Trong thời gian gần đây, các bên đòi chủ quyền đều đã hành động theo cách thức mà các bên khác không thể khoan dung. Việt Nam gần đây đã lên án Trung Quốc mạnh mẽ tới mức khiến các bạn bè ASEAN và cộng đồng quốc tế ngạc nhiên. Trong suốt thập kỷ qua, là một thành viên ASEAN có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam đã kìm nén sự phẫn nộ trước Trung Quốc và hành xử theo nguyên tắc chung của ASEAN coi tranh chấp Biển Đông là vấn đề có thể giải quyết với Trung Quốc và với các từng nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên sau khi giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, Việt Nam đã bất ngờ nổi lên như một động lực thúc đẩy ASEAN phơi bày tranh chấp. Trong năm ngoái, tranh chấp Biển Đông đã được đẩy lên và trở thành một vấn đề khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng ở Đông Nam Á. Các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, đã vào cuộc để khẳng định việc đảm bảo tự do và an toàn của tuyến vận tải biển đi qua khu vực này. Diễn biến mới này đã buộc các thành viên ASEAN khác không có tranh chấp ở Biển Đông cũng phải tham gia. 

Philíppin gần đây cũng gia tăng mức độ chỉ trích Trung Quốc xâm phạm các bãi san hô, nơi được coi là có nhiều trữ lượng dầu và khí đốt mà Manila khẳng định chủ quyền. Philíppin đã lên tiếng sau một loạt va chạm, được coi là phép thử mối quan hệ song phương tương đối mạnh mẽ giữa Philíppin với Trung Quốc. Mặc dù mối quan hệ này vẫn tốt đẹp nhưng cũng như các bên tranh chấp chủ quyền khác, Philíppin cũng nhận ra rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là không thể nhân nhượng.

Các diễn biến mới trên Biển Đông báo hiệu tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền sẽ sớm có thái độ giống nhau trong việc đảm bảo các đòi hỏi chủ quyền của mình không bị lãng quên hoặc bị các đối thủ khác mạnh hơn lấn lướt. Nếu tất cả các bên tranh chấp đều kiên định thái độ mới này, điều đó sẽ không có lợi cho quan hệ trong tương lai giữa Trung Quốc với ASEAN đồng thời sẽ dẫn tới sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Sự khác biệt quan điểm giữa các thành viên ASEAN có tranh chấp và các thành viên không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã làm suy yếu sức mạnh tập thể của ASEAN. Nếu các thành viên ASEAN bị đẩy tới chỗ phải lựa chọn đứng về bên nào đó, điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng hơn nữa tình đoàn kết ASEAN. 

Hiện nay các bên tranh chấp đều muốn các thành viên ASEAN, kể cả các thành viên không có tranh chấp, biểu thị lập trường chung chống lại sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn của Trung Quốc cho thấy rất khó có thể đạt tới bất kỳ sự đột phá nào trong các cuộc thảo luận nhằm đưa Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trở thành một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Khi bế tắc này kéo dài, Trung Quốc và ASEAN sẽ phải tìm kiếm một nền tảng chung để thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông. Tuy nhiên, triển vọng tìm kiếm một nền tảng hợp tác chung chỉ có thể xảy ra sau khi Trung Quốc điều chỉnh lại chính sách và lập trường đối với ASEAN sau hàng loạt sự cố vừa qua trên Biển Đông trong thời gian gần đây.

  Theo Nationmultimedia (22/6)

 Viết Tuấn (gt)