Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), báo "Dân tộc" (Thái Lan) ngày 8/8 có bài viết "ASEAN ở tuổi 45: Chưa đoàn kết, nhiều thách thức còn ở phía trước", trong đó cho rằng chia rẽ nội bộ cần phải được hàn gắn nếu muốn đạt mục tiêu to lớn hơn là hợp nhất.

Theo báo này, sau 45 năm, ASEAN mới nhận ra rằng một số thành viên có thể rất cứng rắn ở một số điểm. Những căng thẳng gần đây có thể dẫn tới sự sụp đổ của cả khối. Giờ đây chiếc hộp Pandora (theo thần thoại Hy Lạp) đã được mở toang. Mỗi thành viên ASEAN đều phải học lại cách làm thế nào để tự đứng thẳng hàng với những thành viên khác, học cách làm thế nào để có được sự đồng thuận trở lại hoặc những gì đã xảy ra ở Phnôm Pênh vào tháng trước có thể trở thành một tiền lệ duy nhất trong lịch sử của khối này.

Hai Chủ tịch sắp tới của ASEAN, Brunây và Mianma, sẽ phải chịu nhiều sức ép. Brunây là một nước nhỏ. Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1986, ngay sau khi giành được độc lập, nước này chỉ đóng vai trò bên lề trong khối này. Tuy nhiên, trước tình hình chính trị mới và sự chia rẽ trong ASEAN, Brunây đã bị đánh thức bởi những căng thẳng ngày càng tăng. Họ sẽ phải chấp nhận một tư thế tiên phong hơn nữa khi nhận chức Chủ tịch.

Mianma cũng vậy khi nước này trở thành Chủ tịch ASEAN năm 2014. Khi Minama nhận trách nhiệm này, quan điểm và hành động của Mianma sẽ được xem xét rất cẩn thận. Ngoài ra, nước này cũng sẽ trở thành quốc gia điều phối quan hệ ASEAN-Mỹ, một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của khối. Hy vọng là Brunây và Mianma sẽ học hỏi được những bài học kinh nghiệm trong thời gian Campuchia làm Chủ tịch để tránh được những cạm bẫy tương tự.

Tất cả các cuộc chuyển giao đang diễn ra khi các cường quốc lớn đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của họ tại khu vực này. Trước đây, những nước này ôn hòa và thụ động. Hiện nay, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Mỹ thực hiện chiến lược "trở lại châu Á", mọi con mắt đều đang đổ dồn về khu vực này.

ASEAN đang bị đặt vào tình thế khó xử. Họ phải đáp lại sức ép từ bên ngoài theo cách không để bị chia cắt khối trong khi mỗi một thành viên đều có lợi ích riêng và các mối quan hệ đặc biệt với các nước đối tác đối thoại lớn.

Chủ tịch ASEAN hiện nay, Campuchia, vẫn đang cố tìm cách đưa ra được một tuyên bố chung từ Hội nghị Thượng đỉnh lần trước. Các nhà lãnh đạo ASEAN đang thảo luận các cách thức để bảo đảm rằng bất kỳ nước Chủ tịch ASEAN nào cũng đều phải thực hiện vai trò của mình mà không liên quan tới lợi ích riêng.

Theo The Nation

Văn Cường (gt)