Các nước châu Á đã trở thành những nền kinh tế mạnh mẽ, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo và tạo được sự tự tin trên vũ đài thế giới. Tại châu Âu, các nước từ phía Đông và phía Tây đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU), biến EU trở thành biểu tượng chính trị đầy tham vọng và phát triển nhất trong lịch sử châu lục này. Toàn cầu hóa, phụ thuộc lẫn nhau, phân phối lại quyền lực, áp lực về tài nguyên thiên nhiên là một trong các xu hướng chính định hình thế kỷ 21. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ giữa hai châu lục Âu-Á ngày nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không có gì đáng ngạc nhiên rằng 5 trong số các đối tác chiến lược của EU là những nước tham gia ASEM - một diễn đàn mà qua đó hai bên gặp gỡ thường xuyên và ở cấp cao nhất. Từ những mối quan hệ sâu rộng đó, các cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo EU tại Viêng Chăn vào hai ngày 5-6/11 tập trung xung quanh ba mục tiêu chính:

Trước hết, hai bên cần một sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và toàn diện. Kinh tế thế giới đã trải qua thời gian thử thách khắc nghiệt nhất kể từ năm 1930, sau sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. EU đang thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm nợ công, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững và một đồng tiền chung ổn định. EU tìm đến các nước châu Á để giúp các này củng cố hệ thống tài chính công, cân bằng lại mô hình tăng trưởng cho phù hợp còn các nước châu Á hợp tác với EU để hỗ trợ sự phục hồi toàn cầu bền vững.

Thứ hai, hai bên cần thúc đẩy tăng trưởng để hỗ trợ thương mại thế giới. Quan hệ thương mại song phương giữa EU và châu Á có một tiềm năng rất lớn để khai thác. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết với Hàn Quốc và đang được đàm phán với Xinhgapo, Malaixia, Việt Nam, Ấn Độ, và Nhật Bản trong tương lai sẽ giúp khai thông những tiềm năng đó. Bên cạnh đó, hai bên có thể tiếp tục nỗ lực ký kết FTA với các nước khác. Nhằm hỗ trợ thương mại thế giới, châu Á và EU cũng có thể tăng cường các cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và rào cản thương mại. 

Thứ ba, cả EU và châu Á đều cần sự ổn định và an ninh, và cách tốt nhất để đạt được điều này là thông qua các giải pháp được đàm phán và các thể chế chung. Châu Á sẽ được hưởng lợi từ các thể chế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn xung đột và giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có hiệu quả ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Hai nhà lãnh đạo của EU hoan nghênh việc ASEAN đang đóng vai trò chỉ đạo quá trình phát triển các sáng kiến hợp tác rộng lớn hơn ở Đông Á trong các diễn đàn như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Là một đối tác có cam kết mạnh mẽ với châu Á, EU vừa tham gia trong năm nay Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC), và đã là một thành viên tích cực của ARF, đồng thời bày tỏ mong muốn đóng góp cho các cuộc tranh luận trong khu vực và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như quản lý khủng hoảng, giải quyết xung đột và ngoại giao phòng ngừa.

Bên cạnh những thế mạnh về khoa học và kỹ thuật, EU mang đến cho các đối tác châu Á một thị trường có qui mô lớn nhất thế giới tính theo giá trị, là đối tác thương mại, đầu tư và là nhà tài trợ lớn nhất. Không chỉ vậy, EU cũng mang đến kinh nghiệm về hội nhập khu vực và một chính sách an ninh, đối ngoại hướng đến thúc đẩy sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định, cùng với một hệ thống chính phủ dựa trên sự tôn trọng các quy định của pháp luật và quyền con người.

Mặc dù trước đây, các yếu tố kinh tế trong mối quan hệ giữa hai bên từng chiếm ưu thế, song hiện nay tầm quan trọng của qui mô về chính trị và an ninh đã dần được nâng lên. EU đang phát triển mối quan hệ đối thoại an ninh rộng rãi với nhiều nước châu Á, tập trung vào các vấn đề như chống cướp biển, khủng bố và tội phạm sử dụng công nghệ cao. EU cũng hỗ trợ trong việc củng cố nền dân chủ, chẳng hạn như hợp tác với ASEAN để bảo đảm hòa bình ở Aceh (Inđônêxia) và đóng góp vào tiến trình hòa bình ở Mindanao (Philíppin).Trong bối cảnh đó, Hội nghị cấp cao ASEM-9 mang lại cơ hội để giải quyết một loạt các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, giúp tăng cường hợp tác Á-Âu và khởi động thêm các sáng kiến chung. Hội nghị cũng là dịp để chào đón thành viên mới Băngla Đét, Nauy và Thụy Sĩ - một dấu hiệu khác nói lên sự hấp dẫn của ASEM và mối quan hệ EU-châu Á mạnh mẽ và gần gũi. EU trông đợi được đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEM tiếp theo tại Brúcxen (Vương quốc Bỉ) vào năm 2014.

Herman Van Rompuy là Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, José Manuel Barroso là Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Bài viết được đăng trên tờ “Bưu điện Giacácta” ngày 05/11/2012.

Viết Tuấn (gt)