Có những mối liên kết giữa những tuyên bố ngày càng cứng rắn hơn của những nước láng giềng với Trung Quốc về chủ quyền ở những đảo có tranh chấp tại Biển Hoa Đông và Biển Đông với việc sụt giảm mạnh về thương mại của họ với Trung Quốc. Nguyên Thủ tướng Xinhgapo Lý Quang Diệu đã có những đánh giá phân tích về vấn đề này. 

Các số liệu thương mại mới nhất cho thấy xuất khẩu của Philíppin sang Trung Quốc đã giảm 20% trong năm ngoái, còn của Nhật sang Trung Quốc giảm 16%. Manila có tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, trong khi Tôkiô có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để gửi đến hai nước này một thông điệp.

Không ai có nhiều thời gian cùng thời với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua hơn ông Lý Quang Diệu. Do đó, ông Lý Quang Diệu có những câu trả lời cho những vấn đề phức tạp nhất về chiến lược của Trung Quốc khi nước này muốn trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới. 

Với câu hỏi liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực sự muốn thế chân Mỹ để trở thành cường quốc hàng đầu của châu Á không? Ông Lý Quang Diệu đã trả lời: tại sao lại không? Đối với những người đang chuyển hướng trở lại khu vực, ông gợi ý hãy nhìn vào những nước láng giềng của Trung Quốc - những nước đang nhận ra rằng không nên quá phụ thuộc kinh tế vào một thị trường khổng lồ đang trỗi dậy bởi nước này có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn giản bằng cách là từ chối không cho tiếp cận thị trường 1,3 tỷ người của họ. 

Theo lời của ông Lý Quang Diệu thì khi Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu cho các nước láng giềng, nước này cũng chờ đợi những nước láng giềng phải “biết điều hơn”. Trong những tuyên bố công khai, Trung Quốc thường hạ thấp những lợi thế về đất nước đông dân, nhưng trong một phút nóng nảy tại một hội nghị an ninh khu vực năm 2010, ngoại trưởng Trung Quốc đã nói rằng: “Trung Quốc là nước lớn, còn các nước khác là những nước nhỏ và đó là một thực tế”. Ông Lý Quang Diệu chuyển nghĩa của thông điệp này là "hãy biết mình là ai". Không giống các nền dân chủ có thị trường tự do, trong đó chính phủ không thể hoặc không muốn siết chặt nhập khẩu chuối từ Philíppin hoặc ô tô từ Nhật, thì Chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng "cơ bắp" kinh tế của mình. 

Còn về câu hỏi khi căng thẳng tăng cao giữa các quốc gia có tuyên bố tranh chấp lãnh thổ, liệu Trung Quốc có sử dụng vũ lực để thúc đẩy tuyên bố của mình hay không? Câu trả lời của ông Lý Quang Diệu là không, trừ khi nước này bị nước khác khiêu khích trước. Ông nói: “Trung Quốc hiểu rằng sự tăng trưởng kinh tế của mình phụ thuộc vào nhập khẩu, kể cả năng lượng, và họ cần đến các tuyến đường hàng hải thông thương. Trung Quốc xác định sẽ tránh để xảy ra các sai lầm mà Đức và Nhật đã mắc phải”. Theo quan điểm của ông Lý Quang Diệu, khó có khả năng Trung Quốc chọn cách đối đầu với Mỹ vào thời điểm này, bởi vì nước này vẫn còn ở thế bất lợi về công nghệ và quân sự. Điều này có nghĩa rằng, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ quan tâm hơn đến việc sử dụng phương thức ngoại giao, chứ không phải là vũ lực, trong chính sách đối ngoại của mình. 

Cũng theo quan điểm của ông Lý Quang Diệu, Trung Quốc đang chơi một trò chơi kéo dài với một tầm nhìn xa, đó là trở thành cường quốc lớn nhất thế giới. Muốn thành công đòi hỏi nước này không chỉ duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế lịch sử nhưng không bền vững mà còn phải thực hiện thận trọng hơn, tinh tế hơn những gì họ đã thể hiện gần đây, để tránh những sự cố hoặc sai lầm dẫn tới xung đột quân sự. 

Graham Allison là Giáo sư Trường Kennedy Harvard, Robert Blackwill là chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Hai ông cũng là các tác giả của cuốn sách “Lý Quang Diệu: Những Phân tích Sâu sắc của bậc thầy về Trung Quốc, Mỹ và Thế giới” (Lee Kuan Yew: The Grand Master’s Insights on China, the United States, and the World). Bài viết được đăng trên Financial Times.

Trần Quang (gt)