Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Trung - Mỹ của trường Đại học Thanh Hoa Triệu Khả Kim cho biết phía Mỹ khá coi trọng chuyến thăm lần này của các tướng lĩnh PLA vì Mỹ cho rằng PLA ngày càng trở nên độc lập, có thể có tiếng nói nhiều hơn. Mỹ hy vọng thông qua trực tiếp đối thoại và giao lưu với PLA để tìm hiểu cách nhìn của quân đội Trung Quốc đối với quan hệ Trung - Mỹ. Sự sắp xếp của Mỹ trong chuyến thăm này của Trần Bỉnh Đức không chỉ thể hiện sự coi trọng và thái độ tích cực mà còn muốn phát đi thông điệp rằng cơ chế hóa giao lưu quân sự Trung-Mỹ đang trở nên sâu sắc. 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để cho rằng giao lưu quân sự Trung - Mỹ sẽ ấm lên. Sự phát triển giao lưu quân sự Trung - Mỹ cần phải xem xét thái đội từ hai phía, nếu phía Mỹ tuân thủ một số nguyên tắc trong đối thoại Trung - Mỹ, không làm tổn hại đến quan hệ Trung-Mỹ, đối thoại quân sự mới có thể tiếp tục phát triển. Hội đàm quân sự khác với hội đàm kinh tế vì nó liên quan đến các vấn đề chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, nhiều nhạy cảm hơn, đòi hỏi hai bên đều phải có thành ý. Thực lực quân đội Mỹ rất mạnh, xét từ góc độ này, phía Mỹ cần phải thể hiện thành ý trước.

Theo Thiếu tướng Chu Thành Hổ, Chủ nhiệm bộ môn Nghiên cứu Chiến lược Đại học Quốc phòng Trung Quốc, hiện có 3 nhân tố lớn khiến giao lưu kỹ thuật quân sự Trung-Mỹ không thể tiến triển thực chất.

Thứ nhất là mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ là muốn độc bá thế giới. Để làm được điều này, Mỹ tất nhiên phải dựa vào nhiều sách lược, bao gồm sự bá quyền của đồng USD, sự bá quyền quân sự, sự bá quyền của chế độ Mỹ và sự bá quyền về tin học… Xét từ các góc độ này, sự bá quyền quân sự được thực hiện dựa trên ưu thế về quân sự. Rõ ràng, Mỹ hết sức lo ngại khi tiến hành hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc, bởi bất kỳ quốc gia nào muốn trỗi dậy đều cần có thực lực quân sự hùng mạnh làm hậu thuẫn, hợp tác này khác nào hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ hai là mâu thuẫn mang tính kết cấu Trung - Mỹ. Đây là mâu thuẫn được tạo ra bởi sự khác biệt về chế độ chính trị, hình thái ý thức và quan niệm giá trị giữa hai nước. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, đặc biệt là từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa, Trung Quốc trên thực tế đã quên dần những khác biệt và đối đầu trong lĩnh vực hình thái ý thức, song phía Mỹ chưa lúc nào "thả lỏng" vấn đề này.

Thứ ba là bản chất quan hệ Trung - Mỹ. Quan hệ nước lớn là một loại quan hệ cạnh tranh, cạnh tranh không có nghĩa là không thể hợp tác. Từ lâu, hợp tác Trung - Mỹ chủ yếu trong các lĩnh vực khác, hợp tác kỹ thuật quân sự vẫn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Do đó, trong thời kỳ tính cạnh tranh trong quan hệ nổi lên như hiện nay, việc Mỹ trao kỹ thuật quân sự cho Trung Quốc là điều cực khó. 

Dean Cheng, nhà nghiên cứu các vấn đề an ninh và chính trị Trung Quốc thuộc Heritage Foudation (Mỹ) cho rằng chuyến thăm từ một phía của Trung Quốc chưa thể tạo dựng lại quan hệ quân sự Trung - Mỹ. Trung Quốc coi giao lưu quân sự như một ván cờ vây, Mỹ lại coi giao lưu quân sự như trận bóng chày. Hai bên có mục đích khác nhau, có thể nói là khác nhau cơ bản, đây là vấn đề không thể thông qua hội đàm để giải quyết. Sự nghị kỵ Trung - Mỹ bắt nguồn từ những nhận thức khác biệt và hiểu nhầm, nó phản ánh sự khác biệt cơ bản của nghị trình hai bên.

Trong giao lưu quân sự, phía Mỹ có ý đồ tạo ra một quy phạm để gia tăng tính dự báo đối với hành động của hai bên, để cho các vấn đề có thể được xử lý ngay từ khi mới manh nha. Ngược lại, Trung Quốc lại hy vọng lợi dụng sự giao lưu như vậy để giải quyết các sự việc mang tính chiến lược, ví như việc Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa hoặc quan hệ Mỹ - Đài, hy vọng có thể mượn cơ hội này để cải thiện cơ bản hành vi của Mỹ. Mỹ muốn Trung Quốc phải công khai mọi nội tình quân sự, có thể kiềm chế được sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc lại hy vọng Mỹ giảm bớt bố trí phòng thủ quân sự nhằm vào Trung Quốc, không muốn Mỹ dịch chuyển lực lượng quân sự chủ chốt từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Mong muốn của cả hai bên xem ra không thực tế. 

Những năm gần đây, tình hình quốc tế và so sánh thực lực Trung - Mỹ đã có những thay đổi tương đối lớn, sự tiếp cận nhanh chóng sức mạnh cứng Trung - Mỹ là thực tế không phải tranh cãi. Trong sự thay đổi kết cấu cơ chế thống trị thế giới, Trung Quốc đang từng bước tiến vào trung tâm quyền lực. Sự so sánh sức mạnh hai nước được xích lại gần nhau hơn, song sự khác biệt về nhận thức lại được mở rộng. Mỹ ngày nay ngoài việc tiếp tục truyền bá “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” còn rêu rao thêm “thuyết sự ngạo mạn của Trung Quốc”, những điều này đã gia tăng tác dụng tiêu cực rõ ràng đối với quan hệ đối ngoại và chính trị trong nước của Trung Quốc. 

Dư luận Trung Quốc cũng có những thay đổi rõ nét, ca ngợi “mô hình Trung Quốc”, chỉ trích “mô hình Mỹ” và “quan niệm giá trị Mỹ”, kìm kẹp ảnh hưởng văn hóa, chính trị Mỹ, quan điểm trở thành cường quốc quân sự số 1 thay thế Mỹ ngày càng lộ rõ. 

   Theo Đa chiều

 Hương Trà (gt)