Tính ổn định và sự gắn kết của ASEAN đã trải qua cuộc thử nghiệm căng thẳng tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thường niên lần thứ 45 ở Phnôm Pênh, Campuchia, vào tháng 7 vừa qua và lộ rõ sự yếu kém. Việc không ra được thông cáo chung lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này đã thể hiện sự bất lực của Chủ tịch Campuchia và các thành viên khác trong việc giải quyết các bất đồng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông có liên quan tới Trung Quốc. 

Mặc dù Campuchia tuyên bố rằng họ hành động theo "lập trường nguyên tắc" không muốn ASEAN tham gia các vấn đề song phương, nhưng các thành viên khác lại cho rằng việc không đề cập tới vấn đề tranh chấp là vô trách nhiệm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ASEAN. Trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tháng 9/2012, Thủ tướng Xinhgapo Lý Hiển Long đã tuyên bố rằng Biển Đông là một vấn đề chính đối với ASEAN và rằng uy tín của ASEAN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu ASEAN chọn cách không đề cập tới vấn đề này. Ông Lý Hiển Long nói thêm rằng điều quan trọng là ASEAN "không nên ủng hộ tuyên bố chủ quyền nào", nhưng "nên tham gia và thể hiện lập trường trung lập, mong muốn tìm kiếm và khích lệ giải pháp hòa bình cho các vấn đề". Trong tuyên bố chung ngày 13/9, Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng Bí thứ Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi một giải pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế cho các tranh chấp nói trên. Hai bên còn bày tỏ hy vọng rằng các cuộc thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông một cách hòa bình sẽ sớm bắt đầu. 

Trong lịch sử, ASEAN đã theo đuổi một chính sách trung lập, từng được thể hiện trong Tuyên ngôn về một khu vực hòa bình, tự do và trung lập năm 1971, điều đặc biệt nhấn mạnh tới việc duy trì lập trường có khoảng cách giữa các cường quốc. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vai trò của ASEAN đã chuyển từ một người khách thầm lặng sang người cầm lái tích cực, mở ra các quan hệ đối thoại và đối tác kinh tế với các cường quốc chủ chốt từ Mỹ, tới Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và lên tới đỉnh điểm với Hội nghị cấp cao Đông Á (ASEAN+8) trong năm 2011. ASEAN cũng đã lĩnh hội và bày tỏ lập trường trong các vấn đề toàn cầu trong khi vẫn tránh tham gia các tranh chấp giữa các cường quốc. Tuy nhiên, vấn đề thứ hai này và có lẽ đáng quan tâm hơn là việc liệu ASEAN có bị buộc phải lựa chọn giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh. Đây là vấn đề mà ASEAN sẽ phải giải quyết một cách thận trọng để bảo đảm các mục tiêu lâu dài của mình không bị ảnh hưởng bởi những lựa chọn ngắn hạn. Thực tế cả Mỹ và Trung Quốc đều đã tăng cường dấu ấn của mình tại châu Á cả về kinh tế lẫn quân sự trong thập kỷ qua. Khi xét tới việc Mỹ sử dụng ảnh hưởng vượt trội của mình đối với khu vực này trong quá khứ, người ta có thể cho rằng quan hệ giữa Oasinhtơn và ASEAN được thể chế hóa đủ để đưa ra một vài mức độ dự báo chính trị. Ví dụ như cái gọi là trọng tâm của Mỹ đối với châu Á không nên được xem như là một chính sách mới của Chính quyền Obama, nhưng nên được coi là một nỗ lực dài hạn nhằm duy trì việc tiếp cận và sự có mặt của Mỹ tại một khu vực sẽ tiếp tục trải qua những thay đổi về chính quyền. 

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Xinhgapo Ng Eng Hen đã bày tỏ quan điểm của không chỉ một quốc gia ASEAN khi ông này mô tả quan hệ quốc phòng của Xinhgapo với Mỹ có "sự khác biệt về chất lượng" so với mối quan hệ với Trung Quốc, mối quan hệ với Mỹ này được dựa vào "một lịch sử lâu dài hơn và sự chia sẻ quan điểm về một loạt các vấn đề khu vực". Tuy nhiên, nền ngoại giao chiến lược của Bắc Kinh trong những năm qua đã mang lại kết quả, đó là những mối quan hệ ngày càng phát triển giữa họ với ASEAN, đặc biệt là với các nước thành viên đang phát triển như Campuchia, Lào và Mianma. Với tư cách là một đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, Bắc Kinh đã mở rộng sự ảnh hưởng kinh tế của họ vượt ra khỏi quan niệm là công xưởng lớn nhất của thế giới. Thực tế, dòng nhân dân tệ (NDT) chảy vào các thị trường tài chính đã cho phép Bắc Kinh có một vai trò quốc tế lớn hơn về tiền tệ. Nhưng lớn hơn cả sức mạnh kinh tế của mình, Bắc Kinh còn có cả sức mạnh trong hệ thống quốc tế như lời của Thủ tướng Lý Hiển Long nói "Trung Quốc là một bên tham gia lớn đến nỗi không có một vấn đề quốc tế nào có thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của họ". 

Do vậy, sự đánh giá thận trọng hơn về cách xử lý của ASEAN với Mỹ và Trung Quốc là một nhân tố trong chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia này. Trong khi các tít báo quốc tế thường đề cập tới sự đối đầu và căng thẳng giữa hai nước này, thì một sự đánh giá cụ thể hơn cũng phải tính đến những dấu hiệu tích cực xuất hiện trong quan hệ Trung-Mỹ. Những điều này bao gồm phản ứng thông thường của họ đối với cuộc thử nghiệm tên lửa năm 2012 của Bắc Triều Tiên và mức độ quan trọng trong việc phối hợp giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Cả Bắc Kinh và Oasinhtơn đều hiểu rõ về các nguyên tắc quốc tế này và cũng có hợp tác tích cực với nhau nhằm đảm bảo rằng các lợi ích của họ phải được duy trì ở mức cao nhất. Trong khi điều quan trọng là các nước ASEAN cần chia sẻ một tầm nhìn chung về tương lai khu vực, việc theo đuổi các lợi ích quốc gia đang bị đe dọa cũng có nghĩa là cộng đồng ASEAN sẽ không thể có khả năng nhất trí về tất cả các vấn đề. Với sự dịch chuyển trọng tâm của Mỹ đối với châu Á và sự mở rộng rõ ràng quyền lực của người Trung Quốc, lợi ích của các nước ASEAN sẽ được đảm bảo tốt hơn bằng việc tiếp tục mở rộng các quan hệ của họ với các đối tác khu vực và toàn cầu khác. 

Thực tế, cả Hội nghị cấp cao Đông Á mở rộng và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương đều có sự tham gia đáng kể của ASEAN, đã cho phép cá nhân các nước thành viên tìm kiếm vượt ra ngoài các trụ cột khu vực trong mối liên hệ về các lợi ích quốc gia của họ. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với các nước ASEAN là duy trì nhận thức về những cam kết chung của họ đối với một cộng đồng ASEAN rộng lớn hơn và hành động theo các nguyên tắc quốc tế đã được thiết lập. Như lời của ông Lý Hiển Long nói tại Bắc Kinh rằng "ASEAN phải tiếp tục thống nhất mới có thể thực hiện được ưu thế trên trường quốc tế, để tiếng nói của chúng ta được ghi nhận và để giành được cũng như duy trì được các lợi ích chung”. Thực tế, không một quốc gia ASEAN nào có thể hành động tách khỏi cộng đồng ASEAN, việc theo đuổi các lợi ích quốc gia không thể bị tách khỏi nhu cầu trở thành các láng giềng tốt và đối tác tốt. Sau 45 năm, vận mệnh và tương lai của các thành viên ASEAN đang được gắn kết chặt chẽ với nhau.

Benjamin Ho là nghiên cứu viên thuộc Chương trình Chủ nghĩa Đa phương và Chủ nghĩa Khu vực, Học viện nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam (RSIS), ở Singapore. Bài viết được đăng trên Nationmultimedia.

Viết Tuấn (gt)