Giống như các đồng bằng của Ba Lan và bình nguyên của Bỉ, Biển Đông là khu vực quan trọng có giá trị địa lý chiến lược mà các nước từ lâu đã cạnh tranh giành quyền thống trị. Kiểm soát vùng biển này sẽ giúp khống chế các hướng tiếp cận phía nam đối với Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi đây là một tài sản có giá trị chiến lược, nguồn tài nguyên dầu và khí tự nhiên cũng như các nguồn lợi về cá đem lại sự giàu có cho những nước có khả năng khai thác.

Trong thế chiến thứ hai, Nhật Bản chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc và Quần đảo Trường Sa ở phía Nam Biển Đông. Sau khi Nhật Bản thất bại, chính phủ mang tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc đòi chủ quyền với khu vực này, ra bản đồ năm 1947, tài liệu trở thành căn cứ cho khu vực Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Bản đồ sử dụng “đường chín đoạn” ra đời lần đầu tiên vào năm 1953. Đường chín đoạn đánh dấu biên giới quốc gia của Trung Quốc kéo dài từ Đài Loan đến khu vực phía nam 12 hải lý tính từ bờ biển của Brunei và Malaysia.  

Mặc dù việc xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc và việc di chuyển của tàu chiến USS Lassen của Mỹ phản ánh mức độ căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, 15 năm qua tại khu vực này cũng chứng kiến những sự việc tương tự.

Năm 2005, các tàu của Trung Quốc bắn vào hai tàu đánh cá của Việt Nam, làm thiệt mạng 9 người. Những người khác bị cầm giữ trên đảo Hải Nam. Bắc Kinh tuyên bố những người trên hai tàu này là cướp biển. Năm 2009, theo Lầu Năm Góc, năm tàu của Trung Quốc “theo dõi và được điều khiển một cách hung hăng tại khu vực gần một cách nguy hiểm” đối với một tàu khảo sát của Mỹ. 

Trung Quốc đẩy mạnh sự khẳng định chủ quyền vào năm 2011. Tháng 3, một tàu chiến Trung Quốc bắn vào các tàu đánh cá Philippines, buộc những tàu này phải rời bỏ một đảo san hô trong vòng tranh chấp. Tháng 5, một tàu khảo sát dầu khí đụng độ với ba tàu tuần tra lãnh hải của Trung Quốc ở 120 km phía nam bờ biển Việt Nam và 600 km phía nam đảo Hải Nam. Hà Nội tuyên bố các tàu của Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam một cách có chủ đích.  

Những sự kiện kiểu này gia tăng về mặt tần suất trong mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, sự kiện có lẽ là nghiêm trọng nhất diễn ra vào tháng 5 năm ngoái khi các tàu hải quân của Việt Nam và tàu Trung Quốc đụng độ khi Trung Quốc cố gắng dựng một giàn dầu khí tại khu vực mà cả hai nước đều đòi chủ quyền.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng đảo đầu giữa năm 2014. Nỗ lực xây dựng quan trọng nhất là đường băng dài 3110m trên đảo Chữ Thập có khả năng hỗ trợ máy bay vận tải quân sự cỡ lớn. Một đường băng thứ hai đang được xây dựng trên bãi đá Subi, khu vực mà tàu Lassen đi qua tuần trước. Một cảng cũng đã được xây dựng trên bãi đá Vành Khăn.

Tính toán chiến lược của Trung Quốc là nước này có thể đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc khẳng định kiểm soát thực tế đối với Biển Đông theo các cách mà cộng đồng quốc tế khó có thể ngăn chặn được. ASEAN không thể thống nhất được lập trường chống lại việc xây dựng và với sự chậm chạp trong việc thương lượng với Trung Quốc nhằm đạt được bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

Lập trường của Washington từ trước đến nay là kiềm chế không đưa ra các đánh giá về đòi hỏi chủ quyền và cho đến tận tuần trước, không bị lôi vào cuộc khủng hoảng. Hành động mạnh bạo của Trung Quốc được dựa trên canh bạc rằng Chính quyền Obama sẽ không đặt mối quan hệ Trung-Mỹ vào thế rủi ro.

Canh bạc này về cơ bản thành công. Tiến độ xây dựng chậm hơn có thể đã làm cho Washington khó khăn hơn trong việc quyết định có can thiệp hay không bằng tàu USS Lassen. Tuy nhiên với chuyến thăm tháng 9 vừa qua của Chủ tịch Tập Cận Bình, Mỹ đã hành động để tái khẳng định sự bảo vệ quyền tự do hàng hải của nước Mỹ.

Đối với tất cả những lo lắng trên truyền thông của Úc về sự khó khăn trong lập trường của Canberra, lợi ích chiến lược của Úc là rõ ràng: Úc thu được nhiều lợi ích to lớn hơn từ một Biển Đông cởi mở về thương mại quốc tế với sự tự do hàng hải và tiếp cận hàng không không bị các lực lượng Trung Quốc đe dọa.

Mặt khác, nếu một Biển Đông bị coi như là lãnh thổ của Trung Quốc về mặt thực tế sẽ là mối rủi ro thường xuyên đối với hầu hết các nước Đông Nam Á: Nhẹ nhất là sự cản trở đối với việc kết nối ASEAN và tồi tệ hơn là mối đe dọa đối với Việt Nam và Philippines.

Lợi ích của Úc phải chắc chắn giúp tăng cường sự khẳng định quyền tự do hàng hải của Mỹ. Chỉ có hai cách thực hiện điều đó: chúng ta có thể cho tàu hải quân đi qua khu vực này, kể cả khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô căn cứ đối với vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo, hoặc máy bay bay qua vùng không phận tương tự.

Khi Mỹ chưa chấm dứt sự tương tác với Trung Quốc, sự đi qua vùng biển này của Hải quân Úc sẽ không gây tổn hại nghiêm trọng đối với mối quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc. Nước có nhiệm vụ phức tạp nhất ở phía trước chính là Trung Quốc. Do quá tự tin, Trung Quốc đã tạo nên một đầu máy năng lượng mang tính dân tộc chủ nghĩa xung quanh sự ủng hộ việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc có thể đã tính toán rằng Mỹ sẽ không gây rủi ro cho quan hệ hai nước chỉ vì một số cục đá và bãi cát ngầm không rõ ràng. Bây giờ Trung Quốc phải tính toán lại về việc liệu các bãi đá ngầm có quan trọng hơn các mối quan hệ chủ chốt của Trung Quốc với Washington và ở châu Á.

Peter Jennings là giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Úc (ASPI). Bài viết được đăng trên The Australian.

Văn Cường (gt)