Điều gây nhức nhối nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, diễn ra trong hai ngày 3-4/4 ở Campuchia, là sự thiếu đồng thuận giữa các nước thành viên ASEAN (gồm 10 quốc gia) về cách xúc tiến các cuộc thương lượng với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario cho biết trong cuộc họp ngày 3/4, đã có "những mâu thuẫn lớn" về vấn đề này, còn Thủ tướng Campuchia Hun Sen giận dữ bác bỏ thông tin trên các phương tiện truyền thông về sự chia rẽ của khối. Cuối cùng, ngày 4/4, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra một tuyên bố thể hiện sự đoàn kết bề ngoài và cam kết sẽ "tăng cường nỗ lực" hướng tới việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đã được ký cách đây 10 năm, nhằm "thúc đẩy hòa bình". Theo giới phân tích, tuyên bố trên giống hệt tuyên bố mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Inđônêxia năm 2011. Điều đó chứng tỏ khối này đã thất bại trong việc giải quyết các bất đồng liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông, vấn đề vốn được cộng đồng quốc tế rất quan tâm. Pavin Chachavalpongpun, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Xinhgapo và từng là một nhà ngoại giao của Thái Lan, nói: "Đây là một tuyên bố không có sức thuyết phục, song điều này có thể hiểu được trong bối cảnh ASEAN không thể tìm được một quan điểm chung về vấn đề Biển Đông". Bridget Welsh - Phó Giáo sư giảng dạy Khoa học Chính trị tại trường Đại học Quản lý Xinhgapo - cho rằng chính sự phản ứng "không dứt khoát" của ASEAN (đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông) "đã nêu bật sự bất đồng lâu nay của khối". Bà nhấn mạnh: "Điều này cho thấy vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vẫn rất nghiêm trọng và các thành viên đều thừa nhận điều đó, song rõ ràng họ vẫn không đạt được sự đồng thuận về cách thúc đẩy vấn đề với Trung Quốc". Các nhà phân tích cho rằng việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới thăm Campuchia trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN là một nỗ lực "ngầm" nhằm gây áp lực buộc Phnôm Pênh - hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2012 - không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự lần này. Mối quan tâm chính của Campuchia khi "bắt tay" với Trung Quốc là đẩy mạnh thương mại và đầu tư. Thủ tướng Hun Sen cho biết tuần trước, ông Hồ Cẩm Đào đã cam kết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên 5 tỷ USD vào năm 2017. Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng các căng thẳng gia tăng gần đây đã cho thấy "ý nghĩa và tính cấp bách" đối với các cuộc đàm phán về COC. Trao đổi với AFP, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói: "Các căng thẳng gia tăng gần đây đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có thể sẽ dẫn tới các cuộc xung đột công khai, vốn không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào. Vì vậy, chúng tôi cần có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình, hiệu quả ngay khi có thể, và chúng tôi đang cố gắng làm điều đó". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng có "những bất đồng" giữa các thành viên ASEAN - giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền và những quốc gia không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông - về thời điểm đưa Trung Quốc vào bàn thương lượng về COC.

Theo Bangkokpost (ngày 4/4)

Mỹ Anh (gt)