Kết quả là giờ đây mong muốn xây dựng một cơ cấu khu vực mở rộng do ASEAN đóng vai trò lãnh đạo đang bị thách thức mạnh mẽ bởi các nước thành viên EAS không thuộc ASEAN. Vào thời điểm EAS lần thứ 6 dự kiến diễn ra vào ngày 18/11 đang đến gần, các nước EAS không thuộc ASEAN đều đã đưa ra các đòi hỏi được đối xử bình đẳng và điều này có thể làm suy yếu vai trò dẫn dắt của ASEAN tại EAS cũng như đường lối đối ngoại mà tổ chức khu vực này đã áp dụng trong vòng 4 thập kỷ qua. Tại cuộc tham vấn quan chức cấp cao EAS tại Bali, Inđônêxia tháng 10 vừa qua, các thành viên EAS không thuộc ASEAN đã tranh cãi với ASEAN rằng vai trò dẫn dắt của ASEAN tại EAS phải dựa trên nguyên tắc là “đối tác bình đẳng” với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Mỹ và Nga. Các tranh cãi trên cho thấy các thành viên EAS không thuộc ASEAN rõ ràng đang muốn gây áp lực với ASEAN vì họ không muốn đóng vai trò thấp hoặc bị phụ thuộc vào ASEAN. 

Từ EAS đầu tiên ở Cuala Lămpơ năm 2005 đến nay, nội dung các chương trình nghị sự của EAS cũng như việc kết nạp thành viên mới đều do ASEAN toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, khi quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc được tăng cường thì các nước EAS không thuộc ASEAN cũng gia tăng đòi hỏi được đối xử bình đẳng. Các nước này cho rằng EAS là một diễn đàn thảo luận các vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế rộng rãi nên họ phải được quyền tham gia xây dựng chương trình nghị sự của EAS. Với lập luận này, trong tương lai, các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải, không phổ biến vũ khí, an ninh năng lượng và liên kết khu vực cũng sẽ trở thành các vấn đề thuộc chương trình nghị sự của EAS. 

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ASEAN lo ngại sẽ mất quyền kiểm soát EAS nếu trao cho các nước thành viên EAS không thuộc ASEAN quyền tham gia xây dựng chương trình nghị sự và quyền đứng ra tổ chức các hội nghị cấp cao EAS. Lo ngại này không hẳn là thiếu cơ sở vì giống như nhiều diễn đàn khác mà ASEAN đóng vai trò dẫn dắt, ASEAN đang có xu hướng trở thành thiểu số trong EAS nếu xét về con số thành viên. Trong các vấn đề chính trị khu vực và toàn cầu thì con số luôn là một lợi thế vì nó giúp tăng cường tiếng nói. Chẳng hạn như trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) nay đã có 17 thành viên không thuộc ASEAN. Một ví dụ khác là hiện có gần 20 nước không thuộc ASEAN ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) với ASEAN và nếu căn cứ vào điều 3 sửa đổi của hiệp ước này thì các thành viên ngoài ASEAN giờ đây hoàn toàn có thể ngăn chặn một nước khác tham gia TAC với ASEAN bằng cách từ chối phê chuẩn. 
Việc các nước thành viên EAS không thuộc ASEAN có những vận động đòi bình đẳng hơn sẽ buộc các nước ASEAN phải hợp tác chặt chẽ với nhau hơn và phải xử sự với họ bằng thái độ tôn trọng hơn.

Theo The Nation (Thailand)

Thuỳ Anh (gt)