Kể từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có sự cải thiện đáng kể trong những cam kết với ASEAN. Để đánh dấu 10 năm mối quan hệ chiến lược, một diễn đàn cấp cao đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp và các chuyên gia từ hai phía. Liệu đây có phải là hành động thực chất cho lễ kỷ niệm này? Mối quan hệ hai bên đang trở nên tích cực hơn?

Trung Quốc đã nổi lên là một đối tác thương mại lớn nhất và nước hợp tác gần gũi nhất với ASEAN. Lịch sử qua nhiều thế kỷ cũng cho thấy các mối liên kết dân sự trên biển và trên đất liền phần lớn là tích cực và hòa bình. Tuy nhiên, lịch sử không đóng góp được nhiều cho những vấn đề hiện tại. Mặc dù diễn đàn ASEAN-Trung Quốc do Thái Lan tổ chức là điều tích cực, nhưng vẫn có những tiếng nói và sự kiện khác đan xen. Việt Nam và Philíppin rất muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán đầy đủ về COC chứ không phải chỉ là tham vấn. Ngoại trưởng Vương Nghị đã đáp lại bằng lời nhắc nhở "tránh vội vàng". 

Ngoài ra đang xuất hiện thêm những sức ép mới. Manila gần đây đã tăng cường lực lượng hải quân của mình bằng việc tiếp nhận một tàu chiến lớp Hamilton của Mỹ và Oasinhtơn đã nói họ sẽ thúc giục Trung Quốc đẩy nhanh các cuộc đàm phán. Nhật Bản - có những tranh chấp với Trung Quốc xung quanh các hòn đảo phía Bắc - vừa giới thiệu tàu khu trục lớn nhất của nước này kể từ sau Thế chiến thứ hai. 

Đối với bản thân Trung Quốc, hiện đại hóa và chi tiêu cho quân sự vẫn tiếp tục tăng mạnh. Những người theo chủ nghĩa dân tộc nước này thường hay phàn nàn mỗi khi các nhà lãnh đạo của họ có lập trường quá mềm mỏng. Để ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột, các cuộc tham vấn liên quan tới Biển Đông cần phải được xúc tiến và phải có được tiến bộ cụ thể. Song song với nó, việc hợp tác về an toàn hàng hải và môi trường biển cũng phải đạt được tiến bộ. Điều quan trọng nhất là các hoạt động trên thực tế của quân đội và các cơ quan khác trong trao đổi hàng ngày cần phải được cân nhắc cẩn thận.

Trong trường hợp ngược lại, những ngày hợp tác láng giềng tốt đẹp sẽ kết thúc và các bên sẽ phải chuẩn bị cho việc tăng khả năng cạnh tranh và đối đầu. Điều này có thể sẽ phức tạp thêm bởi Nhật Bản và Mỹ, hai đối tác lớn khác đã bắt đầu chú ý hơn vào ASEAN. Còn nhiều vấn đề ngoài Biển Đông mà cả hai phía có thể phối hợp cùng nhau. Ví dụ như nhu cầu về hạ tầng cơ sở và đầu tư để kết nối hai bên. Tuy nhiên, những bước đi tích cực sẽ không dễ dàng được thực hiện. 

Trung Quốc trong những năm 90 của thế kỷ trước đã bắt đầu trở thành người khổng lồ và sự không cân xứng về quy mô và quyền lực đang khiến nhiều nước ASEAN lo ngại. Để giải tỏa chuyện này, Trung Quốc phải thể hiện mức độ đại lượng trong việc trợ giúp ASEAN, đặc biệt là các nước đang phát triển có chung đường biên giới với họ, mà không vì mục đích kiềm chế họ. Đối với ASEAN, sự lựa chọn thông minh là vừa hợp tác với Trung Quốc, vừa khéo léo phối hợp với các cường quốc lớn khác.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997, hợp tác châu Á đã phát triển và quan hệ ASEAN-Trung Quốc trở thành nhân tố then chốt. Hai bên cần nhìn nhận lại sự hợp tác này là quan trọng chứ không phải chỉ là sự lựa chọn. Nếu không, chủ nghĩa dân tộc của châu Á sẽ bị dao động. Một lựa chọn khác là an ninh sẽ tiếp tục phụ thuộc vào đồng minh Mỹ, trong khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn dẫn đầu về gắn kết kinh tế và thương mại sẽ trở thành trung tâm. Điều này có thể tác động tiêu cực tới Trung Quốc và nhiều nước ASEAN đứng ngoài TPP.

Trung Quốc có nhiều khác biệt với ASEAN và ngược lại. Nhưng nếu những nước châu Á này muốn hợp tác cùng nhau thành một khu vực, việc đối phó với những vấn đề hiện tại và nâng cấp quan hệ hợp tác ASEAN-Trung Quốc sẽ là vấn đề then chốt. 

Theo The Nation (Thailand)

Thùy Anh (gt)