Thông cáo chung hôm 10/8 vừa qua của các ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị cuối cùng của mình ở Myanmar đã cho thấy dường như các thành viên ASEAN, dù là bên có tranh chấp hay không, ngày càng trở nên đoàn kết và mạnh mẽ bày tỏ quan điểm của mình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Động thái gắn kết mới của ASEAN đã nhận được sự ủng hộ của cả nước Chủ tịch Myanmar và nước điều phối Thái Lan.

Tại hội nghị ASEAN+1 với Trung Quốc, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí được ba điểm quan trọng. Trước tiên, hai bên nhất trí về sự cần thiết phải tăng tốc quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiện nay. ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi “sớm đạt được” COC. Dĩ nhiên, không ai biết rõ thế nào là “sớm”. Nó có thể kéo dài một năm hoặc hơn nữa, song thời điểm chính xác dường như không phải vấn đề. Người ta vẫn chưa quên ASEAN và Trung Quốc đã mất 10 năm để nhất trí về những hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2002.

Trong vòng họp mới của Nhóm công tác và Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) dự kiến vào giữa tháng 10 tới ở Bangkok, hai bên đã lên kế hoạch thành lập một nhóm chuyên gia chung và cấp cao để xác định những điểm chung và tiến hành dự thảo COC. Hai bên cũng đã nhất trí sẽ trao đổi thông tin, bao gồm các biện pháp thực tế để giảm thiểu các sự cố không đáng có trên biển. 

Thứ hai, ASEAN và Trung Quốc nhất trí tăng cường tham vấn về các biện pháp và cơ chế để thúc đẩy thực thi hơn nữa DOC. 

Thứ ba, ASEAN và Trung Quốc lần đầu tiên nhất trí về ý tưởng “sớm đạt được” trong nỗ lực đàm phán COC của mình.

Ý tưởng " sớm đạt được " đã lần đầu tiên được đưa ra khi ASEAN và Trung Quốc đàm phán về hiệp định thương mại tự do vào năm 2000. Khi các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc nhóm họp lại, họ sẽ phải làm rõ cụm từ " sớm đạt được " thực sự nghĩa là gì, đặc biệt về các biện pháp thực tế có thể củng cố việc thực thi DOC. Hai bên cũng kêu gọi tự kiềm chế, không đưa ra những hành động làm phức tạp hoặc gây căng thẳng trong tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Việc đảm bảo thực thi như vậy có ý nghĩa quan trọng bởi nó là một phần của DOC, và được đưa ra ngay sau các vụ va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines.

Những sự nhất trí này giúp giải thích tại sao ASEAN đã không lưu tâm đến lời kêu gọi ngừng các hoạt động ở khu vực tranh chấp của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Không bên nào muốn Mỹ chiếm vị trí trung tâm. Đây là một bí mật mà ai cũng biết rằng ASEAN muốn Mỹ đóng một vai trò kín tiếng trong tranh chấp trên biển trong khu vực. Tuy nhiên, lần này Mỹ đã tỏ ra quá kiên quyết. Những nỗ lực chỉ trích Trung Quốc liên quan đến các sự việc trên Biển Đông đã không được đáp lại.

Tại hội nghị ở Naypyidaw, ASEAN và Trung Quốc đã không thể ra tuyên bố chung do bất đồng liên quan đến câu chữ. ASEAN kiên quyết muốn đề cập đến sự việc hồi tháng 3 ở Hoàng Sa, nguyên nhân dẫn đến căng thẳng và các vụ va chạm gần đây, cũng như cả những cách thức để ngăn chặn những sự cố này tái diễn. Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn tập trung vào những cách thức thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực tranh chấp mà không nhắc đến các vụ va chạm.

Cả Việt Nam và Philippines, những thành viên ASEAN lớn tiếng nhất do có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cũng giảm bớt những chỉ trích của mình, thay vào đó lựa chọn sức mạnh tập thể và khả năng mặc cả của nhóm khi can dự với Bắc Kinh. Việt Nam đã sử dụng khá hiệu quả ASEAN như là một đê chắn sóng với nước láng giềng phương Bắc. Gần đây, các chuyên gia Việt Nam đang sửa soạn tập hợp các chi tiết cho tuyên bố chủ quyền của mình. Trong khi đó, Philippines đã đưa ra tới 4.000 trang tài liệu sau nhiều năm chuẩn bị.

Thái độ hiện nay của Hà Nội và Manila đã củng cố lập trường chung của ASEAN về quá trình đàm phán COC. Cách tiếp cận ba bước mà Manila đề xuất, gồm kêu gọi ngừng thực hiện các hoạt động gây bất ổn, thực thi đầy đủ DOC và xây dựng COC là phù hợp với các tuyên bố của ASEAN. Tuy nhiên, vẫn còn cần phải đợi xem liệu lập trường hiện nay của Trung Quốc có linh hoạt hay không trong tiến trình xây dựng COC. Vào lúc này, Trung Quốc hoàn toàn hiểu được quan điểm của ASEAN. Là một cường quốc, Trung Quốc không thể bỏ qua ASEAN mà không chịu thiệt hại. Những đề xuất về Con đường tơ lụa trên biển hay Hiệp ước láng giềng hữu hảo, hữu nghị và hợp tác cũng như nhiều khuôn khổ hợp tác khác với ASEAN chỉ có thể không bị gián đoạn nếu như đạt được tiến triển rõ ràng trong đàm phán COC.

Theo Straits Times

Trần Quang (gt)