Bằng cách lôi kéo Bắc Kinh vào mạng lưới các quy tắc chung đan xen lẫn nhau, các nước ASEAN mong muốn thuyết phục Trung Quốc tránh sử dụng vũ lực với các nước láng giềng nhỏ bé hơn. Cũng giống như suy nghĩ của các nước châu Âu về Nga, các nước ASEAN cho rằng Trung Quốc khó có khả năng gây ra một cuộc chiến với Nhật Bản vì tranh chấp quần đảo Điếu Ngư, mà Tokyo gọi là Senkaku. Xét cho cùng, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này phụ thuộc khá nhiều vào nhau và bất cứ một cuộc xung đột nào xảy ra cũng sẽ gây ra những tổn thất kinh tế lớn và bất ổn trong khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng vũ lực. Hai năm qua, lực lượng bán quân sự của Trung Quốc đã ngăn cản Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông. Tháng trước, Lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã ngăn chặn hai tàu của Philippines tiếp cận bãi cạn Second Thomas để chuyển hàng cung cấp và thay phiên các binh sĩ hiện diện tại đây. Trong khi đó, số lần tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng không ngừng tăng lên. Mới đây, Trung Quốc đã ngang nhiên bắt giữ tàu hàng Baosteel Emotion của Nhật Bản để đòi Tokyo bồi thường thiệt hại liên quan tới ''những hóa đơn chưa thanh toán'' từ thập niên 30 của thế kỷ trước.

Tất cả những động thái này đã dẫn đến câu hỏi: Trong bối cảnh Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng "Giấc mộng Trung Hoa" sau nhiều thập kỷ bị các cường quốc phương Tây làm cho bẽ mặt, các nước ASEAN có thể làm được gì trước sự phô trương sức mạnh hay sử dụng vũ lực của Trung Quốc? Câu trả lời sẽ là: Thực sự không nhiều. Nói một cách đơn giản là công văn, giấy tờ không có nghĩa lý gì khi đối mặt với tên lửa. Trong trường hợp này, các nước ASEAN có thể có nguồn an ủi từ chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Là nước đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho châu Á, Washington có thể hỗ trợ các nước khu vực chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự "tái cân bằng" của Mỹ hiện vẫn còn hạn chế do những áp lực tài chính ở trong nước và những cam kết của Washington ở Trung Đông. Và quan trọng hơn, Mỹ chưa chắc đã hành động giống như trong khuôn khổ các cam kết liên minh với Philippines và Nhật Bản - hai nước hiện đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Điều này không có nghĩa là hoạt động của ASEAN không hiệu quả. Trong những năm vừa qua, hiệp hội này đã hỗ trợ Myanmar tái hòa nhập vào ASEAN. ASEAN cũng đã thành công trong việc mời được cả Trung Quốc, Nga và Mỹ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Tháng 6/2013, ADMM+ đã tổ chức thành công cuộc diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Đây là cuộc diễn tập lịch sử với sự tham gia của 3.000 binh sĩ đến từ các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đối với ASEAN là làm thế nào để tiếp tục duy trì sự hợp tác như vậy trong các vấn đề an ninh "cứng" như tranh chấp lãnh thổ.

Cho đến thời điểm này, ASEAN vẫn thiếu sự liên kết trong vấn đề Biển Đông, liên quan tới bốn nước thành viên ASEAN, gồm Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam với Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ hồi tháng 7/2012 khi ASEAN không thông qua được tuyên bố chung do những bất đồng về vấn đề Biển Đông. Hiện chỉ có Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN khác như Malaysia và Brunei có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn trong các tranh chấp với Trung Quốc. ASEAN hiện vẫn đang nỗ lực hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (CoC) với Trung Quốc và hiệp hội này có thể lợi dụng tranh chấp giữa Trung Quốc-Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Khi đó trách nhiệm sẽ nằm trên vai của Mỹ và việc nước này có hỗ trợ Nhật Bản hay không. Trong bối cảnh này thì không có gì đáng ngạc nhiên khi các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines buộc phải tăng cường khả năng quân sự của mình để chống lại ưu thế ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc. Đến thời điểm này, Việt Nam đã đặt hàng 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, trong khi Philippines đã lên kế hoạch mua thêm tàu tuần tra có trang bị tên lửa của Mỹ.

Theo Straits Times

Trần Quang (gt)