Các nước trong khu vực không thể đối chọi với Bắc Kinh trên phương diện quân sự, nhưng họ cũng không muốn cho qua và không muốn mất lãnh thổ trên biển. Quốc tế hóa tranh chấp, bao gồm cả việc khuyến khích sự hiện diện của Mỹ ở khu vực, là một cách để bảo vệ lợi ích của họ. Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Xinhgapo, nhận định: "Tôi ngày càng thấy muốn dùng từ gây hấn hơn là từ quyết đoán trong việc mô tả hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Manila đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) sau khi Trung Quốc cho đóng cọc, đặt phao nổi và để lại vật liệu xây dựng gần bờ Douglas Amy. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng Manila đang vi phạm chủ quyền của mình, rằng vật liệu này là để phục vụ các mục đích khoa học trên lãnh thổ của mình và họ không có ý định chiếm giữ các bãi đá. Tuy nhiên, ông Euan Graham, nhà nghiên cứu từ Chương trình Nghiên cứu Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Xinhgapo nhận định: “Bất luận đó là bước đi quân sự hay không, thì chỉ riêng việc xây dựng trên khu vực trước đây để trống cũng đã là vi phạm DOC”.

Một vấn đề khác tồn tại là không phải thành viên nào trong ASEAN cũng có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Ngoài Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây, các quốc gia khác như Thái Lan, Mianma và Lào, không tuyên bố có chủ quyền tại khu vực này. Những nước này không thấy có ít động lực để thách thức Bắc Kinh về vấn đề này trong bối cảnh Trung Quốc hiện là đối tác mậu dịch ngày càng quan trọng cho tất cả các nước trong khu vực.

Tang Siew Mun, Giám đốc Chính sách Đối ngoại và Nghiên cứu An ninh, tại Viện Chiến lược của Malaixia và Nghiên cứu Quốc tế, cho rằng các nước tuyên bố có chủ quyền sẽ phải đàm phán, thống nhất được một thỏa thuận, tức là tất cả các thành viên ASEAN không cần phải tham gia. Ông nói: “Nếu ASEAN tham gia, điều đó có thể gây cản trở sự tiến bộ vì Trung Quốc có thể xem hành động này như một sự khiêu khích, trong đó ASEAN thông đồng để thách thức Trung Quốc”.

Trong một diễn biến khác, Philíppin tuyên bố về một cuộc tập trận chung với Mỹ vào cuối tháng 6 này để khẳng định nguyên tắc "tự do hàng hải" nhưng không liên quan đến "căng thẳng Biển Đông".

Báo "Philstar" của Philíppin ngày 12/6 trích lời phát ngôn viên của Hải quân nước này, ông Jose Miguel Rodriguez, nói cuộc diễn tập với Mỹ sẽ bắt đầu ngày 28/6. Phía Philíppin cũng cho biết tàu khu trục USS Chung-Hoon của Mỹ, do Trung tá Stephen S. Erb chỉ huy sẽ tham gia cuộc tập trận mang tên CARAT (tức là Phối hợp Sẵn sàng ra khơi và Huấn luyện). Philíppin cho biết cuộc tập trận CARAT có mục tiêu nêu cao nguyên tắc tự do hải hàng trong vùng. Philíppin cũng nói kế hoạch diễn tập đã được lên từ năm ngoái. Dù không cho biết địa điểm tập trận, truyền thông Philíppin trích lời hải quân nước này nói rằng chắc chắn nơi đó sẽ là vùng biển Sulu và phụ cận.

  Theo BBC

 Vũ Hiền (gt)