Evawangi, bác sĩ của một bệnh viện công ở ngoại ô Jakarta, mỗi ngày một lo lắng hơn. Bệnh viện của cô đã tiếp nhận ngày càng nhiều ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong 2 tuần qua, nhưng trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế ở đây đang cạn đi nhanh chóng. Nhiều người đã phải mặc những chiếc áo mưa rẻ tiền để bảo vệ mình. Evawangi cho biết: “Chúng tôi ưu tiên khẩu trang N95 và khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ và mũ chắn giọt bắn cho khoa cấp cứu và khu vực cách ly. Nguồn cung thiết bị của chúng tôi có hạn, chúng tôi chỉ có thể bổ sung từng ngày. Hiện chúng tôi chỉ có khoảng 40-50 bộ đồ bảo hộ, trong khi nhu cầu thực tế là 80 bộ mỗi ngày”.

Câu chuyện của Evawangi không hề hiếm. Trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội và các kênh tin tức của Indonesia, nhiều hình ảnh và các đoạn băng ghi hình cho thấy các bác sĩ và y tá phải mặc những bộ áo mưa. Cho đến ngày 6/4, khoảng một nửa trong số 2.491 ca bệnh được xác nhận của nước này đều ở Jakarta, trong khi các ca bệnh khác rải rác trên gần như toàn bộ 34 tỉnh.

Điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa xảy ra. Trong khi số ca nhiễm mới ở Trung Quốc chậm lại, châu Âu và Bắc Mỹ lại trở thành những tâm dịch mới của cuộc khủng hoảng COVID-19. Số ca nhiễm ở Đông Nam Á cũng đã gia tăng nhanh chóng, làm dấy lên những quan ngại rằng khu vực 650 triệu dân này có thể trở thành tâm dịch tiếp theo. Những nước có hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn, chẳng hạn như Indonesia và Philippines, được đánh giá là có nguy cơ cao nhất.

Hiệp hội bác sỹ Indonesia đã hối thúc chính phủ nước này đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế, khuyến nghị họ tránh điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 mà không có đầy đủ trang bị bảo hộ. Cho đến nay, ít nhất 18 thành viên hiệp hội đã tử vong trong đợt bùng phát này, bên cạnh đó, gần 100 nhân viên y tế ở Jakarta đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Chính phủ Indonesia cho biết đã phân phối hàng trăm nghìn thiết bị bảo hộ trên khắp cả nước, nhưng tình trạng khan hiếm vẫn còn, buộc nhiều bệnh viện phải kêu gọi quyên góp các vật dụng như găng tay và nước rửa tay. Một bệnh viện đã đăng trên Twitter rằng “hãy biến cuộc chiến này thành một chiến thắng chứ không phải là một sứ mệnh cảm tử”.

Do có các mối liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, một nửa các quốc gia Đông Nam Á - gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam - đã báo cáo những ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1/2020. Tuy nhiên, số ca nhiễm ban đầu ở những nước này tăng tương đối chậm. Hà Nội thậm chí đã chuẩn bị tuyên bố hết dịch vào đầu tháng 3. Sau đó làn sóng thứ hai đã ập đến với số ca nhiễm mới tăng nhanh.

Tại Việt Nam, nước áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với cả công dân của mình lẫn du khách nước ngoài trong tháng 2 vừa qua, làn sóng mới này có liên quan đến dòng người đổ vào đất nước, trong đó có hàng nghìn công dân trở về nước sau khi các quốc gia khác áp dụng lệnh phong tỏa.

Tại Thái Lan, các nhóm gây lây nhiễm trong cộng đồng bắt đầu tăng nhanh ở Bangkok vào tháng 3, gồm một nhóm người tại một hộp đêm và một trận đấu Muaythai được tổ chức tại sân vận động Boxing Lumpinee do quân đội sở hữu vào ngày 6/3. Cho đến ngày 6/4, hơn một nửa trong số 2.220 ca nhiễm được xác nhận là ở Bangkok và vùng phụ cận.

Tại Malaysia, 16.000 người tụ tập tại nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling ở ngoại ô Kuala Lumpur có lẽ đã tạo ra một ổ dịch lớn. Một lượng du khách đáng kể từ Thái Lan và Indonesia đã tham gia sự kiện trên.

Trong một diễn biến khác, Indonesia đang chuẩn bị tiếp nhận một làn sóng lao động di trú trở về từ Malaysia, cũng như gần 12.000 thuyền viên từ khắp nơi trên thế giới. Một nguy cơ đáng lo ngại khác là tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4/2020 với hàng triệu người Indonesia trở về quê hương.

Ban đầu, một số người hy vọng rằng khí hậu nhiệt đới của Đông Nam Á sẽ là một lợi thế, bởi vì dịch SARS năm 2003 đã dần biến mất sau khi thời tiết ấm lên. Một yếu tố khác được đánh giá là lợi thế là mặt bằng dân số ở khu vực này tương đối trẻ so với Ý hoặc Mỹ, những nước mà dịch COVID-19 tác động mạnh nhất đến những người lớn tuổi.

Nhưng những quan niệm này đã bị nghi ngờ. Indonesia là một trường hợp điển hình. Số ca nhiễm được xác định ở nước này thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ và Ý, nhưng tỷ lệ tử vong là 9%, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Pandu Riono, một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Indonesia, cho biết: "Tuổi tác không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Ngay cả khi chúng tôi có dân số trẻ, nhưng có nhiều người hút thuốc hoặc mắc các bệnh lý nền như cao huyết áp và tiểu đường. Điều này làm cho việc nhiễm virus trở nên nguy hiểm hơn". Sự thiếu chuẩn bị có lẽ đã khiến cho tình trạng trở nên ngày càng tồi tệ. Các nhà chức trách Indonesia đã coi nhẹ mối đe dọa này trước khi nước này phát hiện những ca bệnh đầu tiên vào ngày 2/3. Năng lực xét nghiệm yếu kém đã làm chậm quá trình chẩn đoán và việc các bệnh nhân được đưa đến bệnh viện quá muộn có lẽ cũng là nguyên nhân giải thích cho tỷ lệ tử vong cao ở nước này. Riono cho biết thêm: “Hệ thống chăm sóc y tế ở Indonesia vẫn còn hạn chế. Nhiều người bệnh cần được chăm sóc y tế nhưng không được chữa trị, và do đó chính hệ thống này đã khiến họ tử vong. Đó chẳng phải là một điều đáng buồn hay sao? Chúng tôi rất có thể sẽ trở nên giống như Ý”.

Phép mô hình hóa bằng toán học gần đây của Riono và các đồng sự đã chỉ ra rằng số người nhiễm bệnh trên thực tế ở Indonesia có thể đã chạm mốc 1 triệu người, nhưng chỉ có 2% được phát hiện. Số người tử vong cũng có thể cao hơn nhiều so với con số mới nhất được đưa ra là 209 người. Nhiều người tử vong ở Jakarta và những nơi khác bị nghi là do mắc COVID-19 nhưng không thể xác nhận do sự chậm trễ trong khâu xét nghiệm. So với các nền kinh tế lớn khác ở khu vực, Indonesia có mức chi tiêu y tế bình quân đầu người thấp nhất, với số bác sĩ ít nhất - chỉ 3 bác sỹ trên 10.000 người dân. Hơn nữa, Chính phủ Indonesia có lẽ là chính quyền miễn cưỡng nhất trong việc áp đặt các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế việc di chuyển của người dân.

Philippines đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài một tháng trên hòn đảo Luzon với 60 triệu dân, trong đó, quân đội được huy động để hỗ trợ thực thi lệnh phong tỏa này. Malaysia đã đóng cửa biên giới và tạm dừng các hoạt động kinh doanh không cần thiết vào giữa tháng 3, đồng thời phạt nặng những người vi phạm. Từ lệnh cách ly 14 ngày đối với du khách đến từ các nước láng giềng và các nơi khác trên thế giới, Singapore đã thi hành biện pháp cấm nhập cảnh toàn bộ đồng thời ra lệnh đóng cửa trường học và các nơi làm việc từ ngày 7/4.

Thái Lan đã đưa ra những chính sách thậm chí còn nghiêm khắc hơn như lệnh giới nghiêm và hạn chế phát ngôn. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng đây là thời điểm phải đặt sức khỏe lên trên hết. Campuchia dường như cũng đi theo đường hướng tương tự hạ cánh.

Tuy nhiên, Indonesia chỉ cấm các chuyến bay quốc tế hạ cánh từ ngày 2/4. Hơn nữa, trong khi hầu hết các văn phòng, trung tâm thương mại và các khu vực công cộng ở Jakarta và vùng phụ cận bị đóng cửa từ vài tuần trước, giới chức nước này chỉ kêu gọi người dân hạn chế đi lại mà không có một động thái áp đặt nào. Tổng thống Joko Widodo đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia nhưng vẫn lưỡng lự trong việc thắt chặt nền kinh tế hơn nữa. Ông Widodo cho biết: “Chúng tôi không thể chỉ bắt chước các nước khác vì mỗi nước có đặc trưng của riêng mình”.

Công ty tư vấn TS Lombard có trụ sở tại London đã so sánh phản ứng của Indonesia, Philippines và Thái Lan trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, đánh giá nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này là nước “có sự chuẩn bị kém nhất trong việc ngăn chặn virus”. Chuyên gia phân tích Krzystof Halladin nhận định rằng sự kết hợp giữa các biện pháp giãn cách xã hội thiếu quyết liệt và dịch vụ chăm sóc y tế yếu kém làm cho Indonesia trở thành nước kém cỏi nhất trong ba quốc gia nói trên trong việc chặn đứng sự lây lan của virus thời gian tới.

Tuy nhiên, thậm chí cả những nước có trang bị tốt hơn cũng có thể sớm bị quá tải nếu số ca nhiễm tiếp tục gia tăng với tốc độ như hiện nay. Halladin lưu ý rằng tỷ lệ tử vong tương đối cao ở Philippines - khoảng 4% - phản ánh năng lực hạn chế của nước này trong việc xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân. Cho đến ngày 1/4, Philippines mới chỉ xét nghiệm được 4.700 trường hợp. Để so sánh, cho đến ngày 5/4, Indonesia đã xét nghiệm được cho 11.200 người, Malaysia là 52.000 người, Hàn Quốc là 460.000 người và Mỹ là 1,76 triệu người. Hiệp hội y tế Philippines cho biết trong số 100 ca tử vong ở nước này có 17 người là bác sĩ. Chính phủ đã tuyên bố sẽ tăng cường công tác xét nghiệm sau khi tiếp nhận 100.000 bộ xét nghiệm từ Trung Quốc, nước vốn cam kết sẽ cử các chuyên gia y tế đến hỗ trợ Manila chống dịch.

Việt Nam đang khuyến cáo công dân ở nước ngoài xem xét lại quyết định trở về nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Phong cảnh báo thành phố này sẽ mất kiểm soát nếu số bệnh nhân tăng lên 1.000 người do thiếu y bác sĩ, giường bệnh và máy thở. Đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ của chính phủ, ngày 3/4, tập đoàn Vingroup cho biết sẽ sản xuất máy thở và thiết bị đo thân nhiệt.

Malaysia có một nền kinh tế tương đối phát triển và đã tiến hành số xét nghiệm nhiều nhất nhưng nguồn lực cũng bị dàn trải. Chính phủ nước này đang cố gắng huy động thêm bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, kể cả những người đã nghỉ hưu. Thiết bị bảo hộ cũng là một vấn đề: Các đoạn phim được chia sẻ trên mạng cho thấy các nhân viên y tế đang làm việc bằng túi đựng rác, nylon gói hàng và túi nhựa. Một số công ty đã quyên góp thiết bị, đồng thời Trung Quốc đã gửi vài trăm nghìn khẩu trang y tế đến nước này.

Khi các bệnh viện trong khắp khu vực quá tải, một số nước đang lập các bệnh viện dã chiến. Thái Lan đã quyết định tận dụng một ký túc xá đại học và một số khách sạn. Malaysia cũng làm tương tự với một trung tâm triển lãm và có kế hoạch tận dụng cả các sân vận động trong nhà. Indonesia đã mở một khu căn hộ vốn từng dành cho vận động viên tham dự Đại hội thể thao châu Á năm 2018 và đang chuẩn bị một hòn đảo hoang làm khu vực cách ly.

Trong khi đó, một mối đe dọa chưa xác định đang bao trùm lên các quốc gia có nguồn lực y tế kém hơn và có đường biên giới lỏng lẻo với Trung Quốc - như Lào và Myanmar – những nước mới chỉ ghi nhận một số ít ca nhiễm bệnh kể từ khi công bố ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 3. Và ở cấp độ khu vực, cuộc khủng hoảng trên đã khiến nhiều người nghi ngờ lý do tồn tại của ASEAN.

Singapore đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus từ sớm và có một hệ thống y tế tiên tiến. Nước này đã ghi nhận 6 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 trên tổng số khoảng 1.300 ca nhiễm bệnh. Nhưng ngay cả Chính phủ Singapore cũng đang ở trong tình trạng báo động trước thực trạng số ca nhiễm bệnh gia tăng tiếp tục gây hạn chế cho hoạt động kinh tế, nhấn mạnh thêm những thách thức đang chờ đợi các quốc gia láng giềng kém thịnh vượng hơn của nước này.

Erwida Maulia và Shotaro Tani là nhà báo tại Nikkei Asian Review. Bài viết được đăng trên báo Nikkei Asian Review

Minh Anh (gt)