dong-nhanh-dan-te-co-the-tang-3-5-trong-nam-2014(1).jpg

 

Trung Quốc đã công bố hỗ trợ vốn vay cho Campuchia để xây dựng một dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Phnom Penh giữa lúc diễn ra chiến dịch tranh cử trong khi Liên minh châu Âu (EU) lại dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Đông Nam Á này. Truyền thông lưu ý đến sự góp mặt của Đại sứ Trung Quốc ở Phnom Penh trong chiến dịch vận động của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền ở thủ đô Phnom Penh. Giới phân tích chính trị cho rằng những hoạt động nhộn nhịp của Bắc Kinh trong chiến dịch tranh cử kéo dài 3 tuần cho thấy Trung Quốc chẳng muốn để lại gì ngoài cơ hội để đảm bảo đồng minh trung thành nhất ở Đông Nam Á, người cai trị lâu đời của Campuchia, Hun Sen, sẽ “yên tâm” giành chiến thắng trong cuộc đua ngày 29/7 vừa qua.

“Đây là bước đi táo bạo đối với Trung Quốc”, Tiến sĩ Chheang Vannarith, từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore bình luận. “Trước đây, Trung Quốc thường ‘giấu mặt’ trong các vấn đề chính trị nội bộ và bầu cử ở Campuchia. Còn lần này, Trung Quốc lại tỏ ra lộ liễu và bạo trợn”.

Bắc Kinh có mối quan hệ lâu đời song không ổn định với quốc gia láng giềng phương Nam này. Sau khi hậu thuẫn chế độ Khmer Đỏ, mối quan hệ này không còn là “mật ngọt”. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, quan hệ giữa Bắc Kinh với chính quyền Hun Sen lại bền chặt hơn. “Trung Quốc coi Campuchia là một quốc gia mang tính chiến lược, rất quan trọng đối với Trung Quốc”, Tiến sĩ Chheang giải thích, và bình luận thêm rằng Bắc Kinh đã “rút ra được bài học” từ sự thất cử bất ngờ của liên minh cầm quyền lâu đời của Malaysia hồi tháng 5 vừa qua. Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hoãn triển khai các dự án do Trung Quốc đầu tư trị giá hơn 20 tỷ USD và đã chỉ trích gay gắt một số khoản đầu tư của Bắc Kinh.

Phnom Penh lâu nay ủng hộ các hoạt động quân sự hóa và xây dựng của Bắc Kinh ở Biển Đông và trở thành “lá chắn” cho Trung Quốc trước những chỉ trích của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại các cuộc họp của khối này. Đối với Campuchia, Trung Quốc là đồng minh chính trị và kinh tế gần gũi nhất. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia tăng từ 600 triệu USD năm 2012 lên 1,08 tỷ USD trong năm 2016. Trong vòng 5 năm qua, vốn đầu tư của Bắc Kinh chiếm khoảng ½ tổng số vốn đầu tư nước ngoài. Khi được hỏi liệu Trung Quốc có hậu thuẫn để ông Hun Sen tái đắc cử, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 27/7 nói rằng cuộc bầu cử là công việc nội bộ nhưng Trung Quốc muốn Campuchia “phát triển ổn định”.

Theo tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản), khi chiến dịch tranh cử chính thức diễn ra, Đại sứ Trung Quốc ở Phnom Penh, ông Xiong Bo, là một vị khách tại một cuộc vận động của đảng cầm quyền của Hun Sen. Trong thời gian này, Trung Quốc tuyên bố sẽ cấp khoản vay ưu đãi trị giá 259 triệu USD giúp Campuchia thực hiện dự án đường vành đai ở Phnom Penh.

Đại sứ Xiong đã ca ngợi chính sách ngoại giao “tuyệt vời” của Campuchia đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà EU đưa ra đối với ngành công nghiệp dệt may quan trọng của nước láng giềng. Tờ Phnom Penh Post dẫn lời Đại sứ này nói: “Cho dù EU quyết định làm gì thì Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với Campuchia ở mọi lĩnh vực, nhất là về quan hệ kinh tế và thương mại”.

Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Úc, mối quan hệ giữa CPP và Trung Quốc đã bền chặt hơn sau khi CNRP suýt giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2013 và lực lượng ủng hộ phe đối lập phát động các cuộc biểu tình, cáo buộc cuộc bầu cử 2013 là gian lận. “Trung Quốc cảm thấy điều này đáng lo ngại và đã nói với Hun Sen rằng họ muốn sự ổn định”, Giáo sư Thayer tiết lộ thông tin từ các nguồn tin ngoại giao.

Mối quan hệ gần gũi của Bắc Kinh với giới cầm quyền Campuchia diễn ra tiếp sau những nỗ lực ngoại giao và hàng tỷ USD viện trợ và đầu tư từ phương Tây trong hàng chục năm. Tuy nhiên, khi phương Tây chỉ trích những vi phạm nhân quyền và sai phạm bầu cử ở Campuchia, mối quan hệ giữa Hun Sen và Trung Quốc lại được thắt chặt. “Trung Quốc hiện đầu tư mạnh tay vào CPP và ngược lại”, Giáo sư Thayer nhận định.

Theo “Straitstimes

Anh Thư (gt)