10605140.JPG

Trung Quốc cương quyết từ chối công nhận và thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay về vụ kiện của Philippines. Họ viện dẫn tiền lệ của Mỹ vào năm 1986, khi quốc gia này cũng có hành vi tương tự đối với phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Năm 1986, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết có lợi cho Nicaragua trong vụ nước này kiện Washington viện trợ cho phiến quân và khai thác cảng mà không có sự đồng thuận của nước sở tại. Mỹ đã tẩy chay hầu hết các thủ tục tố tụng, và không chấp nhận phán quyết rằng Washington phải bồi thường 370 triệu USD cho Managua. Cuối năm đó, Mỹ còn dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để phản đối một dự thảo nghị quyết kêu gọi nước này thực thi đầy đủ phán quyết của ICJ. Trong khi đó, Trung Quốc là 1 trong số 11 quốc gia trong HĐBA bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Đây là một trong những lý do để Bắc Kinh phớt lờ vụ kiện của Philippines, tuy nhiên, nhiều người bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ là một ví dụ tích cực hơn, và sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, bởi xét cho cùng Trung Quốc sẽ chỉ có lợi nếu làm như vậy.

Trung Quốc hiện một mặt khẳng định không thừa nhận và không chấp nhận phán quyết, mặt khác tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động củng cố chủ quyền trên thực địa. Trong khi đó, dù là bên chiến thắng trong vụ kiện song Manila đã có động thái chìa tay về phía Bắc Kinh và đề nghị đàm phán. Tuy nhiên, trong những tháng tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải hứng chịu những tổn thất không nhỏ về mặt lợi ích và chính trị, nhất là khi Manila sẽ sử dụng phán quyết để củng cố các quyền và lợi thế của mình. Việt Nam, một quốc gia đang có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc, cũng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài và tuyên bố có quyền đánh bắt hải sản trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa - một khu vực có nhiều tranh chấp.

Trung Quốc khăng khăng nhấn mạnh các tranh cãi nên được giải quyết bằng con đường đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan, và Trung Quốc cùng ASEAN hoàn toàn có thể cùng đảm bảo sự ổn định tại Biển Đông. Sau phán quyết, Bắc Kinh cần phải thận trọng trong các hành động của mình, và giới quan sát cho rằng một trong những động thái thể hiện thiện chí của Trung Quốc, có thể là xóa bỏ sự hạn chế đối với các ngư dân Philippines trong việc tiếp cận vùng biển xung quanh Bãi cạn Scaborough và rút các lực lượng bán dân sự khỏi Bãi Cỏ mây. Trong khi đó, ASEAN cũng cần phải tận dụng lợi thế từ phán quyết, nhất là trên mặt trận an ninh. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã khiến Trung Quốc ngạc nhiên khi phủ nhận hoàn toàn tính chính đáng của cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà họ vạch ra. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ phán quyết này, cả ở trên bàn đàm phán và trên thực địa.

Các vấn đề liên quan đến chủ quyền trong phán quyết có sự liên quan mật thiết tới sự ổn định và quan hệ láng giềng. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ rõ sự cương quyết, song cũng rất linh hoạt trong cách hành xử của mình để thích ứng với sự xoay chuyển tình hình. Tuy nhiên, nếu lực lượng vũ trang Philippines hoặc các tàu dân sự được triển khai để hỗ trợ việc tái thực hiện các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trong khu vực, Mỹ, một đồng minh của Philippines, có thể sẽ bị kéo vào xung đột, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Phán quyết của Tòa càng cho thấy tầm quan trọng của việc nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Cả ASEAN và Trung Quốc sẽ đều có lợi nếu có thể đàm phán COC trong bầu không khí ít căng thẳng hơn, để từ đó tìm ra các biện pháp ngăn ngừa, xác định cụ thể các nguyên tắc phối hợp giữa lực lượng bán quân sự. Hơn thế nữa, một bộ quy tắc như vậy phải phù hợp với Bộ Quy tắc về các sự cố bất ngờ trên biển. Các bên có thể phối hợp hoạt động ở các vùng giáp ranh và khu vực xen kẽ, nhất là trong việc bảo vệ môi trường, tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, cũng như hợp tác chống cướp biển và vượt biên trái phép.

Phán quyết của Tòa đã đặt dấu chấm hết cho những sự mơ hồ bấy lâu này mà người ta vẫn vướng vào khi nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có lợi cho các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong khu vực. Cả Trung Quốc và ASEAN đều đang thận trọng với một “sự bình thường mới” tại Biển Đông. Rõ ràng họ đang đứng trước ngã ba đường quan trọng. ASEAN và Trung Quốc có thể lựa chọn cách thức riêng để vượt qua từng thách thức, song họ cũng có thể cùng phối hợp, dùng ảnh hưởng của mình để đảm bảo hòa bình và ổn định. Dù lựa chọn là gì thì cả Trung Quốc và ASEAN trước hết đều cần phải đạt được một sự đồng thuận nhất định. Mâu thuẫn hay né tránh đều không phải là giải pháp cuối cùng.

Sourabh Gupta là nhà Nghiên cứu Cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung ở Washington, DC. Bài viết đăng trên “East asia forum”.

Hương Trà (gt)