Theo báo Nhật Bản “Sankei”, một số nước ASEAN đã có các động thái tích cực nhằm đối phó với tàu sân bay Varyag của Trung Quốc. Tại Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hồi đầu tháng 8/2011 cho biết Việt Nam sẽ mua của Nga 6 tàu ngầm 636MV lớp kilo trị giá 2 tỷ USD trong 5-6 năm tới để xây dựng biên đội tàu ngầm. Dù hiện sở hữu 2 tàu ngầm cỡ nhỏ nhưng các tàu này đã khá cũ và lạc hậu khiến Việt Nam phải lần đầu tiên hiện đại hóa tàu ngầm. Theo một nguồn tin từ Việt Nam, phía Ấn Độ cũng sẽ giúp một số công đoạn trong quá trình xây dựng biên đội tàu ngầm. Nhận định về kế hoạch này, chuyên gia phân tích quân sự Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Xinhgapo, cho rằng đây là một kế hoạch nhằm đối phó với sự xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông.

    Không chỉ có Việt Nam, một số nước ASEAN khác - trong đó có cả Thái Lan - cũng đang tăng cường kế hoạch mua thêm nhiều tàu ngầm để đối phó với Trung Quốc. Một nguồn tin quân sự ASEAN giải thích rằng ngư lôi (phóng ra từ tàu ngầm) là biện pháp hữu hiệu nhất để đối phó với tàu sân bay của Trung Quốc. Hiện nay, khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và các nước ASEAN rõ ràng có sự chênh lệch khá lớn. Do đó, Tổng thống Philíppin mới đây đã phải tuyên bố sẽ tăng cường sức mạnh hải quân và hiện đại hóa trang thiết bị nhằm bảo vệ lãnh thổ của nước này.

 Trước nguy cơ đến từ Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của toàn bộ các nước ASEAN đã tăng gấp 1,5 lần so với năm 2000. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của tàu sân bay Varyag, ngân sách này sẽ chắc chắn “phình to” hơn nữa. Theo một số chuyên gia quân sự, việc Trung Quốc chạy thử nghiệm tàu Varyag cũng sẽ khiến một số nước ASEAN tăng cường sự phụ thuộc vào “chiếc ô quân sự Mỹ”. Cụ thể, các nước này có thể tiến hành hỗ trợ hậu cần, trong khi sẽ nhận được từ Mỹ sự trợ giúp về mặt kỹ thuật quân sự, cách chỉ huy thông qua các cuộc tập trận chung và nâng cao trình độ tác chiến.

 Cùng chung nguy cơ với ASEAN, Ấn Độ lo ngại rằng tàu Varyag trong tương lai sẽ được triển khai tới Ấn Độ Dương, vùng biển “sân sau” của nước này. Tuy nhiên, Niu Đêli cho rằng việc này sẽ còn phải mất thêm một thời gian và họ sẽ tận dụng khoảng thời gian đó để tăng cường sức mạnh hải quân. Chuẩn tướng hải quân Uday Bhaskar, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng (IDSA), cho rằng Trung Quốc từ lâu đã thể hiện mong muốn sở hữu tàu sân bay và việc chạy thử tàu Varyag chỉ là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa tham vọng đó.

   Hiện nay, Ấn Độ mới chỉ có 1 tàu sân bay nhưng đã có kế hoạch tăng lên thành 4 tàu trong thời gian tới. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ hoàn thành việc tự chế tạo tàu sân bay trong tháng 12/2011 tới trong khi sẽ nhận tàu khác từ Nga trong tháng 12/2012. Bên cạnh đó, Niu Đêli cũng đẩy nhanh kế hoạch tự sản xuất và mua thêm một số tàu ngầm và tàu khu trục từ nước ngoài. Từ tháng 4/2010, Ấn Độ đã đưa vào sử dụng tàu khu trục INS Shivalik được trang bị công nghệ tàng hình và sắp sửa hoàn thành chiếc tàu thứ 2 ngay trong tháng 8/2011./.

Theo Sankei

Hoàng Anh (gt)