Sau gần hai thập kỷ có mối quan hệ ổn định, ASEAN và Trung Quốc giờ đây đang có nhưng bất đồng liên quan đến hàng loạt mâu thuẫn xung đột trên Biển Đông. Trong quá khứ, sự đối đầu và bất đồng giữa ASEAN và Trung Quốc được xếp lại sang một bên vì e ngại rằng nếu nêu vấn đề ra sẽ làm cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng hoặc làm cho cuộc xung đột trầm trọng thêm. Giờ đây, ngày càng có nhiều hãng thông tấn đã chủ động nêu ra vấn đề, đặc biệt từ quan điểm của một số nước ASEAN có tuyên bố về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Nhất là Phi-líp-pin và Việt Nam. Trong số các nước ASEAN có tuyên bố về chủ quyền, hiên nay Phi-líp-pin đã trở thành nước có phản ứng gay gắt nhất với Trung Quốc. Mục tiêu của Manila hoàn toàn rõ ràng là, làm cho tất cả các nước ASEAN đều tham gia vào cuộc tranh chấp chống lại chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.

Thời điểm hiện nay, các nước ASEAN đang bi chia rẽ, giữa những nước có tuyên bố chủ quyền với những nước không có tuyên bố. Trong đó hai nhóm nước hoàn toàn có quan điểm khác nhau. Hầu hết các nước ASEAN muốn Trung Quốc giải quyết tranh chấp xung đột theo phương thức hòa bình, theo cách đó cả hai bên cùng thắng. Tuy nhiên, dường như hiện nay tất cả các bên không từ bỏ hy vọng về chủ quyền của mình. Trong các thập kỷ trước, họ đều cố gắng thực hiện chính sách chung bắt đầu bằng 1 chương trình hợp tác chung, nhưng không nước nào đồng ý với nhau về những vấn đề kỹ thuật.

Trung Quốc luôn khẳng định, cuộc xung đột Biển Đông sẽ được giải quyết song phương với từng nước có yêu cầu về lãnh hải chứ không phải với tất cả các nước ASEAN khác. Mâu thuẫn này tiếp tục không giảm, và điều này cũng giải thích tại sao, ASEAN từ chối không mời Trung Quốc tham gia vào cuộc thảo luận xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại các khu vực tranh chấp, thực chất là tại vùng Biển Đông. Bắc Kinh mong muốn sớm trở thành thành viên trong cuộc thảo luận vấn đề trên. Trung Quốc biết rằng cuộc xung đột này sẽ đẩy uy tín quốc tế của mình vào thế lâm nguy.

Cả Phi-líp-pin và Việt Nam đều tiếp tục nhấn mạnh tính chất xâm lược của Trung Quốc, hi vọng cộng đồng quốc tế sẽ nhận thức được đây là điểm yếu của Trung Quốc. Manila đã yêu cầu ASEAN giúp đỡ giải quyết cuộc xung đột của mình với Trung Quốc và biết rõ sự hạn chế của nhóm nước khu vực. Lời đề nghị này buộc Campuchia hiện là Chủ tịch ASEAN phải đưa ra thảo luận. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua ở Phnom Penh, Thủ Tướng Hun Sen đã không tránh khỏi sự chỉ trích trong việc điều hành vấn đề tranh cãi trên.

Nếu như xu thế này tiếp diễn, quan hệ giữa các nước có tuyên bố chủ quyền và nước không có tuyên bố sẽ trở nên căng thẳng và có thể tạo ra hậu quả phức tạp hơn cho quan hệ hữu nghị giữa ASEAN và Trung Quốc và cho cả khu vực Đông Á. ASEAN cần phải nhanh chóng tiến hành tham vấn với Trung Quốc để bảo đảm rằng hai bên thỏa thuận được với nhau về Bộ Quy tắc ứng xử càng sớm càng tốt. Ngoài ra, các cuộc đụng độ trên biển sẽ tiếp tục, lôi kéo giới truyền thông vào cuộc và sẽ khích lệ ý định của tất cả các nước liên quan, một số nước ASEAN không muốn hoặc không thấy cần thiết vào thời điểm này.

Trung Quốc cũng phải nhận thấy rằng để giải quyết cuộc xung đột này, cần tiến hành các cuộc thương lượng với tất cả các bên liên quan có tuyên bố về chủ quyền lãnh hải và thậm chí với cả nhóm nước. Bất cứ cố gắng nào nhằm chia rẽ các nước thành viên ASEAN sẽ có kết cục thất bại và sẽ trì hoãn việc giải quyết xung đột theo phương thức hòa bình. Trung Quốc chắc hẳn nhận thấy chiến lược này đã không được triển khai ở thập kỷ trước. Việc ASEAN và Trung Quốc càng nhanh chóng đạt được thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử thì càng tốt. Cả ASEAN và Trung Quốc có thể đưa ra đề nghị phi quốc tế hóa vấn đề này theo lợi ích riêng của mình, nếu như họ có thiện chí chính trị để làm như vậy. Và hiện giờ là thời điểm để làm điều đó.

Theo Nationmultimedia (ngày 21/4)

Quang Sáng (gt)