thực hiện cam kết viện cớ vì nguyên nhân kỹ thuật. Việc tàu chiến "mắc cạn" không hình thành sự chiếm đóng phi pháp đối với bãi đá Cỏ Mây, Trung Quốc quyết không chấp nhận Philippines xâm chiếm trái phép bãi đá Cỏ Mây dưới bất cứ hình thức nào. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc một lần nữa thúc giục Philippines thiết thực thực hiện cam kết, không áp dụng hành động khiêu khích làm cho tình hình càng thêm phức tạp, đóng góp xứng đáng cho giữ gìn hoà bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông.

Theo Jamestown Foundation

Trần Quang (gt)