Từ ngày 10 tháng 4 năm 2012, Bãi cạn Scarborough trở thành nguyên nhân bế tắc giữa các tàu của Philippin và Trung Quốc. Vấn đề là liệu điều này sẽ tiếp tục trở thành điểm nóng xung đột tiềm tàng hay không, hoặc liệu Philippin và Trung Quốc có thể thực hiện một sự thay đổi hình mẫu và biến tranh chấp thành cơ hội hợp tác tại Biển Đông.

Bãi cạn Scarborough là đảo san hô vòng  được bao quanh bởi đã ngầm, có diện tích khoảng 150km vuông. Đây là khu vực giàu tài nguyên cá và khoáng sản biển mà các tàu đánh cá của cả Trung Quốc và Philippin đã khai thác hàng thập kỷ. Bãi cạn Scarborough cách tỉnh Zambalies của Philippin 124 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 472 hải lý. Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) thuộc yêu sách của Philippin. Tuy nhiên, vấn đề là Bãi cạn nằm trong vùng EEZ của Philippin không đưa đến  chủ quyền của Philippin đối với Bãi cạn hoặc trở thành phần lãnh thổ của Philippin.

Tình thế kinh điển về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ

Vì một số đảo đá trên Bãi cạn được cho là nằm trên mặt nước khi thủy triều dâng, điều này đúng với định nghĩa về một “hòn đảo” theo Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS). Do đó, nó là đối tượng được yêu sách chủ quyền và có lãnh hải 12 hải lý. Thực tế là nó nằm trong vùng EEZ của Philippin không liên quan đến vấn đề chủ quyền. Không phải trên thực tế là Bãi cạn lại nằm trong bản đồ đường 9 đoạn bê bối của Trung Quốc.

Bãi cạn Scarborough là một trường hợp kinh điển về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Philippin khẳng định rằng mình đã thực hiện chiếm hữu có hiệu quả và thực hiện quyền tài phán có hiệu quả đối với Bãi cạn từ khi nước này độc lập vào năm 1946. Để củng cố yêu sách này, Philippin chỉ ra rằng mình đã xây dựng một ngọn hải đăng trên Bãi cạn vào năm 1965 và rằng Philippin tiến hành những cuộc khảo sát và nghiên cứu ở những vùng biển xung quanh Bãi cạn.

Trung Quốc khẳng định rằng Bãi cạn Scarborough và các vùng nước liền kề thuộc lãnh thổ của Trung Quốc trong nhiều thế hệ và rằng mình đã khám phá ra Bãi cạn, cấu thành lãnh thổ của Trung Quốc tại quần đảo Đông Sa, một trong bốn quần đảo nằm trong bản đồ đường 9 đoạn tai tiếng của Trung Quốc mà nước này có những yêu sách chủ quyền mang tính lịch sử. Trung Quốc cũng cho rằng Philippin chưa bao giờ có tranh chấp về quyền tài phán của Trung Quốc trước năm 1979.

Có một số vướng mắc đối với lý lẽ của Trung Quốc rằng nước này có chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough dựa trên việc Bãi cạn thuộc yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với quần đảo Trung Sa, còn được gọi là Macclesfield Bank. Thứ nhất, Bãi cạn Scarborough về mặt địa lý cách xa đáng kể đối với Macclesfield Bank. Thứ hai, theo luật quốc tế, Macclesfield Bank có thể sẽ không có khả năng là thực thể được quyền yêu sách về chủ quyền bởi vì nó hoàn toàn nằm dưới mực nước biển. Vì những yêu sách đối với những khu vực biển chỉ có thể được dựa trên lục địa hay quần đảo. Sẽ khó cho Trung Quốc để cho rằng Bãi cạn Scarborough nằm trong bất kỳ vùng biển nào được yêu sách từ Macclesfield Bank.

Tranh chấp pháp lý cũng có thể nảy sinh theo tình trạng của những vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý của Bãi cạn này. Điều này sẽ nổi lên những vấn đề liên quan đến việc diễn giải và áp dụng Điều 121 của UNCLOS về quy chế đảo. UNCLOS quy định rằng tất cả các đảo theo quy định đều có những vùng biển của riêng mình, nhưng tại đoạn 3 Điều 121 quy định rằng “các đảo đá mà không thể duy trì sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”

Philippin sẽ vẫn duy trì quan điểm rằng năm đảo đá nhỏ tại Bãi cạn Scarborough là “đảo đá” theo Điều 121 (3) và rằng chúng không có vùng EEZ hay thềm lục địa riêng. Do vậy, các vùng biển bên ngoài giới hạn 12 hải lý nằm trong vùng EEZ của Philippin tính từ quần đảo chính của nước này. Trung Quốc có thể thách thức quan điểm này bằng việc cho rằng môt hay nhiều hơn các đảo đá trên Bãi cạn có vùng EEZ và thềm lục địa

Hai lựa chọn khả thi

Xung đột gần đây không phải là lần đầu tiên mà tranh chấp chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough đã gia tăng giữa hai quốc gia. Va chạm cũng đã xảy ra vào giữa những năm 1990 liên quan đến tàu cá và đấu khẩu ngoại giao giữa hai chính phủ. Điều này đã dẫn đến cuộc đàm phán song phương về bộ quy tắc ứng xử năm 1995, trong đó hai quốc gia cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp song phương của mình phù hợp với những nguyên tắc của luật quốc tế đã được công nhận, bao gồm UNCLOS. Điều nầy đã thúc đẩy việc đàm phán Tuyên bố Ứng xử của các Bên liên quan tại Biển Đông ASEAN – Trung Quốc.

Có ít nhất hai lựa chọn khả thi để làm thế nào quản lý những xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc và Philippin trong tranh chấp Bãi cạn Scarborough. Cả hai sự chọn lựa này đều buộc hai quốc gia trước hết phải chấp nhận (ít nhất là về mặt không chính thức) rằng chủ quyền đối với Bãi cạn và lãnh hải 12 hải lý xung quanh là có tranh chấp. Họ có thể thực hiện điều này mà không cần phải thừa nhận tính pháp lý về yêu sách của bên kia và cũng không làm tổn hại đến yêu sách của chính mình.

Lựa chọn đầu tiên là hai quốc gia đồng ý đưa tranh chấp lãnh thổ ra tòa án quốc tế và yêu cầu tòa đưa ra quyết định xem quốc gia nào có yêu sách chủ quyền hợp pháp hơn. Lựa chọn này đã được Malaysia và Indonesia lựa chọn trong tranh chấp Sipidan-Ligitan và giữa Singapore và Malaysia trong tranh chấp Pedra Branca/Palau Batu Puteh. Trong cả hai vụ việc, các quốc gia đều chấp thuận đưa tranh chấp lãnh thổ ra Tòa án Quốc tế.

Lựa chọn thứ hai là hai quốc gia Trung Quốc và Philippin chấp nhận gạt tranh chấp chủ quyền sang một bên và cùng quản lý khai thác cá trong khu vực tranh chấp. Cả hai bên đều có thể công bố lệnh cấm đánh bắt cá trong khu vực tranh chấp hoặc cũng có thể chấp thuận về tổng sản lượng đánh bắt hàng năm của mỗi quốc gia. Mỗi quốc gia có thể chấp thuận quy định điều chỉnh đối với công dân của mình, các tâm điểm và đường dây nóng có thể được thiết lập tạo điều kiện cho các tàu tuần tra có thể báo cáo bất kỳ sự việc nào trái với thỏa thuận [giữa hai quốc gia] ngay tức thì.

Nếu những thỏa thuận như vậy có thể được đàm phán đối với khu vực tranh chấp quanh Bãi cạn Scarborough thì nó có thể đưa ra một hình mẫu cho những thỏa thuận hợp tác tại những khu vực tranh chấp khác ở Biển Đông.

Robert Beckman là giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, phó giáo sư Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Singapore, ông cũng là chuyên viên nghiên cứu cao cấp trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang.

Theo RSIS

Trần Quang (gt)