Việc Nhật Bản tuyên bố mua lại một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông từ các chủ sở hữu tư nhân với giá 30 triệu USD đã làm tăng căng thẳng trong khu vực trong những tuần gần đây. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo trên và đã cử tàu tuần tra đến vùng biển này để trả đũa kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp của Nhật Bản. Đây chỉ là một trong số rất nhiều tranh chấp chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, các khu vực giàu tiềm năng dầu khí.Các yếu tố tương tự gồm sự tranh giành tài nguyên thiên nhiên, quyền lực chính trị và những tranh chấp lãnh thổ có thể tạo ra thách thức đối với Canađa, khi các vùng biển trước đây đóng băng quanh năm tại Bắc Cực bắt đầu tan và để lộ tiềm năng của chúng. Tuy nhiên, liệu khu vực Bắc cực của Canađa có cùng số phận dễ xảy ra xung đột như các tranh chấp đảo tại châu Á hay không? Dù có nhiều điểm tương đồng về khả năng xảy ra tranh chấp lãnh thổ, nhưng rõ ràng không giống như ở châu Á, các quan hệ tại Bắc cực vẫn chủ yếu là hợp tác, chứ không phải xung đột. Sau đây là những lý do:

Thứ nhất, bất chấp thực tế rằng trong tháng 8, diện tích băng tan tại Bắc cực lên đến mức kỷ lục là 91.700 km2/ngày, khu vực này vẫn có môi trường khắc nghiệt nhất thế giới. Đúng là việc đi qua Bắc cực có thể giúp ngành hàng hải thế giới giảm bớt nửa quãng đường từ châu Mỹ tới châu Á, nhưng việc này chỉ có thể thực hiện vào thời gian cuối hè, khi băng tan chảy, tức là chưa đến 3 tháng/năm. Ngay cả lúc đó, các tàu thuyền cũng phải thận trọng với các núi băng tích tụ nhiều năm, tảng băng chìm hoặc tảng băng trôi, có thể rắn hơn cả bê tông. Các tàu thuyền thương mại cần có sự giám sát và hộ tống liên tục của các tàu phá băng, làm tăng thêm đáng kể chi phí. Đó chính là lý do khiến các quốc gia Bắc cực đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong các lĩnh vực như tìm kiếm và cứu nạn (S&R). Ngược lại với sự nhộn nhịp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, với khoảng 70.000 tàu qua lại Eo biển Malắcca trong năm 2007, trong năm 2010, chỉ có 26 tàu qua lại tuyến đường Tây Bắc. Nói chung, chi phí cho việc kiểm soát tuyến đường Bắc cực là không "bõ" với nguy cơ châm ngòi xung đột.

Thứ hai, không giống như Bắc cực, các tranh chấp lãnh thổ tại Đông Á vẫn liên quan chặt chẽ đến những bất bình lịch sử và ám ảnh dân tộc chủ nghĩa từ quá khứ xung đột của khu vực. Hàn Quốc cho rằng việc Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima là do việc Tôkiô thôn tính đế quốc bán đảo Triều Tiên năm 1905. Trung Quốc cũng cho rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn thuộc về Trung Quốc cho đến khi các vùng lãnh thổ này được các cường quốc phân chia lại một cách không công bằng cho Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tại Bắc cực, các tranh chấp lãnh thổ tồn tại giữa các các đồng minh lâu năm (Mỹ và Canađa tại Biển Beaufort), và giữa các cường quốc bậc trung yêu hòa bình (Canađa và Đan Mạch đối với đảo Hans), không muốn xung đột vì tranh chấp tại khu vực xa xôi, có thời tiết khắc nghiệt. Ngay cả Nga cũng chọn thương thuyết với Na Uy để giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Biển Barents. Thậm chí những lý lẽ dân tộc chủ nghĩa còn có thể thúc đẩy sự hợp tác tại Bắc cực. Sự "xâm phạm" Bắc cực của các cường quốc "bên ngoài" như Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, mà một số nước cho rằng nên tuyên bố Bắc cực là di sản chung của nhân loại, đã khiến các quốc gia Bắc cực - do sợ bị mất sự toàn vẹn lãnh thổ - đoàn kết với nhau.

Thứ ba, sự nổi bật của các vấn đề khoa học/môi trường và cộng đồng bền vững trong các cuộc thảo luận của Hội đồng Bắc cực đang hạn chế khả năng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Hội đồng Bắc cực vẫn hướng tới việc bảo tồn Bắc cực, nghiên cứu những tác động của sự thay đổi môi trường và thúc đẩy mức sống của các cộng đồng thổ dân, với việc đưa 6 tổ chức thổ dân thường xuyên tham gia các cuộc thảo luận của Hội đồng. Điều đó có nghĩa rằng các vấn đề Bắc cực bị phân tán theo nhiều cơ chế khác nhau, chứ không hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của các chính phủ quốc gia. Nhưng các tranh chấp đảo tại châu Á chủ yếu xoay quanh những hòn đảo không người ở, không có cộng đồng thổ dân để đẩy lùi những thái độ dân tộc chủ nghĩa. Mặc dù các bộ luật biển quốc tế vẫn cho phép các tàu nghiên cứu khoa học qua lại tự do, nhưng bản thân các hòn đảo tranh chấp ở châu Á vẫn ít có giá trị khoa học. 

Theo "Asiapacific" (ngày 2/10)

Hương Trà (gt)