JASD.jpg

Kể từ năm 1894, giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã có 3 lần xảy ra chiến tranh. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, do nước Nhật bị tàn phá nặng nề và bị quân đồng minh kiểm soát nên khả năng giao tranh tái diễn giữa Nhật Bản và Trung Quốc được dư luận đánh giá là hầu như không thể xảy ra. Đánh giá đó càng được khẳng định và củng cố sau khi Nhật Bản thông qua hiến pháp hòa bình. Vào thời điểm đó, Trung Quốc cũng là một nước nghèo, xã hội nông nghiệp lạc hậu, khả năng phòng thủ yếu kém.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong 30 năm qua đã dần dần xóa mờ ý kiến cho rằng hai cường quốc này sẽ không bao giờ giao tranh trở lại. Quân đội Trung Quốc, trong hàng thập kỷ qua luôn tăng ngân sách ở mức hai con số và hiện có quân đội lớn nhất trong khu vực. Hai nước thường đứng ở hai chiến tuyến đối địch nhau trong một số vấn đề khu vực. Trung Quốc và Nhật Bản hiện mâu thuẫn gay gắt về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cũng phản đối việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Triều Tiên và Nga cũng trái ngược hoàn toàn với sự phản đối của Nhật Bản đối với nhiều chính sách của Bình Nhưỡng và Moskva.

Có 3 kịch bản nhiều khả năng sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh Trung-Nhật: một là, hai nước sẽ giao tranh trực tiếp; hai là, Nhật Bản sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chiến mà trong đó Nhật Bản đóng vai trò là đồng minh của Mỹ; ba là, hai nước sẽ xung đột liên quan đến vấn đề Triều Tiên.

Thứ nhất, giao tranh trực tiếp: Chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra giữa hai nước sau một cuộc khủng hoảng leo thang nghiêm trọng. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều điều tàu của lực lượng Phòng vệ Bờ biển đến khu vực trong và xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là cách mà cả hai bên đều cho là hữu ích để "thể hiện chủ quyền" và để "hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền" mà không cần phải viện đến các lực lượng quân sự.

Tuy nhiên, khả năng leo thang xung đột vẫn hiện hữu. Để thể hiện quyết tâm, có thể một trong hai nước sẽ thay các tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển bằng các tàu quân sự. Động thái như vậy chắc chắn sẽ bị bên kia trả đũa. Các chuyến bay xâm phạm không phận, các loạt đạn cảnh cáo, hay các động thái biểu dương sức mạnh khác... đều có thể nhanh chóng làm xung đột leo thang vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mỗi bên. Việc Trung Quốc triển khai máy bay và tàu hải quân xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể được coi là sự đối đầu nguy hiểm nhất (kể từ khi xảy ra Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba) giữa hai cường quốc hầu như chưa có kinh nghiệm gì về chính sách "bên miệng hố chiến tranh".

Xung đột giữa hai cường quốc này cũng có thể nổ ra bất ngờ do những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ hai nước. Tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và ở Nhật Bản cũng vậy. Trên thực tế, các nhà hoạt động Trung Quốc năm 2012 đã tiến hành một chuyến "vi hành" chóng vánh đến quần đảo này. Những hành động tương tự như vậy, hay việc tàu cá của một trong hai nước đi vào địa phận của một trong những hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - đều có thể khiến bên kia dùng vũ lực bắt giữ công dân của đối phương, gây ra các hành động đáp trả lẫn nhau về mặt quân sự.

Thứ hai, xung đột Mỹ-Trung: Trong hơn 50 năm qua, Mỹ và Nhật Bản là những đồng minh thân thiết. Hai nước thường xuyên "vai kề vai" trong nhiều vấn đề như Biển Đông hay Triều Tiên. Các vấn đề "điểm nóng" hiện nay ở châu Á có tầm quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với cả Nhật Bản. Mỹ và Nhật Bản đã tạo thành một mặt trận thống nhất ở Biển Đông và Biển Hoa Nam. Sự hợp tác quân sự và chính trị chặt chẽ giữa hai nước đồng nghĩa với việc Tokyo và Washington chắc chắn sẽ sát cánh cùng nhau nếu xảy ra chiến tranh ở châu Á.

Cuối tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố rằng Thỏa thuận An ninh Mỹ-Nhật "vẫn có hiệu lực mạnh mẽ và có trách nhiệm bảo vệ các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Nhật Bản, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư". Như vậy, rõ ràng là bất kỳ hành động hiếu chiến nào của Trung Quốc nhằm tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đều sẽ vấp phải sự phản ứng của các lực lượng Mỹ.

Mỹ và Nhật Bản cũng có thể giao tranh với Triều Tiên. Mặc dù Nhật Bản có thể không trực tiếp can dự vào bất cứ cuộc giao tranh nào, song nước này chắc chắn sẽ tăng cường hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng Mỹ. Một cuộc chiến tranh như vậy nhiều khả năng sẽ lôi kéo cả Trung Quốc can dự. 

Thứ ba, một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể lôi kéo cả Trung Quốc và Nhật Bản. Triều Tiên là một nước láng giềng khó đoán và ngang ngạnh, thường xuyên đưa ra những lời đe dọa mang tính bạo lực nhằm vào Nhật Bản. Bình Nhưỡng cũng sở hữu một đội quân hùng mạnh và nhiều vũ khí hạt nhân. Một cuộc khủng hoảng do Bình Nhưỡng gây ra có thể trở thành chất xúc tác đẩy Trung Quốc và Nhật Bản vào cùng một cuộc khủng hoảng nhưng lại ở hai chiến tuyến đối đầu nhau. Trung Quốc tuy không ủng hộ “triều đại” họ Kim, nhưng Bắc Kinh cần một Triều Tiên ổn định ở biên giới phía nam của họ. Trung Quốc sẽ bị ám ảnh bởi việc phải duy trì sự ổn định cho Triều Tiên, trong khi mục tiêu của Nhật Bản sẽ là không để cho Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc muốn quân đội nước ngoài đứng bên ngoài, còn theo Nhật Bản, cách duy nhất để vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là đưa quân vào trong lãnh thổ Triều Tiên.

Các hành động quân sự của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên sẽ là điều không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc, đặc biệt là nếu xảy ra khả năng các lực lượng Nhật Bản đồn trú lâu dài ở Triều Tiên. Nếu các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn điều đó thất bại, có thể Trung Quốc sẽ dùng vũ lực quân sự để đánh đuổi binh lính Nhật.
Một khả năng khác là Nhật Bản quyết định tấn công phủ đầu nhằm vào kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong bối cảnh quân đội Triều Tiên đang có phần sa sút, việc chống đỡ những cuộc tấn công như vậy là điều ngày càng khó khăn đối với đất nước này. Trung Quốc, do lo ngại các cuộc tấn công nói trên thành công sẽ lật đổ chính quyền Kim Jong-un, có thể sẽ quyết định tích cực bảo vệ Triều Tiên. Và như vậy, các binh lính Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phải chạm trán nhau ở Triều Tiên một cách hoàn toàn bất ngờ.

Vẫn chưa rõ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong tương lai gần có xảy ra chiến tranh hay không. Hiện tại, không bên nào tỏ ý định sẽ can dự vào một cuộc chiến tranh lớn. Tuy nhiên, chiến tranh có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào, thường là nằm ngoài dự liệu của các bên.

Bài viết của Kyle Mizokami đăng trên mạng tin "National Interest"

Thùy Anh (gt)