Một số chính phủ trong vùng tuyên bố rõ họ coi ASEAN là cơ sở chính để giải quyết tranh chấp. Năm 2002, ASEAN làm việc với Trung Quốc và đi đến một Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên liên quan tại biển Đông - được coi là nền tảng để tránh các cuộc xung đột trong khu vực.

Tuy nhiên, bà Carolina Hernandez, nhà phân tích quốc phòng làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển và Chiến lược Philíppin, tỏ ý hoài nghi khi nói: “ASEAN không thể giải quyết cuộc tranh chấp. Không phải tất cả 10 quốc gia liên quan đều là thành viên của ASEAN. Có 4 quốc gia ASEAN đưa ra những tuyên bố nhận chủ quyền và những tuyên bố này trùng lặp với nhau. Bản Tuyên bố Ứng xử của các bên liên quan có thể là một tuyên bố có tính cách chính trị, đưa ra những chuẩn mực, nhưng không thể buộc phải thực thi.”

Theo các nhà phân tích trong vùng, bước kế tiếp của ASEAN là đạt tới một luật lệ về ứng xử có tính cách cưỡng chế, nhưng chắc chắn việc này khó có thể thực hiện được trong năm nay. Yang Fang, một nhà nghiên cứu về an ninh hải dương tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Xinhgapo cho rằng quyền lợi của Mỹ làm cho vai trò của ASEAN thêm phức tạp. Ông nói: “Các nước ASEAN nên nỗ lực dàn xếp mối liên hệ giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Biển Đông. Một mặt các quốc gia này cần công nhận quyền lợi của Mỹ trong vùng này. Mặt khác, các quốc gia này không nên dồn Trung Quốc vào chân tường, vì làm như thế có thể đẩy Trung Quốc ra khỏi tiến trình này.”

Trong khi đó, John Ciorciari, một thành viên của Hiệp hội châu Á tại Niu Yoóc cho rằng bởi Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ tăng cường khả năng hải quân của mình, nên không thể đảm bảo an ninh và chiếm giữ các phần lãnh thổ trong một thời gian dài, nhất là trong bối cảnh Mỹ giúp các nước tranh chấp khác. Ông Ciorciari nói: “Chiến lược của Trung Quốc là ngăn ngừa các nước tranh chấp khác tiến vào vùng tranh chấp và cắm cờ của họ tại đây. Trung Quốc hy vọng tới khi có tiềm lực to lớn hơn thì sẽ có thể thu được nhiều nhượng bộ hơn nữa.”

Xét đến những mối quan tâm về quân sự và kinh tế, các chuyên gia khu vực cho rằng sự chọn lựa có lý duy nhất là tiếp tục những cuộc thảo luận.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen cảnh báo chỉ một tính toán sai lầm trong vùng này cũng có thể đưa đến bạo động. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng nguy cơ đó là thấp, vì nó sẽ gây gián đoạn cho việc khai thác dầu hỏa. Ông James Nolt, Trưởng khoa tại Học viện Công nghệ Niu Yoóc ở Nam Kinh (Trung Quốc), nói: “Không ai có thể sản xuất dầu mỏ tại Đông Nam Á nếu đây là một vùng có tranh chấp và chiến tranh vì các công ty dầu hỏa không liều lĩnh mang những tài sản đắt tiền của họ đến vùng có chiến tranh để khai thác dầu khí. Do đó, phương cách duy nhất để những quốc gia trong vùng có thể được lợi là khai thác tài nguyên liệu bằng hợp tác và hòa bình”.

Theo VOA (12/7)

 Hương Trà (gt)