Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ra tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuyên bố này kêu gọi việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và chấm dứt hành động khiêu khích chiếm đoạt đất đai, làm tiền đề cho việc thông qua một quy tắc ứng xử (COC) để “thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”. Việc Trung Quốc tiếp tục có những hành động đơn phương để củng cố và mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ trên Biển Đông là một sự nhạo báng đối với DOC. Nổi bật gần đây nhất là việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào 2012 và lên kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhỏ nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Bước lùi nghiêm trọng nhất trong thực hiện DOC là bế tắc trong đàm phán COC. Cam kết không lùi bước của Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tranh chấp và thái độ coi thường của TQ đối với tuân thủ luật pháp khi đối xử với các nước nhỏ đồng nghĩa với việc hy vọng đạt được thỏa thuận COC là viển vông.

Các quan chức Trung Quốc thường nhấn mạnh việc khẳng định yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và rằng, Bắc Kinh sẽ không “thỏa hiệp” hoặc “nhượng bộ” trong việc theo đuổi tham vọng lãnh thổ của họ. Thỏa hiệp và nhượng bộ là một phần quan trọng để đạt thành công trong đàm phán; vì vậy, rõ ràng là sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận để ra tuyên bố COC chỉ là giả tạo. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh luôn nhận thức sâu sắc rằng Trung Quốc sẽ kiếm được nhiều thứ, chẳng mất mát gì trong việc trì hoãn xây dựng COC. Khi có khuôn khổ mang tính ràng buộc như COC, Trung Quốc sẽ phải bình đẳng như những nước khác. Ngược lại, trong một thể chế chính trị không có COC, sức mạnh khổng lồ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Trung Quốc có lợi thế áp đảo, không cân xứng so với các nước láng giềng Đông Nam Á nhỏ hơn. Năm 2013, tổng GDP của ASEAN ở mức thấp hơn 35% GDP của Trung Quốc trong khi tổng chi tiêu quốc phòng của ASEAN tương đương 25% ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Tóm lại, Trung Quốc thực hiện nguyên tắc mà theo Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì tuyên bố vào 2010: “Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ; đó là thực tế.” Điều đáng lo ngại hơn là các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng nhỏ hơn xét về các phương diện liên quan và vì vậy càng ít khả năng để đương đầu với sự phát triển cơ bắp của Trung Quốc. Theo HSBC, đến 2050, tổng GDP của ASEAN vào khoảng 25% GDP của Trung Quốc trong khi chi tiêu quân sự của ASEAN chỉ đạt mức tương đương 20% ngân sách quốc phòng của Trung Quốc.

Như các con vật sư tử và thỏ rừng trong truyện ngụ ngôn của Aesop, các nước ASEAN có thể công khai phát biểu và lập luận rằng họ cần có sự chia sẻ bình đẳng; khi đó Trung Quốc có thể trả lời đơn giản rằng phát biểu của thỏ rừng thiếu móng vuốt và răng nhọn như của sư tử.

Thất bại trong đàm phán COC không phải hoàn toàn vô tác dụng. Ít nhất nó cũng cho phép các nước ASEAN thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với cách tiếp cận cứng nhắc về tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc cho thấy các nước ASEAN cần làm nhiều hơn là can dự và các đàm phán có ý định tích cực nếu họ mong muốn tìm kiếm một giải pháp công bằng và bền vững cho một trong những những xung đột dễ xảy ra và có tác động chia rẽ nhất trên thế giới.

Theo trang mạng Business Spectors

Duy Anh (gt)